Bắc Ninh kịp thời khắc phục hậu quả siêu bão Yagi
Trước và sau cơn bão số 3, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Đoàn kiểm tra gồm nhiều cơ quan chức năng và địa phương trực tiếp đi nắm bắt tình hình.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, cơn bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đã khiến 7 người bị thương (huyện Tiên Du: 1 người; thị xã Thuận Thành: 4 người; huyện Lương Tài: 2 người), 3.329 công trình nhà cấp 3 bị tốc mái, 16 công trình nhà cửa bị đổ sập và hơn 31.000 cây xanh bị đổ, gãy.
Cụ thể, nhà cấp 4, công trình phụ của Nhân dân bị tốc mái: 3.329 công trình; trường học, chợ dân sinh bị hư hỏng, tốc mái: 80 công trình. Diện tích lúa bị đổ, úng ngập: 9.601 ha. Diện tích cây rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh bị thiệt hại (cà rốt, dưa, chuối, măng trúc, rau màu khác): 2.293 ha. Tổng số nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng: 180.981 m2.
Đặc biệt, tổng số cây xanh (cây bóng mát) bị đổ, gãy: 31.860 cây, trong đó: thành phố Bắc Ninh: 3.288 cây; huyện Yên Phong: 1.198 cây; thị xã Quế Võ: 5.996 cây; huyện Tiên Du: 3.919 cây; thị xã Thuận Thành: 3.695 cây; huyện Gia Bình: 2.484 cây; huyện Lương Tài: 10.758 cây; thành phố Từ Sơn: 522 cây và tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng: 129 lồng.
Đã sơ tán 212 người thuộc huyện Thuận Thành, 5 hộ dân thuộc huyện Gia Bình ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước khi bão YAGI đổ bộ, ngày 7/9, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh kiểm tra công tác ứng phó bão số tại TP. Bắc Ninh. Cùng đi có đồng chí Bùi Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Kiểm tra công tác điều độ, khắc phục sự cố từ ngành điện, đơn vị chủ lực trong bảo đảm mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt không bị gián đoạn, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực của Công ty Điện lực Bắc Ninh, yêu cầu Công ty chỉ đạo các ca trực xử lý sự cố làm việc với tinh thần cao nhất, nhanh nhất; bảo đảm tính kỹ thuật, an toàn. Tập trung cấp điện cho các bệnh viện, trạm bơm tiêu úng, những mục tiêu phục vụ an ninh, quốc phòng, truyền thông. Chú trọng cấp điện cơ sở sản xuất đặc biệt quan trọng (bán dẫn, điện tử…), không để gián đoạn hoạt động sản xuất, tạo sự yên tâm và lòng tin cho các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, ngành điện cần bám sát tình hình cung ứng để điều hành hiệu quả, an toàn; đề xuất tỉnh các phương án hỗ trợ bảo đảm việc cấp điện và khắc phục các sự cố.
Bão YAGI ảnh hưởng nặng nề đến cung ứng điện trên địa bàn. Một số khách hàng lớn như: Samsung, Canon, Goertek... vẫn bảo đảm cung cấp điện. Công ty Điện lực Bắc Ninh đang nỗ lực đảm bảo cấp điện cho các phụ tải với phương châm “Ưu tiên bảo đảm điện các trạm biến áp cấp điện phụ tải quan trọng, các trạm bơm chống úng; xử lý nhanh khi xảy ra sự cố lưới điện, giảm đến mức thấp nhất thời gian ngừng cấp điện do sự cố tại các trạm bơm chống úng”.
Tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh trực tiếp cùng nhân dân và lực lượng chức năng căng mình chống bão, nhưng vẫn quan tâm đi đến từng bệnh viện thăm hỏi bệnh nhân, kiểm tra cơ sở khám, chữa, cấp cứu người bệnh; đến từng khu nhà ở tập thể động viên người dân di dời về nơi an toàn được chính quyền sắp xếp…
Một vấn đề rất quan trọng là nguồn điện để phục vụ các trạm bơm tiêu úng nội đồng, tiêu úng đô thị và các khu công nghiệp… kiên quyết không để bão làm ngừng trệ sản xuất. Quán triệt chủ trương này, các khu công nghiệp của tỉnh cơ bản vẫn được cấp điện ổn định, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp trọng điểm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà, bão số 3 gây mưa to đến rất to cho khu vực thượng nguồn sông Cầu. Hiện mực nước lũ trên sông Cầu phía thượng nguồn đang lên nhanh và còn tiếp tục lên nhanh.
Mực nước lúc 7h ngày 9/9 tại các trạm Phúc Lộc Phương là 6,21m trên báo động 1 là 0,21m; trạm Đáp Cầu là 4,73m trên báo động 1 là 0,43m. Cảnh báo lũ trên sông Cầu tiếp tục lên. Mực nước lũ tại trạm Đáp Cầu khả năng ở mức báo động 3. Tại Trạm Phúc Lộc Phương khả năng ở mức trên báo động 3. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ ấp 2.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chủ động bơm tiêu nước đệm để hạn chế tối đa tình trạng úng ngập cho các diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; thực hiện vận hành hệ thống công trình thủy lợi, các cống qua đê theo đúng quy trình được phê duyệt.
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện giao thông thủy về tình hình diễn biến thời tiết, lũ trên các triền sông để có phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Tổ chức thường trực nghiêm túc 24/24 giờ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình mưa lũ và triển khai công tác hộ đê theo quy định. Triển khai nghiêm túc tuần tra canh gác đê tại các điếm canh đê, phát hiện và chủ động xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê. Chú ý các cống dưới đê, các kè và những đoạn đê xung yếu. Đồng thời, thông báo cho người dân và các chủ phương tiện vận tải thủy trên sông biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, trước đó, khi mưa gió đã giảm, các lực lượng công an, quân đội, vệ sinh môi trường, công nhân ngành điện, Đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay khắc phục hậu quả bão.
Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra gồm nhiều cơ quan chức năng và địa phương trực tiếp đi nắm bắt tình hình tại các công trình thủy lợi xung yếu, diện tích sản xuất nông nghiệp, các lồng bè bị hư hỏng. Chỉ đạo các địa phương tổ chức tiếp tục ứng trực để chỉ đạo, xử lý các biện pháp phòng, chống hoàn lưu bão kịp thời. Cương quyết đưa các hộ dân trên lồng bè, chòi canh, khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tiếp tục khắc phục sau bão gây ra tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học… để đưa nhịp sống trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, nắm chắc tình hình và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống phát sinh.
Hiện các địa phương trong tỉnh đang tập trung cao độ theo dõi sát diễn biến của hoàn lưu bão để đưa ra biện pháp ứng phó, khắc phục kịp thời, giảm tối đa thiệt hại.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-ninh-kip-thoi-khac-phuc-hau-qua-sieu-bao-yagi-285531.html