Đại biểu kiến nghị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp; miễn, giảm thuế để kích cầu tiêu dùng
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...
Giảm thuế kích để cầu tiêu dùng; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp trong năm 2025
Ngày 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế-xã hội, lạm phát được kiểm soát...
Để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cần phải quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch COVID-19. Do đó, cần phải có cái chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là miễn, giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025, bởi đây là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, chuyển đối số, xanh, đánh thức 3 động lực tăng trưởng nội sinh đất nước là: Nông nghiệp, Văn hóa và Du lịch.
Đây là những thế mạnh của dân tộc chúng ta từ đặc điểm kinh tế, lịch sử văn hóa, thiên nhiên ưu đãi. “Ba lĩnh vực này mới là chủ công của phát triển đất nước trong thời gian tới”, ông Ngân nhấn mạnh.
Cần công bố mức sống thối tiểu để làm căn cứ tính mức lương tối thiểu
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) nêu quan điểm, cần có sự đột phá về tư duy và sử dụng con người. Bên cạnh đó, cần công bố mức sống thối tiểu để làm căn cứ tính mức lương tối thiểu...
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, trong thực tế, nhiều năm qua chúng ta chưa công bố mức sống tối thiểu và cũng chưa công bố mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống đầy đủ, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Trong khi đó, ở các nước đã công bố mức sống tối thiểu, lương tối thiểu và lương đủ sống tối thiểu.
Để đảm bảo phát triển bền vững đất nước, vừa qua, cử tri có phản ánh là có quyết định của Chính phủ hỗ trợ cho người thu nhập thấp học nghề nhưng trong 4 năm qua, các địa phương không thể áp dụng được vì không có quy định thế nào là thu nhập thấp. Do đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố số liệu này.
Ngoài ra, thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng năm 2018 bàn về vấn đề cải cách tiền lương có giao cho cơ quan thống kê Nhà nước công bố mức sống tối thiểu làm cơ sở công bố tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được nhiệm vụ này thì đề nghị trong năm 2025 nên làm để có cơ sở hoạch định mức sống tối thiểu và phát triển sắp tới.
Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp; phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) thống nhất với báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Bày tỏ quan tâm về vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho biết, năm 2024, tình hình lao động, việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người...
Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm.
Tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH tăng 3,46% và tham gia BHTN tăng 2,66%.
Đặc biệt lần đầu tiên trong vài năm gần đây tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, tình hình lao động việc làm năm 2024 vẫn còn nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập,...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lao động, việc, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ một số giải pháp:
Một là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.
Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.
Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp.
Chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ba là: đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện quyết định 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề.
Bốn là, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…