Bắc Quang nâng cao chất lượng lao động nông thôn

Đào tạo nghề (ĐTN) nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) là mục tiêu chiến lược được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đặc biệt quan tâm. Bởi đây chính là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo Quyết định số 1956, ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020”, thì học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của LĐNT nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên tinh thần đó, UBND huyện Bắc Quang đã thường xuyên chỉ đạo ngành chuyên môn tuyên truyền sâu rộng tới tầng lớp nhân dân quyết sách của các cấp, ngành liên quan đến ĐTN nông nghiệp cho LĐNT. Và nay, công tác tuyên truyền đã trở thành việc làm thường xuyên trong hoạt động của UBND các xã, thị trấn thông qua hình thức như: Tuyên truyền trên loa phát thanh, các cuộc họp chi bộ, họp thôn… Từ đó, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác ĐTN, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy KT-XH phát triển. Không những vậy, cơ quan chuyên môn của huyện còn hướng dẫn Ban Giảm nghèo – Việc làm và Dạy nghề 23 xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch ĐTN cho LĐNT sát với thực tế và gần với nhu cầu người học. Vì thực tế cho thấy, đã có không ít nhóm nghề đào tạo chưa sát thực tế nên không phát huy hiệu quả sau đào tạo, sản phẩm không có thị trường tiêu thụ, như: Trồng và nhân giống nấm, trồng và khai thác mủ cao su, trồng và sơ chế gừng, nghệ, dứa…

Cùng với kết quả trên, thực hiện chức năng của mình, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú – Giáo dục thường xuyên Bắc Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, đảm bảo có việc làm, tự tạo việc làm sau khi kết thúc khóa học. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện của nhân dân trong huyện, như: Trồng cây có múi, sản xuất lúa năng suất cao, nuôi và phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng rau an toàn, trồng chè... Mặt khác, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung cho công tác giới thiệu, tạo việc làm cho LĐNT nói chung và lao động tham gia ĐTN nói riêng. Từ đó, tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và người học để giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Trong năm 2019, toàn huyện đã mở 16 lớp đào tạo cho 521 LĐNT, tập trung vào nhóm ngành nghề thế mạnh của huyện, như: Nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò, lợn; trồng và chăm sóc cam theo quy trình VietGAP; kỹ thuật sản xuất lúa năng suất cao; kỹ thuật trồng chè, trồng rừng chất lượng cao… Đặc biệt, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang, số người được giải quyết việc làm sau đào tạo lên đến 82,3%. Trong đó, lao động nông, lâm nghiệp sau khi được đào tạo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông, lâm nghiệp và chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Đa số học viên tích cực áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất theo hướng hàng hóa, giảm chi phí sản xuất và sức lao động, gia tăng giá trị hàng nông sản, mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần vào cải thiện đời sống. Qua khảo sát, thu nhập của lao động được giải quyết việc làm bình quân đạt từ 3,5 – 3,8 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù giành được kết quả ấn tượng trên, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên thì công tác ĐTN cho LĐNT tại địa phương còn không ít khó khăn. Trong đó, người lao động nhận thức chưa đúng về việc học nghề, làm nghề, dẫn tới thụ động trong học nghề. Phần lớn người lao động vốn quen vận dụng kinh nghiệm sẵn có; lao động nông nghiệp, lao động thủ công vào sản xuất, kinh doanh cũng có thu nhập tạm thời nên ngại đi học. Mặt khác, các lớp ĐTN ngắn hạn được tổ chức tại các thôn, bản, đường giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy và học nghề. Hơn nữa, chưa có cơ chế khuyến khích cán bộ, giáo viên có trình độ cao tham gia dạy nghề cho LĐNT; chế độ phụ cấp lưu trú cho giáo viên dạy nghề lưu động thấp, không đáp ứng được điều kiện tối thiểu cho giáo viên. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ cho đối tượng chính sách tham gia học nghề thấp, không giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong thời gian học nghề…

Trước mục tiêu chiến lược, giàu giá trị nhân văn về ĐTN cho LĐNT; cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả như mong muốn, thiết nghĩ vẫn cần một “cú hích” về cơ chế, chính sách, như: Tăng mức kinh phí hỗ trợ ĐTN cho LĐNT; bố trí kinh phí ĐTN theo các chương trình trọng tâm của tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển một số cây vùng chuyên canh, vùng trọng điểm, cây trồng có múi, trồng chè…

THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202001/bac-quang-nang-cao-chat-luong-lao-dong-nong-thon-754356/