Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm từ vi khuẩn 'ăn thịt người'

Theo các bác sĩ, nếu bệnh nhân bị vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công, không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người"

Ngày 17/9, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Tp.HCM) cho biết, Khoa này vừa điều trị thành công cho bệnh nhân H.T.H. (38 tuổi, ngụ TP.HCM) nhiễm vi khuẩn Whitmore (còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người").

Bệnh nhân H. bị sốt cao kéo dài suốt 3 tuần liên tục, uống thuốc hạ sốt thông thường không khỏi nên nhập viện điều trị ngày 28/6. Trước khi nhập viện, bệnh nhân H. từng về quê ở Thái Nguyên thăm người thân.

Theo bệnh nhân, do trước đó bệnh nhân có dấu hiệu sốt nên đã từng đến khám bệnh tại Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên và nằm viện khoảng 5 ngày để điều trị. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên một bệnh viện ở Tp.Hà Nội điều trị nhưng tình trạng sốt vẫn không cải thiện và không rõ nguyên nhân gây sốt.

Chị H. quay trở lại Tp.HCM với tình trạng sưng đau gối khi nghỉ ngơi, khi vận động, nên đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.

Lúc nhập viện, bệnh nhân H. bị sốt cao (39 - 40 độ C). Qua khám lâm sàng, bệnh viện ghi nhận khớp gối trái của bệnh nhân bị sưng, sờ ấm, ấn đau, hạn chế cử động và môi khô, lưỡi dơ, vẻ lừ đừ, hạch cổ sưng to...

"Với những triệu chứng này, bệnh nhân bị nhiễm trùng nên chúng tôi tiến hành cho xét nghiệm, chọc dịch khớp gối, cấy máu, cấy dịch khớp và dùng kháng sinh phổ rộng ngay lập tức", bác sĩ Trí nói.

Xét nghiệm cấy máu cho kết quả bệnh nhân H. bị nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia Pseudomallei (chủng vi khuẩn "ăn thịt người"). Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.

Sau 15 ngày được điều trị, hiện bệnh nhân H. không còn sốt, khớp gối hết sưng, giảm đau nhiều và đã đi lại bình thường, ăn uống khá, đặc biệt là các chỉ số xét nghiệm nhiễm trùng cải thiện tốt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí, Trưởng khoa Nội xơ Xương khớp kiểm tra cho bệnh nhân để xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí, Trưởng khoa Nội xơ Xương khớp kiểm tra cho bệnh nhân để xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí cho hay, bệnh Whitmore (thường được gọi với tên vi khuẩn "ăn thịt người") do vi khuẩn gram âm có tên là Burkholderia Pseudomallei gây ra cho cả người và động vật.

Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó, phải chủ động biện pháp phòng tránh và không được chủ quan với bệnh này…Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei và điều trị kịp thời.

Vi khuẩn thâm nhập từ môi trường nước, bùn đất

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, mới đây, tỉnh Đồng Nai phát hiện và điều trị cho bệnh nhi T.T.D.M (14 tuổi nhà ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bị mắc bệnh Whitmore, vi khuẩn "ăn thịt người". Đây là ca bệnh nhi đầu tiên ở Đồng Nai mắc bệnh này.

Đầu tiên, bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện khám viêm hạch. Nhưng sau một thời gian không khỏi. Bệnh nhi bị áp xe phần mềm vùng cổ bên phải, nên người nhà cho nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị. Các bác sĩ đã mổ lấy hạch, để xác định rõ bệnh nhi nhiễm trùng vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

"Để chắc chắn, chúng tôi cách ly bệnh nhân, và tiếp tục gửi mẫu phẩm đến Bệnh viện Nhiệt đới Tp.HCM để làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore và công bố", bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Sau khi điều trị theo phác đồ riêng, điều trị kháng sinh 2 tuần thì bệnh nhân được xuất viện, nhưng vẫn theo dõi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Bệnh nhân đã phục hồi sau gần 1 tháng điều trị do nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người".

Bệnh nhân đã phục hồi sau gần 1 tháng điều trị do nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người".

Theo bác sĩ Nghĩa, đây là vi khuẩn khá độc, nghe thì sợ nhưng thực sự nó không đáng sợ. Vì nó không phải lây từ người sang người, chủ yếu thâm nhập vào cơ thể người từ môi trường nước, bùn đất… Để phát hiện bệnh, người dân cần dựa vào những vết thương ở da, loét, hoại tử da.

"Muốn phòng ngừa bệnh này, người dân không nên chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này, thay vào đó, hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Đồng thời, người sân cần sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm…", bác sĩ Nghĩa cho biết thêm.

Bác sĩ Nghĩa thông tin, khi mắc bệnh, tỉ lệ nhiễm trùng huyết và tỉ lệ tử vong cao. Bệnh gặp chủ yếu ở người lớn, nhất là khi làm đồng, ruộng và bị trầy xước…

Nguyễn Thị Lành

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bac-si-canh-bao-nguy-hiem-tu-vi-khuan-an-thit-nguoi-204240917151714237.htm