Bắc Mê lan tỏa phong trào trồng rừng
BHG - Khắc sâu lời Bác dạy “Mùa Xuân là Tết trồng cây – làm cho đất nước càng ngày, càng Xuân” cùng với khí thế ra quân thực hiện Tết trồng cây năm 2023, phong trào trồng rừng phát triển kinh tế được người dân trên toàn huyện Bắc Mê chủ động, tích cực triển khai. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại toàn huyện đã trồng được 340 ha, đạt 44,6% kế hoạch, bằng 195% so với cùng kỳ, trong đó trồng cây có tính chất dược liệu 204,8 ha.
Được xem là mục tiêu, nội dung trọng điểm của huyện, trong những năm qua công tác trồng rừng tại Bắc Mê trở thành phong trào rộng khắp, đặc biệt trong năm 2022 toàn huyện trồng được trên 1.000 ha, đạt 123% kế hoạch. Để có được kết quả trên, huyện triển khai nhiều cơ chế, chính sách, cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ rừng được 7.200 lượt người; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với cây dược liệu; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác bảo vệ rừng. Công tác kiểm tra, tuần tra rừng với việc xử lý 35 vụ; giám sát vận chuyển gỗ rừng trồng phân tán của các hộ trên 1.700 m3; gỗ ván bóc rừng trồng 200m3… Bên cạnh đó phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng khuyến nông từ huyện đến thôn bản trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, quản lý tốt diện tích rừng trồng; đồng thời bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành nghề về trồng rừng, dược liệu...
Đồng chí Đỗ Nguyễn Quyết, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra và tạo động lực để người dân phát triển kinh tế rừng, trong 2 năm 2021 và 2022 huyện tiến hành chi trả cho công tác trồng rừng, dược liệu là 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó duy trì các hoạt động Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ rừng - PCCCR của huyện; 13 Ban Chỉ huy các xã, thị trấn; 139 tổ bảo vệ rừng – PCCCR tại các thôn bản; cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng 13/13 xã, thị trấn; lập 10 ô tiêu chuẩn điều tra, dự báo sâu bệnh hại rừng. Chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; trong quý I.2023 tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, ký cam kết được 1.039 lượt người. Tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại các địa bàn trọng điểm…Qua đó, trồng rừng phát triển kinh tế đã trở thành phong trào, hướng đi được người dân hưởng ứng và phát triển mạnh, đồng thời tạo nguồn thu nhập và trở thành sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.
Đồng chí Thào Mí Chính, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, chia sẻ: “Trong 3 năm gần đây, công tác trồng rừng tại xã ngày càng được người dân quan tâm với việc chủ động, phủ xanh các diện tích đất trống, đồi núi trọc. Kết quả trồng rừng hàng năm đều vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đặc biệt với việc được đào tạo người dân dần có kinh nghiệm hơn trong phát triển cây lâm nghiệp, giúp cây phát triển tốt. Trên địa bàn có nhiều hộ dân bắt đầu có nguồn thu từ rừng, qua đó trở thành động lực, tấm gương cho nhân dân trên địa bàn phấn đấu phát triển kinh tế”.
Bác Triệu Văn Hào, thôn Lùng Thóa, xã Minh Sơn chia sẻ: “Từ chủ trương chung của xã và tập quán canh tác từ lâu của người dân trong việc gắn bó với rừng. Gia đình tôi đã tiến hành cải tạo hơn 15 ha rừng sang trồng cây phát triển kinh tế là Quế và Thông, từ việc cây phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng nên năm 2023 gia đình tiếp tục mở rộng trồng thêm 6 ha Quế. Mong rằng với tổng diện tích rừng hiện có, sẽ trở thành nguồn lợi phát triển kinh tế, giúp gia đình vươn lên làm giàu”.
Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu là một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ huyện nhằm tận dụng những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế; công tác trồng rừng được huyện triển khai thực hiện và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Việc trồng rừng được chỉ đạo quyết liệt từ khâu khảo sát, thiết kế, thẩm định hiện trường, cung ứng giống, tổ chức trồng và thanh toán vốn, qua đó đã có tác động tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202304/bac-me-lan-toa-phong-trao-trong-rung-2c51ed6/