Bạc Liêu: Mở rộng quy mô thu hút đầu tư liên kết vùng
Tỉnh Bạc Liêu đang định hướng thu hút mời gọi các dự án đầu tư có chọn lọc, có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 2.745 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đầu tư là 36.800 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Bạc Liêu đã thu hút đầu tư được 199 dự án (trong đó, có 182 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 65.065 tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài, tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD).
Với mục tiêu, tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức họp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh; trao đổi với doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh; giải đáp các kiến nghị, tìm hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết thời gian qua, chính quyền các cấp của tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, theo phương châm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
“Tỉnh Bạc Liêu đã và đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư trong tìm hiểu cơ hội đầu tư, triển khai dự án. Tỉnh thường xuyên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…” - ông Thiều chia sẻ.
Ông Thiều cũng cho biết, liên tục trong thời gian qua, UBND tỉnh đã niêm yết công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính, mức thu các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để doanh nghiệp, nhà đầu tư biết và thực hiện; bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tốt, thái độ hòa nhã hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng chỉ đạo thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời, công khai đường dây nóng hỏi đáp về những thắc mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch… Cơ hội trong thu hút, mời gọi đầu tư đã được mở ra nhiều hơn khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hướng phát triển liên kết vùng
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, với phương châm luôn cầu thị, đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp, Bạc Liêu đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 lần/năm. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng tháng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp thông qua mô hình “Cà phê gặp gỡ doanh nghiệp”.
Tỉnh cũng đã thành lập nhiều tổ công tác để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển địa phương, từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh, cũng như triển khai thực hiện các dự án đúng theo tiến độ cam kết.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn.
Đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực (hành lang kinh tế ven biển từ Long An - Kiên Giang; đường cao tốc, đường ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu); hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp nước, thủy lợi… đã được xác định trong quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tỉnh Bạc Liêu dự kiến huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 400 đến 450 nghìn tỷ đồng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GRDP là 11,5% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030; trong đó: nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 180 - 190 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 220 - 260 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh Bạc Liêu cũng tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đột phá, các dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.