Bắc Mê tích cực triển khai Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'

Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), huyện Bắc Mê đang tích cực phấn đấu xây dựng mỗi xã một sản phẩm chủ lực có thương hiệu và hiệu quả kinh tế cao; mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn; giúp người dân nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Sản phẩm viên nang tinh bột nghệ Bắc Mê được hỗ trợ đăng ký quy chuẩn.

Sản phẩm viên nang tinh bột nghệ Bắc Mê được hỗ trợ đăng ký quy chuẩn.

Theo đó, UBND huyện đã hình thành được hệ thống bộ máy tổ chức triển khai Chương trình OCOP từ huyện đến xã. Đồng thời, xác định các giải pháp từng bước nâng cấp và hoàn thiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng. Củng cố, hoàn thiện tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp; từ ý tưởng tổ chức sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, xã, thị trấn và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình… Để thực hiện hiệu quả chương trình này, huyện Bắc Mê đã thành lập hệ thống quản lý, tổ chức triển khai chương trình từ huyện đến xã nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất xây dựng các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và thương mại hóa sản phẩm truyền thống. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đồng thời là Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP cấp huyện, xã và ở mỗi cấp có bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. Triển khai đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất…, tham gia chương trình về chuyên môn quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.

Đối với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ; trên cơ sở 5 nhóm sản phẩm chủ lực mang tính đặc sản, đặc trưng dựa trên các tiêu chí như: Có nguồn gốc xa xưa tại địa phương, có tính độc đáo riêng biệt với các địa phương khác, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa và được thị trường tại chỗ chấp nhận, có khả năng vươn ra tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Từ năm 2018, huyện chỉ đạo các xã tiến hành đăng ký sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua sàng lọc số sản phẩm đăng ký của các xã, thị trấn; huyện Bắc Mê đã chọn và hỗ trợ đăng ký quy chuẩn, hoàn thiện dây chuyền sản xuất cho 4 sản phẩm và phát triển mới đó là: Hỗ trợ đăng ký các quy chuẩn sản phẩm tinh chất mầm đậu nành của Công ty TNHH Cát Thành thị trấn Yên Phú; hoàn thiện nhà xưởng, dây chuyền thiết bị chưng cất, đóng chai theo tiêu chuẩn sản phẩm tinh dầu Hồi Bắc Mê của HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp trồng và chiết xuất tinh dầu Hồi xã Đường Âm; hoàn thiện dây chuyền đóng viên nang cho sản phẩm tinh bột nghệ Bắc Mê của HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc; hoàn thiện dây chuyền chế biến sản phẩm đóng chai rượu ngô Phú Nam của HTX Khởi nghiệp Thành Công. Hỗ trợ giống, đào tạo nâng cao chất lượng sản phẩm cây Đương quy của HTX Dược liệu xã Phiêng Luông. Chuẩn hóa Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú theo tiêu chuẩn Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Homstay. Đồng thời phát triển mới các sản phẩm chưa có nhãn mác, thương hiệu như: Cá Bỗng Bắc Mê; lợn đen Bắc Mê; gạo chất lượng cao Bắc Mê; gạo nếp Bắc Mê; Bún khô xã Lạc Nông; Dưa chuột thôn Nà Vuồng, xã Yên Phong, Bản Khén, xã Lạc Nông và rau sạch xã Phú Nam.

Chủ tịch UBND xã Phú Nam, Nguyễn Ngọc Trung chia sẻ: Khi đã xây dựng được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm, thì mức thu nhập của người dân sẽ tăng lên; bà con sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu để ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; từ đó sẽ có thu nhập ổn định.

Ngoài các sản phẩm trên, huyện Bắc Mê khuyến khích các xã, thị trấn tạo điều kiện lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản của địa phương cũng như các sản phẩm truyền thống có nguy cơ bị thất truyền tại các địa phương; tập trung hỗ trợ phát triển, khôi phục các sản phẩm và phấn đấu xây dựng thành các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Khi tham gia chương trình này, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ xúc tiến và quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp người dân trên địa bàn giải quyết những vấn đề quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trí tuệ, ý tưởng phát triển kinh tế tại địa phương; từng bước xây dựng hình thành, bền vững mối liên kết giữa các hộ sản xuất với tổ hợp tác, nhóm sở thích, HTX, doanh nghiệp (từ ý tưởng tổ chức sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm). Đây được coi là hướng đi đúng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng và định hướng cho các sản phẩm vươn ra tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh; và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân từ tiềm năng tài nguyên đất đai, tạo việc làm cho lao động địa phương; góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/moi-vung-que-mot-san-pham/201910/bac-me-tich-cuc-trien-khai-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-750877/