Bạc Liêu đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển bền vững

Cuối năm với bộn bề công việc, nhưng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu vẫn có nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, chia sẻ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, với quyết tâm vì sự thịnh vượng của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Tháo gỡ điểm nghẽn thu hút đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bạc Liêu, trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cùng với nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức vượt qua khó khăn nên tỉnh Bạc Liêu phát triển ở hầu hết lĩnh vực.

Kinh tế khởi sắc, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của Bạc Liêu ước đạt 40.026 tấn, lũy kế 11 tháng của năm 2023 là 451.218 tấn, đạt 89% kế hoạch, tăng 10,36% so cùng kỳ. Sản lượng lúa thu hoạch ước đạt 964.745 tấn, tăng 1,24% so cùng kỳ. Chăn nuôi phát triển khá ổn định. Tình hình phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã có dấu hiệu lạc quan, trong tháng 11/2023, có 40 doanh nghiệp đăng ký mới, với số vốn đăng ký là 70 tỷ đồng.

Bạc Liêu đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Hồ sơ Quy hoạch lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, hiện đang tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ chỉnh sửa. Công tác xây dựng cơ bản được quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 11 tháng của năm 2023 hơn 2.650 tỷ đồng, đạt 67,95% kế hoạch, là nỗ lực lớn của tỉnh Bạc Liêu trong tình hình hiện nay.

Thông qua buổi Cà phê doanh nhân và các diễn đàn khác, doanh nghiệp góp thêm ý kiến vào thực hiện nhiệm vụ chung phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tích hợp phương án phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, lưỡng dụng và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của địa phương và một số ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu quan tâm quy hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án NLTT. Đồng thời, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đã tổng hợp trình Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư các dự án NLTT và thực hiện tốt chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững. Thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hiện Bạc Liêu đang tích cực phối hợp với các nhà đầu tư và ngành điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV, 220 kV theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện gió; sớm triển khai các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV, 220 kV, 500 kV đảm bảo đồng bộ với các tổ máy của Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW khi đi vào vận hành và các dự án nguồn điện khác theo Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt.

Để từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, ngoài sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương là hết sức quan trọng. Vì vậy, kiến nghị Bộ Công thương tạo điều kiện cho tỉnh sớm được đưa vào quy hoạch giai đoạn đến năm 2025 tổng cộng 2.000 MW điện gió (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi) để phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho đầu tư đường dây và trạm biến áp 500 kV của Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW. Trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đầu tư đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng hành giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều chủ trì buổi Cà phê doanh nhân với gần 20 doanh nghiệp. Mục đích của Cà phê doanh nhân nhằm kịp thời lắng nghe, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Theo ông Phạm Văn Thiều, mô hình gặp gỡ, cà phê sáng giữa lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành và doanh nghiệp sẽ được tổ chức định kỳ vào ngày đầu hàng tháng. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ phản ánh những vướng mắc đang gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời đề xuất, hiến kế những giải pháp và cả những cách làm hay, mô hình hiệu quả. Qua đó, giúp tỉnh nắm bắt và kịp thời giải quyết, tháo gỡ ngay các khó khăn để đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu tỏ ra rất tâm đắc về cách làm sáng tạo, kiến tạo đồng hành của lãnh đạo địa phương. Từ những buổi gặp gỡ thân mật như vậy, “cầu nối” giữa chính quyền và doanh nghiệp, người dân trở nên gần gũi hơn. “Hy vọng những tâm tư của doanh nhân tiếp tục được lắng nghe, tạo môi trường tốt cho nhà đầu tư tìm đến Bạc Liêu làm ăn nhiều hơn”, ông Tôn nêu mong muốn.

Tại cuộc trao đổi chia sẻ gần gũi này, các doanh nghiệp đã phản ánh nhiều vấn đề khó khăn cần sự chung tay tháo gỡ của tỉnh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiều nội dung như: tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, nhất là việc định giá tài sản thế chấp; những khó khăn từ các dự án bất động sản hạ tầng đã xong, nhưng gặp khó trong cập nhật giá đất và có những dự án đã hoàn thành từ lâu, song đến nay chưa được bàn giao; hạ tầng giao thông điểm du lịch bị xuống cấp lâu nay không được sửa chữa gây khó cho hoạt động du lịch và thu hút du khách; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận thị trường và nguồn lực…

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã giải đáp nhiều kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp, tạo niềm tin và khí thế mới để doanh nghiệp an tâm kinh doanh sản xuất và phát triển bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng, thông qua buổi Cà phê doanh nhân và những diễn đàn khác, các doanh nghiệp góp thêm ý kiến vào thực hiện nhiệm vụ chung phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục xem xét, giải quyết các kiến nghị còn tồn đọng của doanh nghiệp đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Bên cạnh gặp gỡ doanh nghiệp thường kỳ và các buổi cà phê doanh nhân, lãnh đạo tỉnh còn tổ chức Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Thanh niên Bạc Liêu khát vọng vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”; đối thoại với Hội Nông dân tỉnh với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”…

Sẵn sàng cho Festival muối Bạc Liêu lần thứ nhất

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ tổ chức Festival muối Bạc Liêu lần thứ nhất, nhằm giới thiệu các sản phẩm, mô hình sản xuất muối truyền thống và mô hình sản xuất muối tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết nối người sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; thúc đẩy nâng cao sản lượng, giá trị trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại lợi ích tốt nhất cho người sản xuất muối và doanh nghiệp.

Thông qua việc tổ chức sự kiện sẽ phát huy giá trị di sản nghề làm muối, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm làm từ muối của diêm dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhà khoa học với các doanh nghiệp và người sản xuất muối, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất muối, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành muối trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Quảng bá tiềm năng, thế mạnh nghề muối của tỉnh và triển vọng; mời gọi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và nguồn lực quan tâm, đầu tư phát triển ngành muối Bạc Liêu ngày càng phát triển.

Sự kiện được sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các viện, trường, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế liên quan đến ngành muối; các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp chế biến, cung cấp thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến muối; các hợp tác xã sản xuất, chế biến muối trong và ngoài tỉnh, các diêm dân sản xuất giỏi, nhiều kinh nghiệm.

Dự kiến, tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức sự kiện trên trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 25/4/2024, với 19 tỉnh, thành phố có sản xuất muối trên cả nước, khách dự khai mạc khoảng 1.000 - 1.500 người, gồm 30 gian hàng (gian hàng 19 tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến muối).

Các hoạt động chính của Festival muối Bạc Liêu lần thứ nhất bao gồm: tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, doanh nghiệp và hợp tác xã, không gian trưng bày các mô hình, hiện vật sản xuất muối của các tỉnh, thành phố tham gia. Diễn đàn, hội nghị, hội thảo phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiềm năng du lịch trải nghiệm đối với nghề sản xuất muối truyền thống tỉnh Bạc Liêu. Diễn đàn Xúc tiến thương mại, chương trình khảo sát thực tế tại các đồng muối Bạc Liêu.

Tổ chức tham quan cánh đồng muối kết hợp với các tour du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa tỉnh Bạc Liêu, tour du lịch cộng đồng, cụ thể như sau: thiết kế các tour du lịch, tham quan tại các khu du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh (Khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch Mẹ Nam Hải; Khu tưởng niệm Cao Văn Lầu, Khu tưởng niệm cha Diệp, Đền thờ Bác Hồ…).

Sự kiện kỳ vọng sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách, giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đời sống văn hóa, tinh thần con người Bạc Liêu, tạo thêm nguồn lực mới, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và vùng bán đảo Cà Mau.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bac-lieu-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-trong-phat-trien-ben-vung-d204710.html