Bắc Kạn sau 27 năm tái lập: Linh hoạt, sáng tạo, hành động quyết liệt để vươn lên
27 năm kể từ ngày tái thành lập (01/01/1997), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh bạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã không ngừng nỗ lực vươn lên để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá vào năm 2030.
Ngày 06/11/1996, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) ra Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, chuyển hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn. Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 35 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời 11 đồng chí. Ngày 01/01/1997, lễ tái thành lập tỉnh Bắc Kạn được tổ chức long trọng tại thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn). Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh Bắc Kạn.
Đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Khi được tái thành lập tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh có 05 huyện, 01 thị xã và 112 xã, phường, thị trấn; có 5 Ban của Đảng, 18 sở và các đoàn thể bắt đầu đi vào hoạt động. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, năm 1998, Chính phủ cho phép thành lập huyện Chợ Mới và năm 2003 thành lập thêm huyện Pác Nặm. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 01 thành phố, 07 huyện và 122 đơn vị hành chính cấp xã. Từ 01/02/2020, sau khi tiến hành sắp xếp lại theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bắc Kạn có 7 huyện, 1 thành phố và 108 đơn vị hành chính cấp xã.
Qua thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị đã giảm 14 đơn vị cấp xã; giảm 129 thôn, tổ dân phố; giảm 99 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 131 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và các địa phương.
Trong công tác cán bộ, tỉnh đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, tận tâm với công việc. Đối với việc bổ nhiệm cán bộ, tỉnh Bắc Kạn thực hiện việc bảo vệ chương trình hành động để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cách làm này mang tính đột phá, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đánh giá đúng cán bộ, chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu đề ra, từng bước khắc phục được tình trạng nể nang do thân quen, có hình thức vận động, thậm chí chạy chức, chạy quyền.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm; 85,8% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 11,3% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trên đại học; 100% cán bộ và 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn, đạo đức, năng lực, kỹ năng công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác phát triển đảng đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có trên 37 nghìn đảng viên; có 11 đảng bộ trực thuộc với 432 tổ chức cơ sở đảng; trên 98% chi bộ thôn sinh hoạt độc lập và không còn thôn trắng đảng viên. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra.
Kinh tế có nhiều chuyển biến
Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng gần 40 lần; thu nhập bình quân tăng 37 lần; thu ngân sách tăng hơn 51 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp quan trọng vào giá trị tăng trưởng chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 1997 - 2023 đạt trên 7%/năm. Năm 2023 đạt 6,33%, xếp thứ 6 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 33 so với cả nước.
Sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Từ một địa phương kinh tế thuần nông, tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ, tỉnh đã bước đầu xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị; an ninh lương thực được đảm bảo. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành ước đạt 16.423 tỷ đồng; GRDP bình quân 50,3 triệu đồng/người. Toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, một số sản phẩm tiếp cận được thị trường nước ngoài.
Công tác thu hút đầu tư đạt được những kết quả vượt bậc. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 178 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh với số vốn đăng ký đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông, phúc lợi, kinh tế - xã hội không ngừng được cải thiện, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế, các tỉnh trong khu vực, trong đó có những công trình hạ tầng quan trọng như: Bệnh viện Đa khoa 500 giường; hình thành một số khu, cụm công nghiệp; tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới; tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Ba Bể kết nối Na Hang, Tuyên Quang…
Đặc biệt, trong năm 2023, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Bắc Kạn.
Giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy
Giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo tồn, phát huy, trong đó 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, di tích An toàn khu Chợ Đồn), 6 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Hát Pá Dung, Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ Kỳ Yên, Múa bát của người Tày; hát Sli của người Nùng; Nghệ thuật hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm)...
Chợ Đêm Chợ Đồn, Chợ đêm Phố Cổ (thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì), Sắc thu hồ Ba Bể cùng nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tồng Ba Bể (Ba Bể), Lễ hội Mù Là (Pác Nặm), Lễ hội Phủ Thông (Bạch Thông)… đã thu hút được đông đảo Nhân dân trong tỉnh, du khách thập phương, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm...
Những kết quả đạt được trong 27 năm qua là rất to lớn, song Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Bước sang giai đoạn phát triển mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen; quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Ghi nhớ lời Bác dạy:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lập biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang không ngừng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, ra sức cống hiến, cùng nhau thi đua để lan tỏa những việc làm tốt, cách làm hay, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì sự nghiệp chung, với khát vọng mạnh mẽ là xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh…
Năm 2024, Đảng bộ tỉnh lựa chọn Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra. Với sự linh hoạt, sáng tạo và hành động quyết liệt từ Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh, tin tưởng rằng Bắc Kạn sẽ đạt mục tiêu là tỉnh khá vào năm 2030/.