Bắc Kạn: Xe trá hình lộng hành, hàng loạt nhà xe kêu cứu
Nhiều đơn vị vận tải hành khách tại Bắc Kạn kêu cứu vì bị xe hợp đồng trá hình lập bến cóc, cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch tuyến.
Lập văn phòng, điều chỉnh giờ chạy xe để chèn ép...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Hoàng Văn An, thành viên HTX Vận tải Thống Nhất, chạy tuyến cố định Bắc Kạn - Thái Nguyên cho biết, nhiều năm nay, Công ty CP thương mại và du lịch Hà Lan (Công ty Hà Lan), có trụ sở tại tổ 5, đường Dương Tự Minh, phường Tân Long, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã lập văn phòng đại diện và bến xe tại tổ 8, Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn để đưa đón khách từ Bắc Kạn đi Thái Nguyên và ngược lại.
Trước đây, xe của Công ty Hà Lan chỉ di chuyển theo QL3 mới, nay họ lập thêm văn phòng, đón khách ở cả QL3 cũ. Điều đáng nói là các xe này thường xuyên chọn giờ xuất bến trùng với xe tuyến cố định, nhiều lần đi trước chèn ép khiến anh và các lái xe tuyến cố định bức xúc.
“Trước thực trạng trên, tôi đã nhiều lần gửi đơn thư đến cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đề nghị có biện pháp xử lý dứt điểm nhưng không hiểu sao đến nay bến trái phép và các xe hợp đồng trá hình trên vẫn ngang nhiên hoạt động, không bị xử lý, dẹp bỏ. Tình trạng chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh này vẫn diễn ra hàng ngày gây bức xúc cho các lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định”, anh An nói.
Xác nhận thông tin trên, ông Vũ Đình Hùng, Giám đốc HTX Vận tải Thống Nhất, kiêm Chủ tịch Hiệp hội ô tô tỉnh Bắc Kạn khẳng định: "Công ty Hà Lan trước đây từng tham gia khai thác kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt tuyến Bắc Kạn - Thái Nguyên.
Thế nhưng hiện tại đã dừng khai thác, chuyển sang sử dụng mạng xã hội để quảng bá, tổ chức gom khách, thông báo giờ hoạt động từng chuyến hàng ngày, biến văn phòng đại diện của doanh nghiệp này tại ngõ 210, đường Trường Chinh, thuộc tổ 8, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn thành bến cóc, đón trả khách.
Tình trạng trên khiến hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định, tuyến buýt và bến xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi doanh thu bị giảm đến 50%, gây khó khăn cho các đơn vị".
Ông Phạm Tiến Sỹ, Giám đốc bến xe khách tỉnh Bắc Kạn, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải tỉnh Bắc Kạn cũng bày tỏ: "Nhiều năm nay, để cạnh tranh, Công ty Hà Lan còn ngang nhiên thành lập văn phòng đón trả khách ngay đối diện cổng Bến xe khách tỉnh Bắc Kạn để thu hút hành khách. Điều này đã khiến doanh thu của bến xe giảm sút nghiêm trọng, nhiều xe không thể hoạt động được, phải bỏ bến.
Hiện số lượng xe vào bến đã giảm từ 100 đầu xe từ 2 năm trước, nay chỉ còn khoảng 40 xe hoạt động. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và đời sống cán bộ công nhân viên tại bến và các nhà xe, gây bức xúc dư luận".
Lãnh đạo Hiệp Hội vận tải ô tô tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, trước thực trạng trên, nhiều lái xe, đơn vị vận tải và Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Bắc Kạn đã gửi đơn thư kiến nghị phản ánh đến UBND tỉnh Bắc Kạn.
Thậm chí, tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 6/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã trực tiếp phản ánh, kiến nghị triển khai giải pháp quản lý xe dù, bến cóc, hợp đồng trá hình. Sau buổi tiếp xúc trên, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành kết luận, giao Công an tỉnh và Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn phối hợp vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nhưng hiện nay các xe vẫn hoạt động bình thường.
Khó khăn trong công tác quản lý
Từ phản ánh trên, trong những ngày gần đây, PV Báo Giao thông đã nhiều lần có mặt tại Bắc Kạn để ghi nhận tình hình hoạt động của các xe dù, bến cóc là đúng như phản ánh.
Hàng ngày, các xe được cấp phù hiệu hợp đồng của Công ty Hà Lan vẫn vận chuyển khách từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn. Điểm tập kết là Văn phòng đại diện tại ngõ 210, đường Trường Chinh, thuộc tổ 8, phường Phùng Chí Kiên. Ngoài ra, Công ty này còn lập điểm đưa đón trước cổng bến xe khách và một số nơi tại TP Bắc Kạn.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hà Lan tại Bắc Kạn thừa nhận: Đơn vị đang vận chuyển hành khách từ Bắc Kạn đi Thái Nguyên và Hà Nội. Theo đó, hành khách sẽ được đưa đón đến văn phòng rồi được xe hợp đồng đưa đến 4 điểm trả khách tại các đường Sông Cầu, Hoàng Gia, Dương Tự Minh và Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên và ngược lại.
“Có thể nói đây là tuyến vận tải hành khách bằng tuyến cố định của riêng công ty chúng tôi khi hàng ngày hành khách được đưa đi, đón về giữa các văn phòng đại diện. Đơn vị hiện nay đang cung cấp 2 loại hình vận tải bằng xe 9 chỗ đi Thái Nguyên qua QL3 mới, xe 16 chỗ thì đi đường QL3 cũ với tần suất 2 giờ/chuyến, từ 5h30 đến 22h30 hằng ngày.
Trên đường lái xe sẽ tự thu tiền của từng hàng khách, nếu khách có nhu cầu đưa, đón tận nơi hay dừng đỗ ngang đường thì lái xe có thể linh hoạt, sẵn sàng phục vụ” ông Hà cho hay.
Trước thực trạng trên, ông Đặng Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn khẳng định: "Văn phòng đại diện của Công ty Hà Lan được thành lập để phục vụ hoạt động của tuyến xe buýt Bắc Kạn - Thái Nguyên. Tuy nhiên hơn 1 năm nay, tuyến buýt này đã được thông báo tạm dừng hoạt động.
Từ chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Bắc Kạn đang chủ trì, cùng Sở GTVT xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý hoạt động trá hình của Công ty Hà Lan. Theo đó, các lực lượng CSGT và TTGT Bắc Kạn vẫn đang kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm".
Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, tất các các xe hợp đồng của Công ty Hà Lan đều do Sở GTVT TP Hà Nội và Thái Nguyên cấp phép hoạt động nên Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn rất khó quản lý vì không có mật khẩu để kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và hình ảnh camera giám sát trên xe.
Đại diện Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn và Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, các đơn vị vẫn đang phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài xử lý các xe vi phạm trên đường, các đơn vị sẽ phối hợp với phòng chức năng của UBND TP Bắc Kạn kiểm tra văn phòng đại diện của Công ty Hà Lan trên địa bàn.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.