Số 47-2024: Saigon Times CSR 2024 – Vì một tương lai bền vững

Trong lần thứ 6 được triển khai, chương trình Saigon Times CSR tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những dự án CSR nổi bật, thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường và kiến tạo nền kinh tế bền vững.

Thận trọng với AI (mục Ý kiến): Đặt quá nhiều kỳ vọng vào AI như một loại thần dược trị bách bệnh dẫn tới nhiều rủi ro, kể cả bỏ qua những thiếu sót cơ hữu của AI cũng như sự chủ quan không nỗ lực tìm các giải pháp khác mà cứ trông chờ vào AI.

“Lối ra tín dụng” cho một triệu héc ta lúa chất lượng cao (Cẩm Hà): Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chung tay, đồng tài trợ cho doanh nghiệp tham gia đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao… để chia sẻ rủi ro, trước mắt sẽ thí điểm ở Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Đây có thể coi là “lối ra tín dụng” cho đề án này.

Thách thức nào cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025? (Tuệ Nhiên): Quốc hội mới đây đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn bất ổn, điều gì khiến Việt Nam kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ như thế? Liệu những thách thức có thể đến từ đâu?

Ban hành chính sách hạn chế xe máy: Cần có sự tham gia của người dân (An Nhiên): Muốn có được sự đồng tình của người dân nói chung về quyết định hạn chế, cấm xe máy thì việc đánh giá tác động của nó một cách khoa học cũng như giải trình chính sách một cách công khai, minh bạch luôn đóng vai trò quan trọng.

Điện hạt nhân trong bức tranh cung ứng năng lượng Việt Nam (Hoàng Hạnh): “Nếu không quan tâm tới điện hạt nhân thì Việt Nam chưa tìm thấy nguồn cung điện nào đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ước tính 10%/năm. Song song với đó, cần khuyến khích sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng…”, PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Sức ép tỷ giá cuối năm (Triệu Minh): Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại thường xuyên niêm yết giá bán ra đô la Mỹ sát mức giá trần của Ngân hàng Nhà nước. Điều gì đang gây sức ép lên tỷ giá trên thị trường chính thức?

Đằng sau sự bùng nổ của đồng đô la Mỹ (Song Thanh): Đà tăng giá mạnh mẽ của đô la Mỹ đang thu hút nhiều sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu. Những yếu tố nào đang thúc đẩy đà tăng này, và liệu động lực đó có kéo dài?

Ông Donald Trump thắng cử, thao túng tiền tệ, và tỷ giá (TS. Võ Đình Trí): Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Donald Trump không chỉ giành chiến thắng áp đảo mà đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số trong cả hai viện Quốc hội. Kết quả này sẽ có những tác động sâu rộng không chỉ đối với Mỹ mà cả thế giới. Trong đó, có câu chuyện tỷ giá hối đoái đối với các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, mà Việt Nam là một trường hợp khá đặc biệt.

VN-Index tìm về vùng hỗ trợ sau tuần giảm điểm mạnh (Thanh Thủy): các nhà đầu tư ngắn hạn, nếu muốn bán giảm tỷ trọng hoặc cơ cấu danh mục thì không nên hành động trong những phiên giảm sâu. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi nhịp hồi phục của thị trường để có mức giá tối ưu hơn.

Chứng khoán - Đi tìm vùng hỗ trợ (Triêu Dương): Hiện nay, hệ số P/E của kênh tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm bình quân ở mức 19,4 lần, cao hơn nhiều so với kênh chứng khoán, do đó dòng tiền tiết kiệm có khả năng vẫn sẽ tiếp tục tìm cơ hội chuyển dịch sang những tài sản khác có lợi suất hấp dẫn hơn…

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài? (Lão Trịnh): Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến áp lực bán ròng kéo dài từ nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị bán ròng khoảng 3 tỉ đô la Mỹ kể từ đầu năm 2024 đến nay. Liệu trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam có còn hấp dẫn?

Nợ xấu các ngân hàng sắp đạt đỉnh? (Thụy Lê): Sau giai đoạn tăng mạnh trong năm 2023 và nửa đầu năm nay, nợ xấu của toàn ngành trong quí 3 vừa qua vẫn đi lên, nhưng tốc độ tăng có dấu hiệu chậm lại. Trước đó nhiều dự báo của giới phân tích cho rằng nợ xấu có thể đạt đỉnh trong quí 3, chậm nhất cũng chỉ trong quí 4 năm nay.

Từ kiến nghị không tăng thuế giá trị gia tăng với ngành điện ảnh… (Thái Mạnh Cường): có thể thấy các mức thuế thấp hơn tiêu chuẩn không có tác động phân phối thu nhập như kỳ vọng, thậm chí còn khiến “nước chảy về chỗ trũng”, tạo thêm lợi ích cho nhóm giàu có trong xã hội. Hồ sơ dự thảo Luật thuế GTGT dường như vẫn còn thiếu các đánh giá chi tiết như vậy về tác động của đề xuất chính sách.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga - thấy gì qua kết luận của Tòa án Phúc thẩm Paris? (Lê Thiên Hương): Từ hơn mười năm nay, bà Trần Tố Nga - năm nay đã 82 tuổi - theo đuổi vụ kiện nổi tiếng chống lại 14 tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Bayer-Monsanto và Dow Chemical, vì hành vi cung cấp chất diệt cỏ còn gọi là “chất độc màu da cam” cho quân đội Mỹ…

Bảo hiểm cho nông nghiệp - rất cần nhưng không dễ (Lưu Minh Sang): Ngày 4-11-2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu giữa diễn đàn Quốc hội rằng “Chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi”…

Kỹ thuật chuỗi khối, tiền số, tài sản số và chính sách của Việt Nam (Vũ Quang Việt - Hồ Văn Tiến): Tại sao kỹ thuật chuỗi khối lại được nói tới nhiều như hiện nay? Đó là vì kỹ thuật này được dùng để tạo ra tiền số như bitcoin, cho phép trao đổi trực tiếp giữa một sở hữu chủ và đối tác, tránh sự nhòm ngó của bất cứ ai, mà cơ bản là chính quyền không biết người sở hữu thực là ai và mục đích trao đổi của họ là gì.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số - tối hậu thư cho những gã khổng lồ công nghệ (Võ Thu Hương - Hà Phương Anh): Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU đang tạo ra bước ngoặt lớn trong việc kiểm soát những “người gác cổng” trong lĩnh vực công nghệ.

Hoạt động kinh doanh song hành cùng trách nhiệm (Dạ Lê): Việc các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến trách nhiệm xã hội (CSR) đánh dấu một bước mở rộng quan trọng trong tư duy làm kinh tế, từ theo đuổi lợi nhuận sang kiến tạo lợi ích. Giá trị đóng góp cho cộng đồng giờ đây trở thành một trong những thước đo hàng đầu phản ánh tính hiệu quả của mô hình kinh doanh.

Giá cà phê tăng trong hồi hộp (Nguyễn Quang Bình): Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 đã bắt đầu. Các trận bão dồn về trong nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2024 vẫn chưa thể kích giá cà phê tăng trở lại cho đến khi… thị trường biết đích danh vị Tổng thống thứ 47 của Mỹ là Donald Trump.

Chợ sách trên TikTok: Xem, thích là chốt đơn ngay! (Nguyễn An Nam): Chúng ta đang ở kỷ nguyên của công nghệ truyền thông. Các kênh truyền thông mạng xã hội đang trở thành kênh tác động rất lớn đến hành vi tiêu dùng, thói quen tiêu dùng từ thỏi son, chai nước hoa, dụng cụ vệ sinh nhà bếp, cái máy hút bụi hay một cuốn sách.

Người phát ngôn doanh nghiệp là ai? (Ricky Hồ): Hơn 1 triệu doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong không gian kinh tế rộng lớn đó, vai trò của người phát ngôn doanh nghiệp chưa được định nghĩa đúng, thường được xếp làm vai phụ, vai lót. Dường như họ chỉ được nói những gì đã được chuẩn bị và được sếp phê duyệt trước.

Người phát ngôn doanh nghiệp phải được đào luyện và trao quyền (Hồ Nguyên Thảo): Cố vấn phát ngôn là một nghề bình thường như bao nghề ở các nước. Nhưng ở Việt Nam chưa có cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào tổ chức các khóa học đào tạo một người phát ngôn có năng lực, đại diện cho doanh nghiệp.

Nghĩ về… những thứ từ xa! (Lê Cường): Làm từ xa, nghỉ từ xa, học từ xa… nghĩ về những thứ gắn với “từ xa” mà thấy mọi thứ thay đổi đã nhiều.

Chồng thư cũ, hôm qua và ngày mai! (Trần Thanh Bình): Có những câu chuyện đời người, từng ghi lại bằng giấy trắng mực đen. Để rồi một hôm giở ra bỗng bâng khuâng như vừa mới đây thôi, lúc tìm và đọc lại dáng nét thời gian qua chồng thư cũ, đã hàng chục năm!

Bạo lực - nỗi ám ảnh và những giới hạn của sự chịu đựng (Đoàn Anh Tuấn): Bất ngờ vượt qua Tàn Tuyết đến từ Trung Quốc và hai bậc thầy văn học người đồng hương Hàn Quốc là Ko Un và Hwang Sok-Yong, Han Kang đã trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên được gọi tên ở giải Nobel Văn chương 2024 vì “thứ văn xuôi mãnh liệt đậm chất thơ, qua đó thể hiện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”.

20-11, nhớ thương một nghề (Nguyễn Hoàng Chương): Mùa 20-11 lại về. Tính từ 20-11-1982 đến nay là 42 năm - ngày tôi chập chững trên bục giảng, luống cuống khi nghe trò chào thầy…

Điện hạt nhân - từ chỗ bị xa lánh đến giải pháp cho bài toán năng lượng sạch (Lạc Diệp): Nhiều năm qua, tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu, năng lượng hạt nhân thường bị coi là một vấn đề hơn là một giải pháp. Tuy nhiên, áp lực từ sự nóng lên toàn cầu và nhu cầu điện sạch ngày càng gia tăng đang khiến mọi thứ dần thay đổi.

Mỹ gia tăng biện pháp hạn chế ngành công nghệ Trung Quốc (Ngân Diệp): Mỹ đang không ngừng gia tăng sức ép lên các ngành công nghệ cao của Trung Quốc bằng các biện pháp hạn chế đầu tư và xuất khẩu. Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục nóng.

Cuộc đối đầu giữa ông Trump và Fed (Nguyễn Vũ): Cùng với các công bố bổ nhiệm nhân sự chủ chốt trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người ta lại nghe một từ “Không” dứt khoát từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khi được hỏi liệu ông có từ chức khi được yêu cầu.

Mời bạn đọc đón xem!

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-47-2024-saigon-times-csr-2024-vi-mot-tuong-lai-ben-vung/