Bạc Liêu: Báo động nguy cơ sạt lở cao
Ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự tỉnh Bạc Liêu đã công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông xảy ra trên địa bàn thị xã Giá Rai.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng các quy định pháp luật và diễn biến tình hình thực tế, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông trên địa bàn thị xã Giá Rai. Khu vực được xác định là đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm, thuộc khóm 4 và khóm 5, phường 1.
Vùng này đáp ứng đầy đủ các điều kiện để công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở, vì đây là khu vực đông dân cư sinh sống ven sông, tập trung nhiều công trình hạ tầng quan trọng như chợ Giá Rai, Trường Mầm non Sơn Ca 2 và lộ giao thông chính. Đặc biệt, tại khu vực phía sau Trường Mầm non Sơn Ca 2 đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 79,5 mét, chiều rộng 9,5 mét và khung trượt sâu từ 5-6 mét. Nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, đe dọa đến an toàn của người dân và các công trình trong khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự tỉnh đã chỉ đạo sau khi công bố tình huống khẩn cấp, thị xã Giá Rai cùng các sở, ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai công tác rà soát, thống kê thiệt hại và đề xuất các dự án cấp bách nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Ông Thiều nhấn mạnh, trước mắt UBND thị xã Giá Rai phải khẩn trương thi công tuyến kè phía sau Trường Mầm non Sơn Ca 2, nằm trên địa bàn khóm 5, phường 1 với chiều dài 115 mét, tổng kinh phí trên 10 tỉ đồng để bảo vệ khu vực này khỏi tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết sạt lở ven sông Bạc Liêu – Cà Mau đang ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và tài sản của người dân. Không chỉ đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm đang chịu tác động, nhiều khu vực khác cũng đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng như đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến cầu Sư Son (dài 4.700 mét ảnh hưởng đến 642 hộ dân và nhiều công trình quan trọng), đoạn hạ lưu bờ Đông và bờ Tây cống Hộ Phòng (dài 2.400 mét ảnh hưởng đến 333 hộ dân) và đoạn hạ lưu bờ Đông, bờ Tây cống Sư Son (dài 720 mét ảnh hưởng đến 3 hộ dân và hạ tầng liên quan). Các khu vực này đều có trường học, chợ và nhiều công trình hạ tầng, khiến việc bảo vệ càng trở nên cấp thiết.
Thị xã Giá Rai đang tiến hành thi công công trình kè chống sạt lở bờ sông với đoạn kéo dài từ cầu Giá Rai đến bến xe Hộ Phòng, tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng. Dự án này không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sạt lở và chống ngập lụt, mà còn mở ra cơ hội mở rộng không gian đô thị, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thị xã. Công trình cũng góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân khu vực.
Nhận xét về các thảm họa địa chất như sạt lở, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Biến động địa chất (động đất, chuyển động và va chạm các lục địa, sụt lún…) là loại thảm họa thiên nhiên gây những thiệt hại rất to lớn về người và vật chất, gây thảm cảnh đau thương mà con người phải khắc phục trong thời gian dài”. Ngoài những biến động địa chất, con người còn phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên khác như lũ lụt, bão, hạn hán hay sạt lở đất. Mỗi loại thảm họa đều mang lại những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm tổn thất về người và tài sản mà còn gây ra những tác động lâu dài lên môi trường và nền kinh tế. Sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng phòng ngừa và ứng phó. Chính quyền và cộng đồng cần hợp tác chặt chẽ, triển khai các biện pháp bảo vệ và khắc phục hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.
Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bac-lieu-bao-dong-nguy-co-sat-lo-cao-93121.html