Bác sĩ cách bảo vệ huyết áp trong thời tiết lạnh ngày Tết
Nhiệt độ giảm sâu vào của mùa đông có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của nhiều bệnh lý mạn tính, đặc biệt là tăng huyết áp.
Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
Thời tiết lạnh làm thu hẹp các mạch máu và động mạch. Các bộ phận chức năng cần nhiều lực hơn để vận chuyển máu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Kết quả là huyết áp tăng lên. Đó cũng là lý do khiến bệnh đột quỵ hay xảy ra trong mùa lạnh do cơ thể bị nhiễm lạnh gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Tình trạng này thường xảy ra ở người trên 65 tuổi và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ngân , Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, bên cạnh đột quỵ, việc thường xuyên uống rượu đặc biệt là khi nhiệt độ giảm sẽ càng làm tăng huyết áp, ngay cả ở người không bị tăng huyết áp.
Bởi rượu sẽ làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại làm huyết áp tăng lên. Khi huyết áp tăng cao sẽ dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Chưa kể việc lạm dụng rượu bia cũng là một trong những yếu tố dẫn đến các rối loạn chuyển hóa mỡ, đường, acid uric, tăng cân, béo bụng… Những nguyên nhân này cũng làm huyết áp tăng lên.
Vào mùa đông, nếu bạn uống quá nhiều rượu có thể khiến cơ thể mất nhiệt nhanh chóng, khiến bạn cảm thấy lạnh hơn. Do đó, mạch máu sẽ bị thu hẹp và huyết áp có nguy cơ tăng cao rất nguy hiểm.
Cách bảo vệ huyết áp mùa lạnh
Để bảo vệ sức khỏe và duy trì huyết áp ổn định trong mùa lạnh, ThS.BS Nguyễn Thị Ngân khuyến cáo người bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên, tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định, đặc biệt là những người có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, tim mạch…
Cần phải giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm ngay cả khi ở trong nhà. Tránh ra ngoài trời lạnh nhất là vào lúc sáng sớm hoặc quá khuya; không tắm quá muộn sau 21h. Phòng ngủ cần kín gió, nhiệt độ đủ ấm.
Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng. Lưu ý: không ăn mặn, tăng cường ăn rau xanh, quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa. Đặc biệt không uống rượu bia và không hút thuốc lá. Thay vào đó nên sử dụng các loại nước khoáng, nước trái cây…
Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe, bất cứ khi nào xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, yếu chân tay… cần kiểm tra huyết áp ngay và thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí can thiệp kịp thời và đúng cách.