Bắc Kinh đang dẫn đầu, thậm chí bắt kịp Hoa Kỳ, trong nhiều công nghệ tiên tiến, từ robot, vệ tinh đến AI

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh Trung Quốc không được phép rơi vào tình thế phải 'ngửa tay xin công nghệ' từ các quốc gia khác...

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố: “Chỉ có tự lực cánh sinh, chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia một cách căn bản”.

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố: “Chỉ có tự lực cánh sinh, chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia một cách căn bản”.

Vào tháng 5/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình triệu tập các nhà khoa học hàng đầu. Thời điểm đó, Mỹ bắt đầu áp đặt các hạn chế về việc bán công nghệ cho Trung Quốc và những biện pháp siết chặt hơn đang được chuẩn bị. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh Trung Quốc không được phép rơi vào tình thế phải "ngửa tay xin công nghệ" từ các quốc gia khác. Ông tuyên bố: “Chỉ có tự lực cánh sinh, chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia một cách căn bản”.

Kể từ đó, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực chiến lược, thậm chí ở một số ngành còn thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Các công ty xe điện Trung Quốc giờ đây thuộc hàng tốt nhất thế giới. Các startup trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này cạnh tranh ngang ngửa với OpenAI và Google.

Các nhà sinh học Trung Quốc đang mở rộng ranh giới nghiên cứu dược phẩm, trong khi các nhà máy được trang bị robot tiên tiến. Trên biển, tàu chở hàng do Trung Quốc sản xuất thống trị ngành vận tải toàn cầu. Trong không gian, Trung Quốc đã phóng hàng trăm vệ tinh để giám sát mọi ngóc ngách trên Trái Đất. Ngoài công nghệ tiên tiến, Bắc Kinh cũng đang theo đuổi tự chủ trong lĩnh vực lương thực, năng lượng và tăng cường sức mạnh quân sự.

Theo Wall Street Journal, những thành tựu này đang giúp củng cố Trung Quốc và nền kinh tế của nước này khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị cho một kỷ nguyên đối đầu kéo dài với Mỹ, bao gồm cả cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn. Hai bên hiện đang bước vào các cuộc đàm phán phức tạp, với nhiều mức thuế mới được tạm thời đình chỉ.

TĂNG CƯỜNG TỰ CHỦ KINH TẾ

Những tiến bộ của Trung Quốc đang khiến nước này ít phụ thuộc hơn vào thế giới bên ngoài về hàng hóa và dịch vụ. Năm 2023, tỷ trọng nhập khẩu chỉ chiếm dưới 18% GDP, giảm so với khoảng 22% một thập kỷ trước. Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể đạt được sự tự chủ hoàn toàn. Năm 2024, nước này nhập khẩu hơn 2,5 nghìn tỷ USD hàng hóa, trong đó 164 tỷ USD từ Mỹ. Với dân số khổng lồ, việc đạt được tự chủ hoàn toàn trong một số lĩnh vực gần như là bất khả thi.

Ông Tập Cận Bình cho rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa và kế hoạch hóa nhà nước của Trung Quốc rất phù hợp để giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ tương lai, cho phép nhà nước tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực cần thiết. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng tiềm ẩn rủi ro. Chi phí khổng lồ từ chiến dịch tự chủ có thể làm trầm trọng thêm núi nợ của Trung Quốc, đe dọa kìm hãm nền kinh tế trong dài hạn.

Người dân Trung Quốc tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg News

Người dân Trung Quốc tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg News

Nỗ lực tự chủ của Trung Quốc đã bắt đầu từ trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ lần đầu. Năm 2015, chính sách “Made in China 2025” xác định 10 lĩnh vực ưu tiên quốc gia, bao gồm robot, hàng không vũ trụ và xe năng lượng mới. Sau khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại vào năm 2018, lời kêu gọi “tự lực cánh sinh” trở nên nổi bật, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc gần như đóng cửa biên giới. Nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng 2,2% trong năm 2020, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm đó, củng cố niềm tin rằng Trung Quốc có thể tồn tại với mức độ tiếp xúc quốc tế giảm.

ĐẦU TƯ KHỔNG LỒ VÀO CÔNG NGHỆ

Sức mạnh của Trung Quốc đến từ khả năng phân bổ lượng tiền khổng lồ cho các ngành ưu tiên. Năm ngoái, Trung Quốc chi 500 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D), gấp ba lần so với khi ông Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi tiêu R&D của Trung Quốc gần ngang bằng với Mỹ nếu tính theo sức mua tương đương.

Trí tuệ nhân tạo là một trọng tâm lớn. Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ Trung Quốc đã rót gần 200 tỷ USD vào 9.600 công ty AI từ năm 2000 đến 2023. Các quỹ đầu tư của chính quyền địa phương cũng hỗ trợ mạnh mẽ, giúp các công ty như Zhipu AI cạnh tranh với các đối thủ Mỹ. Các startup AI Trung Quốc còn thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân và các gã khổng lồ như Alibaba và Tencent.

Cuộc cách mạng công nghệ của Trung Quốc đang nâng cao năng lực sản xuất. Các công ty Trung Quốc mua vào số lượng robot công nghiệp tương đương với cả thế giới cộng lại, cho phép một số nhà máy thử nghiệm các dây chuyền tự động hóa cao, có thể hoạt động mà không cần ánh sáng. Trong phần lớn thập kỷ qua, 75% robot lắp đặt tại Trung Quốc đến từ các nhà sản xuất nước ngoài như Nhật Bản và Đức. Nhưng đến năm 2023, các nhà sản xuất robot Trung Quốc đã chiếm gần một nửa thị trường nội địa, theo Liên đoàn Robot Quốc tế.

Trong lĩnh vực robot hình người phức tạp hơn, các công ty Trung Quốc như UBTech tại Thâm Quyến đang cạnh tranh với các đối thủ Mỹ như Tesla của Elon Musk. Trong các nhà máy sản xuất xe điện, robot hình người được huấn luyện để phối hợp phân loại phụ tùng hoặc nâng các container nặng. UBTech cho biết 90% trong số hơn 3.000 nhà cung cấp của họ hiện là các công ty nội địa, cho thấy hệ sinh thái cung ứng trong nước của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Công ty này cũng tích hợp công nghệ từ DeepSeek, một công ty AI tiên phong của Trung Quốc, để giúp robot đưa ra quyết định tốt hơn.

TỰ CHỦ TRONG CÁC LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ NHẠY CẢM

Nỗ lực tự chủ của Trung Quốc mở rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hạt nhân. Tại nhà máy điện hạt nhân Sanmen, cách Thượng Hải 150 dặm về phía Nam, hai lò phản ứng đầu tiên được xây dựng vào năm 2009 sử dụng công nghệ từ Westinghouse của Mỹ, với các linh kiện chính nhập từ Mỹ và các kỹ sư Mỹ hỗ trợ vận hành. Hai lò tiếp theo cũng dựa trên công nghệ của Westinghouse.

Nhưng giờ đây, một cặp lò mới sẽ hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất, với mô hình Hualong One. Công nghệ nội địa này giúp Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn chi phí và thời gian xây dựng, đồng thời loại bỏ nguy cơ Mỹ từ chối bán thêm lò phản ứng trong tương lai. Nhờ sự phối hợp hiệu quả của Chính phủ, tài trợ dễ dàng từ các ngân hàng nhà nước và chuỗi cung ứng hạt nhân phát triển, Trung Quốc đã xây dựng một số lò Hualong One chỉ trong 5-6 năm, trong khi các lò Westinghouse mới nhất tại Mỹ mất hơn một thập kỷ và chi phí cao hơn nhiều.

Dây chuyền sản xuất tại một nhà sản xuất chất bán dẫn ở Binzhou. Ảnh: Zuma Press

Dây chuyền sản xuất tại một nhà sản xuất chất bán dẫn ở Binzhou. Ảnh: Zuma Press

Trong nhiều lĩnh vực mới nổi, Trung Quốc không chỉ dựa vào trợ cấp chính phủ mà còn khuyến khích các công ty cạnh tranh với nhau để nâng cao hiệu quả và đổi mới. Hai nhà sản xuất pin hàng đầu, CATL và BYD, đã nhận hàng tỷ USD trợ cấp trong ba năm qua, nhưng họ cũng chi hơn 20 tỷ USD cho R&D. Gần đây, cả hai công ty đều công bố hệ thống sạc nhanh mới, giúp giảm thời gian sạc xe điện xuống chỉ còn 5 phút.

Trong lĩnh vực không gian, Trung Quốc tập trung cải thiện các vệ tinh chụp ảnh và thu thập dữ liệu cho các ngành công nghiệp dân sự như xây dựng, cũng như mục đích quốc phòng. Năm ngoái, một nhóm các viện nghiên cứu Mỹ đã xếp hạng các hệ thống vệ tinh thương mại tốt nhất thế giới, các công ty Trung Quốc giành được 5 trong số 11 huy chương vàng, vượt qua Mỹ (4 huy chương).

Một trong những công ty chiến thắng, Chang Guang Satellite Technology, được thành lập năm 2014 với 30 triệu USD tài sản trí tuệ từ một viện nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Hiện nay, công ty này đang xây dựng mạng lưới vệ tinh cảm biến từ xa thương mại lớn nhất thế giới, với 117 vệ tinh đã hoạt động, có khả năng quan sát bất kỳ điểm nào trên Trái Đất tới 40 lần mỗi ngày.

BÁN DẪN VÀ CÔNG NGHỆ CAO

Trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, một điểm yếu lớn của Trung Quốc, các công ty như Huawei đã đạt được tiến bộ đáng kể. Mỹ gần đây sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế Trung Quốc tiếp cận các chip tinh vi, chẳng hạn như các sản phẩm hiệu suất cao của Nvidia, từ đó thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Năm 2023, Huawei gây chú ý khi ra mắt một chiếc điện thoại thông minh cao cấp sử dụng chip tiên tiến do Trung Quốc sản xuất. Gần đây, công ty này đang chuẩn bị thử nghiệm một chip mới, được kỳ vọng sẽ vượt qua chip H100 của Nvidia ra mắt năm 2022. Theo dự báo của Morgan Stanley, tỷ lệ tự chủ của Trung Quốc trong các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) – yếu tố cốt lõi trong phát triển AI – sẽ tăng từ 11% năm 2021 lên 82% vào năm 2027.

Dù đạt được nhiều tiến bộ công nghệ, Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức kinh tế to lớn, với tăng trưởng chậm lại và lo ngại trong nước rằng mức sống có thể không bắt kịp Mỹ. Các nhà kinh tế cho rằng các vấn đề cấu trúc như nợ cao và giá bất động sản lao dốc đang lấn át những lợi ích từ cải tiến công nghệ.

Một nguyên nhân khác có thể là mô hình do nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc. Lãng phí tài chính và gian lận đã làm tổn hại đến chi tiêu của chính phủ cho tự chủ. Gần đây, cựu chủ tịch một tập đoàn chip do Chính phủ hỗ trợ bị kết án tù chung thân vì các cáo buộc liên quan đến việc biển thủ 65 triệu USD tài sản nhà nước.

Trong ngành xe điện, khoảng 500 công ty ban đầu đổ xô vào thị trường để tận dụng nguồn tiền dễ dàng từ các chính quyền địa phương. Hầu hết đã thất bại và nhiều công ty còn lại đang không có lãi. Việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả đã làm chậm tăng trưởng năng suất. Theo các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu không có cải cách, Trung Quốc có thể chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 2,8% từ năm 2031 đến năm 2040, so với mức trung bình khoảng 6% trong thập kỷ qua.

Như nhà kinh tế học Lee Branstetter từ Đại học Carnegie Mellon nhận định: “Ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc, nguồn lực luôn có hạn. Nếu chúng được sử dụng không hiệu quả, điều này sẽ kìm hãm mức sống trong dài hạn”.

Thanh Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bac-kinh-dang-dan-dau-tham-chi-bat-kip-hoa-ky-trong-nhieu-cong-nghe-tien-tien-tu-robot-ve-tinh-den-ai.htm