Bắc nhịp cầu văn học Việt Nam ra thế giới
Nhà thơ, dịch giả Võ Thị Như Mai tin rằng thi ca không chỉ là nghệ thuật ngôn từ, mà còn là phương tiện đầy quyền lực chuyên chở tình yêu, sự đồng cảm và bản sắc văn hóa Việt Nam đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Trò chuyện với TG&VN, chị nhấn mạnh việc trao đổi ngôn ngữ và văn hóa có thể xóa tan những e ngại, kéo gần khoảng cách và làm cho việc hội nhập trở nên dễ dàng hơn với mỗi người Việt...

Nhà văn, dịch giả Võ Thị Như Mai. (Ảnh NVCC)
Thi ca Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với chị trong hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa nơi xứ người?
Từ rất sớm, thi ca đã trở thành một phần ký ức không thể tách rời trong tôi. Thuở nhỏ, tôi mê nghe mẹ kể chuyện mỗi đêm, rồi tự tay chép thơ của nhiều tác giả vào tập vở, nâng niu từng câu chữ. Những lần ba đi công tác xa về, món quà mà tôi háo hức nhất chính là một tập thơ mới và tôi vẫn nhớ như in món quà đầu tiên ba tặng để thưởng công học hành: Thơ Xuân Quỳnh. Từ đó, tiếng Việt và văn chương neo lại trong tôi như một mái nhà ấm áp, chở che suốt tuổi thơ.
Khi lớn lên và rời quê hương, sống nơi đất khách, tôi càng nhận ra thơ ca Việt không chỉ đẹp ở giai điệu hay hình thức, mà còn là nơi gìn giữ tâm hồn người Việt, chan chứa tình cảm, lưu giữ tiếng nói, gửi gắm nỗi nhớ, niềm hy vọng. Nhờ vậy, thơ tiếp tục nuôi dưỡng tôi, giúp tôi như có một quê hương di động ở trong lòng, bất kể đang ở đâu.
Nơi xứ người, mỗi bài thơ viết bằng tiếng Việt như một sợi chỉ buộc chặt tôi với cội nguồn, nhắc tôi nhớ mình là ai và luôn gợi lòng biết ơn. Vì vậy, tôi rất trân trọng cơ hội được lan tỏa giá trị này qua công việc giảng dạy, dịch thuật và sáng tác. Tôi đã sáng lập trang The Rhythm of Vietnam để chia sẻ thi ca, đồng thời tham gia nhiều sự kiện văn hóa tại Tây Australia và các lễ hội văn chương quốc tế nhằm kết nối cộng đồng người Việt và bạn bè bốn phương.
Là dịch giả có nhiều tác phẩm chuyển ngữ, chị nhận thấy độc giả tại Australia đón nhận thơ Việt như thế nào?
Thơ Việt Nam đến với bạn đọc Australia thường gây nhiều bất ngờ, vì trong thơ chứa đựng những cảm xúc chân thành, trữ tình, gắn liền với lịch sử và chiều sâu văn hóa Việt Nam. Tôi nhận thấy khi đọc những bản dịch thơ, họ thường thán phục sự tinh tế, giàu hình ảnh và nhạc tính của tiếng Việt, dù đôi khi còn bỡ ngỡ với những biểu tượng văn hóa như áo dài, cây tre, hoặc thể thơ lục bát truyền thống.
Tôi có dịp chia sẻ các tuyển tập song ngữ do mình chuyển ngữ như Lục bát nếp thời gian (quy tụ 264 tác giả trong và ngoài nước) hay Nhịp điệu Việt (500 bài thơ từ 307 tác giả) và thật xúc động khi thấy nhiều người Australia tìm hiểu, hỏi han, bày tỏ sự trân trọng dành cho thơ Việt.
Đặc biệt, trong các sự kiện cộng đồng hay lễ hội văn hóa Tây Australia, tôi thường được mời đọc những bài thơ song ngữ. Người nghe dù không hiểu hết tiếng Việt nhưng vẫn cảm nhận được cái đẹp từ nhịp điệu, từ âm điệu giàu cảm xúc.
Người nghe ở nước sở tại thường bảo rằng bản tiếng Anh giúp họ dễ hiểu nội dung, còn bản tiếng Việt thì thật sự cuốn hút như có tiếng nhạc, nhất là khi tôi diễn đọc kết hợp biểu cảm, giọng điệu và ngữ điệu. Chính yếu tố nhạc tính đặc biệt này khiến họ rất ấn tượng và muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt.
Ngoài ra, các bạn cũng theo dõi các bài thơ trên mạng xã hội, ví dụ Facebook hoặc trang The Rhythm of Vietnam, có nhiều thành viên tham gia thảo luận, đọc và chia sẻ thơ. Họ thích thơ Việt không chỉ bởi nội dung, mà còn vì đây là cánh cửa mở ra để hiểu hơn về con người Việt Nam, về tình yêu gia đình, quá khứ chiến tranh và khát vọng hòa bình.

Những tác phẩm nổi bật của chị Võ Thị Như Mai. (Ảnh NVCC)
Điều gì thôi thúc chị duy trì công việc và có niềm tin thơ Việt có sức chinh phục riêng trên đất khách?
Tôi nghĩ công việc dịch thơ giống như làm nhịp cầu văn hóa, không chỉ chuyển ngữ mà còn truyền cảm, để giúp bạn bè quốc tế đồng cảm với nỗi lòng người Việt. Điều đó khiến tôi càng tự tin tiếp tục con đường sáng tác, dịch thuật và tổ chức các sân chơi văn học cho cả cộng đồng bằng tất cả tâm huyết.
Khi tham dự lễ hội văn chương quốc tế tại Indonesia đầu năm 2025, tôi đã đem thơ Việt trưng bày, quảng bá và đọc nhiều lần tại các sự kiện kéo dài một tuần ở nhiều địa điểm khác nhau. Khoác trên mình tà áo dài Việt, tôi thật sự xúc động và tự hào, đồng thời cảm thấy càng có trách nhiệm hơn trong việc mang thơ Việt, văn hóa Việt vươn ra thế giới, nhất là lan tỏa trong cộng đồng người Việt xa xứ.
Qua các buổi giao lưu thơ ca, tôi cũng thường chuyển ngữ thơ của bạn bè quốc tế sang tiếng Việt và họ rất hào hứng khi thấy thơ của mình tiếp cận với cộng đồng Việt. Ngược lại, chính nhờ những lần trao đổi qua lại như vậy, nhiều bạn bè nước ngoài bắt đầu tìm hiểu và đọc thêm thơ Việt qua các bản chuyển ngữ của tôi, từ đó nuôi dưỡng sự đồng cảm và kết nối sâu sắc hơn.
Theo chị, đâu là những dư địa hợp tác văn học giữa Việt Nam và Australia?
Tiềm năng hợp tác văn học giữa Việt Nam và Australia, theo tôi, là rất lớn và còn nhiều dư địa để khai thác. Hiện nay, độc giả kiều bào cũng như người Australia có nhu cầu tìm hiểu về văn học Việt Nam khá rõ rệt.
Bản thân tôi đã có trải nghiệm rất đáng nhớ khi đồng hành cùng dự án song ngữ Nhịp điệu Việt và nền tảng WorldLink. Những bước hợp tác đầu tiên cho thấy sự đón nhận tích cực từ cộng đồng đa văn hóa, khẳng định rằng nếu có thêm nguồn lực và chiến lược lâu dài, việc xây dựng cầu nối xuất bản song ngữ, tổ chức giao lưu, trao đổi tác giả, biên tập viên… hoàn toàn khả thi.
Tôi cũng thấy vai trò quan trọng của công nghệ trong tiến trình này. Máy dịch tự động đang ngày càng thông minh, giúp “hiểu nhanh, diễn đạt tốt” và hỗ trợ dịch sơ khởi, để sau đó các chuyên gia biên tập, hiệu đính tiếp tục hoàn thiện. Đây sẽ là công cụ bổ trợ rất đắc lực cho hợp tác xuất bản, đặc biệt khi nhu cầu giới thiệu tác phẩm song ngữ ngày càng cao trong các trường học, thư viện, trung tâm cộng đồng của người Việt ở Australia cũng như bạn đọc sở tại.

Chị Võ Thị Như Mai trong hoạt động giao lưu văn học tại Australia. (Ảnh NVCC)
Quan sát cộng đồng đa văn hóa ở Mỹ trước đây và hiện nay là tại Australia, tôi càng tin rằng văn học có khả năng trở thành chất keo gắn kết cộng đồng, khơi gợi đối thoại và thấu hiểu lẫn nhau. Khi trẻ em, thanh thiếu niên gốc Việt được tiếp xúc với văn học hai chiều - vừa tiếng Việt, vừa tiếng Anh, các em sẽ tự tin hơn với bản sắc của mình, đồng thời sẵn sàng sẻ chia giá trị văn hóa Việt ra bạn bè quốc tế.
Vì thế, trong tương lai, tôi mong có thêm các chương trình liên kết giữa nhà xuất bản, trường đại học, tổ chức văn hóa của cả hai nước, để cùng nhau đào tạo dịch giả, biên tập viên song ngữ, tổ chức workshop, tọa đàm và xây dựng mạng lưới kết nối tác giả. Đó sẽ là nền tảng bền vững để kho tàng văn học Việt được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, góp phần đưa hình ảnh một Việt Nam giàu văn hóa, nhân văn đến gần hơn với trái tim độc giả toàn cầu.
Nhà thơ, dịch giả Võ Thị Như Mai hiện đang sinh sống tại Perth, Australia. Những tác phẩm như song ngữ Nhịp điệu Việt, Song ngữ Lục bát nếp thời gian cùng nhiều tập thơ khác đã góp phần đưa văn học Việt đến với độc giả quốc tế.
Hiện chị đang đảm nhận vai trò biên tập viên khách mời cho tuyển tập thơ quốc tế do tổ chức ISISAR tại Ấn Độ phát hành, quy tụ các nhà thơ đương đại Việt Nam và Ấn Độ; dự định xuất bản tuyển tập song ngữ Việt - Anh để tham gia lễ hội văn chương châu Âu tại Pháp vào đầu tháng Chín.
Mới đây, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Perth đã trao tặng Giấy khen chị về những cống hiến trong việc lan tỏa văn hóa Việt qua thi ca và ngôn ngữ. Tổng lãnh sự Nguyễn Thanh Hà đánh giá cao đóng góp của chị trong việc hưởng ứng, gửi nhiều tác phẩm đặc sắc dự thi Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2024.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-nhip-cau-van-hoc-viet-nam-ra-the-gioi-320539.html