Bắc Quang đón niềm vui đơn vị hành chính huyện loại I

Với tổng số 82,16 điểm, Bắc Quang trở thành đơn vị hành chính huyện loại I theo các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được Bộ Nội vụ ban hành quyết định công nhận. Đây là minh chứng sinh động cho thấy huyện Bắc Quang đang từng ngày bứt phá, xứng tầm vùng động lực phát triển KT-XH của tỉnh.

Bắc Quang là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh với dân số trên 130.000 người, gồm 19 dân tộc cùng sinh sống tại 23 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn. Toàn huyện có hơn 50 km đường Quốc lộ 2 chạy qua. Đây là tuyến huyết mạch quan trọng, độc đạo từ Hà Nội và các tỉnh khác lên thành phố Hà Giang để đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy hay Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Với vị trí huyện cửa ngõ của tỉnh, Bắc Quang là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh trong khu vực như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; đồng thời, là căn cứ hậu cần quan trọng trong khu vực phòng thủ biên giới của tỉnh.

Trụ sở huyện Bắc Quang được đầu tư khang trang, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, phục vụ nhân dân.

Trụ sở huyện Bắc Quang được đầu tư khang trang, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, phục vụ nhân dân.

Khi mới thành lập, cơ sở vật chất, giao thông đi lại của huyện Bắc Quang gặp nhiều khó khăn; mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu. Thế nhưng, những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận trong nhân dân, huyện đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới. KT-XH phát triển mạnh mẽ, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Toàn huyện có hơn 270 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp có 157 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; trong đó, 3 mô hình có giá trị thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm gồm: Trồng cam theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã cam VietGap (xã Vĩnh Phúc), Hợp tác xã Thanh niên xã Vĩnh Phúc, Tổ hợp tác trồng cam VietGap thôn Khuổi Le (xã Đông Thành). Riêng lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có 91 mô hình đạt giá trị thu nhập từ 150 triệu đồng/năm trở lên, 5 mô hình trong số đó có giá trị trên 500 triệu đồng/năm, tiêu biểu như: Nuôi cầy Vòi Hương của hộ ông Bùi Anh Phương (thị trấn Vĩnh Tuy); chăn nuôi lợn thịt của hộ ông Nguyễn Văn Loan (xã Tân Quang); chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô 10.000 con với thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm của Công ty Cổ phần Acnor Việt Nam (xã Việt Vinh). Ngoài ra, huyện Bắc Quang còn có 24 mô hình chăn nuôi thủy sản giá trị từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng/năm.

Với sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã kết tinh nhiều thành quả trân quý. Đến nay, toàn huyện có 15/21 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm 71,4%) và đang trong giai đoạn “tăng tốc” về đích huyện Nông thôn mới vào năm 2025. Đặc biệt, huyện đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang. Đến nay, 747/763 hộ dân đã nhận 492 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi để nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực thi công các hạng mục của 3 gói thầu xây lắp, đảm bảo cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kịp tiến độ về đích năm 2025.

Không dừng ở kết quả trên, lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện Bắc Quang tiếp tục phát triển tiến bộ. Trong đó, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 57,1%; số trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí Nông thôn mới chiếm 88,3%; hàng năm, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 99%. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền huyện còn quyết liệt chỉ đạo cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Mới đây, huyện Bắc Quang đã đưa vào sử dụng 4 trạm y tế mới tại các xã: Đồng Tiến, Hữu Sản, Bằng Hành, Tiên Kiều, góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Thực tế cho thấy, từ việc phát triển kinh tế của huyện Bắc Quang có sự thay đổi về dân số, cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển KT-XH... Sau khi xem xét, đánh giá các tiêu chuẩn về: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển KT-XH, yếu tố đặc thù, ngày 21.6.2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 443 phân loại huyện Bắc Quang thuộc tỉnh Hà Giang là đơn vị hành chính cấp huyện loại I. Đây chính là cơ sở quan trọng để huyện Bắc Quang hoạch định chính sách phát triển KT-XH phù hợp, góp phần bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp huyện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202409/bac-quang-don-niem-vui-don-vi-hanh-chinh-huyen-loai-i-b3c0d75/