Bắc Ninh: Phát triển hài hòa giữa công nghiệp và đô thị

Quy hoạch chung (QHC) đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh này. Để tìm hiểu rõ hơn về quy hoạch đô thị Bắc Ninh trong tình hình mới và định hướng trong quy hoạch của tỉnh, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng.

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng: Cần phát huy tối đa các lợi thế sẵn có, trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy không gian di sản văn hóa đặc trưng vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc làm nền tảng cho sự phát triển.

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng: Cần phát huy tối đa các lợi thế sẵn có, trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy không gian di sản văn hóa đặc trưng vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc làm nền tảng cho sự phát triển.

PV: Thưa ông! Được biết, điều chỉnh QHC đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã đạt được bao nhiêu tiêu chí?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Bắc Ninh có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh - 19 phường), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn – 12 phường), 03 đô thị loại IV (thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và đô thị Yên Phong), 4 đô thị loại V (thị trấn Lim, thị trấn Thứa, thị trấn Gia Bình, đô thị Nhân Thắng); tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 60,3%.

Trong khi đó, Đồ án điều chỉnh QHC đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phạm vi, ranh giới lập quy hoạch 5 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Qua đánh giá, rà soát các tiêu chí so với tiêu chí đô thị loại I, thì tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã đáp ứng được 4/5 tiêu chuẩn của đô thị loại I (còn tiêu chuẩn về mật độ dân số vẫn cần thêm thời gian).

Hiện, tỉnh đang triển khai đồng bộ các quy hoạch phân khu (QHPK) tỉ lệ 1/2000, đảm bảo phủ kín quy hoạch toàn bộ khu vực đô thị lõi phía Bắc sông Đuống và thị xã Thuận Thành, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị và các dự án phát triển đô thị. Đây là công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý đầu tư, từng bước cụ thể hóa các mục tiêu phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I còn thiếu trong tương lai.

Ảnh phối cảnh QHPK phía Tây Bắc và Đông Nam thành phố Bắc Ninh.

Ảnh phối cảnh QHPK phía Tây Bắc và Đông Nam thành phố Bắc Ninh.

PV: Theo QHC, tỉnh Bắc Ninh có 32 QHPK, tiến độ của các QHPK này ra sao thưa ông? Quan điểm về cụ thể hóa các định hướng lớn trong đồ án QHC vào các QHPK của tỉnh như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Ngay sau khi Đồ án QHC đô thị Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm tăng cường sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác quy hoạch, Sở Xây dựng đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận số 643-TB/TU ngày 07/7/2023, về triển khai Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và các quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận của Tỉnh ủy, tập trung tối đa các nguồn lực để triển khai 26/32 quy hoạch phân khu tại khu vực đô thị lõi.

Do sự tác động, điều chỉnh của Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với 6/32 QHPK tại thị xã Thuận Thành sẽ được triển khai, song song với công tác điều chỉnh QHC đô thị Thuận Thành, quy hoạch vùng huyện Gia Bình, Lương tài.

Hiện nay, các đơn vị được giao tổ chức lập đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Phấn đấu đến hết quý II /2024, toàn bộ các QHPK sẽ được phê duyệt.

Về quan điểm, định hướng công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh sẽ dựa trên cơ sở hiện trạng công tác phát triển đô thị - nông thôn; phát huy tối đa các lợi thế sẵn có, trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy không gian di sản văn hóa đặc trưng vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc làm nền tảng cho sự phát triển. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cần cũng được xem xét, đánh giá cụ thể ở từng đồ án, từng cấp độ quy hoạch.

Đối với các khu vực dân cư, khu đô thị cũ cũng cần phải khoanh vùng, bổ sung tối đa các chức năng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các thiết chế cấp đơn vị ở, nhằm cải thiện môi trường sống, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa "làng", phát huy giá trị nghề “truyền thống” cho cư dân hiện hữu.

Ngoài ra, cũng cần khoanh vùng, rà soát cụ thể hiện trạng công tác quy hoạch. Nhất là đối với các dự án chưa triển khai thực hiện, các dự án mới ở bước ý tưởng, nếu chưa đủ cơ sở pháp lý có thể xem xét, thu hồi chủ trương, để tạo điều kiện về tài nguyên đất đai, định hướng không gian cho việc hình thành các dự án lớn…

PV: Với mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Sở Xây dựng đã có những tham mưu gì cho tỉnh để sớm hoàn thành mục tiêu trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Với chức năng là cơ quan chuyên môn về công tác quy hoạch, xây dựng, trên cơ sở định hướng, chiến lược phát triển dài hạn cũng như các chương trình, kế hoạch ngắn hạn mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, Sở Xây dựng đã tập trung tham mưu triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Trên cơ sở rà soát các tiêu chí đô thị loại I còn thiếu, còn yếu, chưa đảm bảo quy định theo các Nghị quyết số: 1210/2016/UBTVQH13; 1211/2016/UBTVQH13; 26/2022/UBTVQH15; 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sở Xây dựng tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp trọng tâm như sau:

Đầu tiên, về công tác quy hoạch, việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng phê duyệt hệ thống khung quy hoạch sẽ góp phần cải thiện tốc độ phát triển, tăng sức hút cho môi trường đầu tư của tỉnh; tuân thủ nghiêm túc các chỉ tiêu, mô hình, cấu trúc phát triển không gian theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định rõ trong quy hoạch các khu đô thị, khu chức năng có cấp đô thị, cấp vùng còn thiếu trong bộ tiêu chí đô thị để đề xuất ưu tiên đầu tư; triển khai linh hoạt, đảm bảo nguyên tắc, đồng bộ các giải pháp trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Thứ hai, đề xuất điều chỉnh chương trình phát triển đô thị phù hợp với Quy hoạch tỉnh, QHC đô thị, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hiện đại cho hệ thống đô thị toàn tỉnh, cùng với đó đề xuất danh mục đầu tư, nhằm hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí đô thị ngay từ cơ sở.

Thứ ba, xây dựng chương trình phát triển nhà, trong đó đề xuất các dự án phát triển đô thị hỗn hợp có quy mô lớn, đồng bộ gắn với các công trình, khu chức năng có quy mô cấp vùng, vừa là cơ sở thu hút dân cư, vừa làm cơ sở đánh giá, làm rõ tính chất, chức năng trong đô thị.

Thứ tư, về định hướng nguồn lực, để xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trên cơ sở các cấp quy hoạch và chương trình phát triển đô thị, cần rà soát các tiêu chí còn thiếu, còn yếu; tập trung xây dựng và ban hành danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có tính chất dẫn dắt, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi, vừa tạo sức hút các nguồn lực đầu tư xã hội, vừa hoàn thiện các tiêu chí nâng cấp đô thị theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, việc thu hút nguồn lực xã hội cho công tác đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nâng cấp đô thị là cần thiết.

Và để tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, ngoài việc tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cần đề xuất các dự án tiềm năng ở các khu vực đô thị, có quy mô lớn, có tính khả thi cao, có lợi thế về thương mại, dịch vụ, có sức hút lớn để ưu tiên triển khai, từ đó hình thành các dự án vệ tinh và quy tụ dân cư, đồng thời góp phần ổn định xã hội và tăng thu ngân sách.

Ảnh phối cảnh mô hình chùm đô thị, đa trung tâm.

Ảnh phối cảnh mô hình chùm đô thị, đa trung tâm.

PV: Theo quy hoạch được phê duyệt, đô thị Bắc Ninh sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình này?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Từ bài học thực tiễn phát triển các đô thị nén, tập trung như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... mặc dù đảm bảo nguyên tắc tập trung dân cư, tiết kiệm đất đai, tài nguyên. Tuy nhiên, tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã phần nào làm giảm chất lượng sống của người dân, ảnh hưởng đến tính bền vững của đô thị.

Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, cũng là đô thị mới, việc lựa chọn phương án phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với Vùng Thủ đô Hà Nội, sẽ giúp cho Bắc Ninh vừa đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu, tính chất, chức năng đô thị, vừa tạo sự phát triển hài hòa, bền vững, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng lợi thế của từng khu vực.

Theo quy hoạch, Bắc Ninh sẽ hình thành 7 trọng tâm phát triển đô thị gắn với mô hình TOD, lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung thương mại dịch vụ, dân cư. Trong khi đó, các trọng tâm đô thị vệ tinh được giới hạn bởi các nêm xanh, gồm: Các tuyến sông kênh, mặt nước sinh thái, công viên, làng xóm, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái đặc trưng; đồng thời hình thành 3 hành lang phát triển gồm: Hành lang đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 1 (Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn); hành lang đô thị công nghiệp dọc Quốc lộ 18 (Yên Phong, Bắc Ninh, Quế Võ); hành lang sinh thái dọc sông Đuống và sông Cầu.

Đối với Bắc Ninh, định hướng phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị đa trung tâm không chỉ tạo ra cơ sở hạ tầng đô thị vững chắc mà còn đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa công nghiệp và đô thị. Đồng thời, việc phát triển công nghiệp, các khu đô thị dịch vụ và tiện ích xã hội như: Cây xanh đô thị, các khu văn hóa, thể thao, bãi đỗ xe... cũng được quy hoạch, triển khai tiếp giáp, đảm bảo khả năng tiếp cận, nhu cầu sử dụng cho cả người lao động trong khu công nghiệp cũng như người dân hiện hữu.

Ảnh phối cảnh các khu công nghiệp đô thị.

Ảnh phối cảnh các khu công nghiệp đô thị.

PV: Vâng, việc phát triển mô hình TOD sẽ là một bước tiến, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Bắc Ninh. Ông có đánh giá ra sao về mối quan hệ giữa phát triển các khu công nghiệp (KCN) với tiến trình đô thị hóa hiện nay? Đơn cử là Bắc Ninh?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Năm 2010, quy mô sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2020, tỉnh đã vươn lên dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút 57% lực lượng lao động ngoại tỉnh trên tổng số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, sản phẩm chính trong sản xuất công nghiệp đến từ ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Đây là ngành đem lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho Bắc Ninh, với sự đóng góp lớn từ các nhà đầu tư quốc tế như: Samsung, Foxconn, Canon, Goertek… và tương lai tiếp tục phát triển rộng hơn.

Về định hướng phát triển công nghiệp, luôn được tỉnh Bắc Ninh ưu tiên, triển khai thực hiện ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1997). Hiện, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích 6.397,68ha; có 16 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập (trong đó, 10 KCN đã đi vào hoạt động, 2 KCN đang triển khai đầu tư xây dựng và 4 KCN mới được thành lập đang chuẩn bị đầu tư xây dựng) với tổng diện tích đất quy hoạch KCN 5.567,89ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 3.850ha, đã cho thuê 2.064,86ha đất công nghiệp, tỉ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch của các KCN đã được thành lập đạt 54,41%.

Mặc dù diện tích đất sử dụng cho phát triển KCN chiếm tỉ lệ ít (chiếm 7,776% trên tổng diện tích đất tự nhiên, 14,64% diện tích đất nông nghiệp của toàn tỉnh), mới có 5/15 KCN được lấp đầy, nhưng đã tạo ra các giá trị to lớn trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Xét về tiềm năng, thì Bắc Ninh vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển; kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh tiếp tục đề xuất thành lập mới khi đủ điều kiện đối với 7 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.079ha.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là, trong quá trình hình thành và phát triển, ngoài những mặt thuận lợi và tính hiệu quả, thì những thách thức và khó khăn vẫn tiềm ẩn như: Áp lực lên cơ sở hạ tầng, áp lực về môi trường; việc thu hút các nhà đầu tư chạy theo số lượng, yếu về năng lực dẫn đến tình trạng sản xuất yếu kém, không hiệu quả; sử dụng nhiều đất nhưng đóng góp rất ít vào ngân sách Nhà nước...

Và để giải quyết những tồn tại trên, tránh xung đột, qua đó tạo lợi ích hài hòa giữa ba nhà, Nhà nước - doanh nghiệp - người dân thì công tác quy hoạch và triển khai đồng bộ theo quy hoạch, phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển bền vững sẽ là giải pháp căn cơ để xử lý, tháo gỡ hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng được ngành Xây dựng xác định ngay từ ban đầu và xuyên suốt thời gian qua.

Với quan điểm lấy con người làm trung tâm, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và phát triển đô thị cần được nghiên cứu, giải quyết một các hài hòa, thấu đáo, góp phần tạo sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bac-ninh-phat-trien-hai-hoa-giua-cong-nghiep-va-do-thi-369430.html