Bác sĩ của những bệnh nhân 'đặc biệt'
Với phương châm 'đối tượng như người thân', tận tình phục vụ, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế tại Trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi Thanh Hóa (xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc) đã không quản ngày đêm, khó nhọc, tận tâm, tận lực phục vụ và chăm sóc cho những bệnh nhân 'đặc biệt' này.
Trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi Thanh Hóa (gọi là Trung tâm) có khuôn viên rộng trên 15ha được bố trí khoa học, khu sản xuất, tăng gia với những hàng rau xanh mướt, bên còn lại là nơi sinh hoạt, điều trị của 131 đối tượng bệnh nhân tâm thần. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau trong tỉnh (Quan Sơn, Quan Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Thường Xuân...), phần lớn đã qua điều trị nhiều lần nhưng không khỏi hoặc có hoàn cảnh neo đơn, thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn, người tâm thần đi lang thang.
Hình ảnh bệnh nhân không tự chủ được bản thân, bất ổn về tâm lý, tinh thần, đập phá, la hét, chửi mắng... đã quá đỗi quen thuộc với điều dưỡng Bùi Văn Tuân (SN 1986, quê Quảng Xương) quản lý Khoa tâm thần nữ. Gần 5 năm công tác ở Trung tâm, hơn ai hết anh hiểu rõ sự vất vả, khó nhọc trong điều trị, chăm sóc cũng như thấu hiểu nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn của người bệnh. Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, anh Tuân cho biết: Từng ấy năm bản thân được trải nghiệm với nhiều trạng thái, tâm lý, cung bậc cảm xúc khác nhau. Chăm sóc người bệnh bình thường đã khó, đối với bệnh nhân tâm thần còn khó khăn gấp bội. Bởi, người bệnh thường hạn chế về nhận thức, tư duy nên không thể tự phục vụ bản thân, luôn cần sự chở che, đùm bọc và hỗ trợ. Để chăm sóc tốt cho bệnh nhân “đặc biệt” này, yếu tố chuyên môn là chưa đủ, phải có sự đồng cảm, ân cần, yêu thương, luôn đặt chữ “tâm” lên đầu, và hơn nữa phải có một “tinh thần thép”, kiên trì, thấu hiểu người bệnh. Ở Trung tâm có không ít trường hợp bệnh nhân không ý thức được hành vi của mình nên thường có biểu hiện: bỏ ăn, không cho khám bệnh, chửi mắng, la hét, lột hết quần áo, tấn công cán bộ y tế... Đối với các trường hợp này, tiếp xúc, điều trị bệnh hết sức khó khăn, vất vả, thậm chí rất nguy hiểm. Những lúc như vậy, luôn có những bàn tay ân cần, gần gũi, tận tâm chăm sóc bằng sự đồng cảm, lắng nghe...
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng (SN 1991, quê Quảng Xương) cũng đã có 5 năm công tác ở Khoa tâm thần nam. Từ một cô sinh viên mới ra trường mỏng manh, rụt rè, đến nay chị đã là điểm tựa tinh thần cho nhiều bệnh nhân. Chị kể, vào đây công tác, việc bị thương tích, sưng chân tay, bầm tím là chuyện thường ngày như cơm bữa. Bình thường họ rất hiền, nhưng khi lên cơn thì không ý thức được hành vi, nhiều bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác, trong đầu luôn nghĩ có người tấn công mình nên có cơ hội là ra tay uy hiếp, tấn công. Năm trước, Trung tâm cũng có một trường hợp cán bộ bị bệnh nhân tấn công phải vào viện cấp cứu. Công việc hằng ngày của chị Hằng là thăm khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân. Theo chị Hằng, ngoài chuyên môn, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị bệnh nhân tâm thần. Đội ngũ cán bộ phải hóa thân thành nhiều vai trò, là người anh, chị, con... thậm chí là thành người bệnh để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc. Khi bệnh nhân lên cơn, vừa phải cứng rắn, lại phải mềm mỏng, kiên nhẫn, đồng cảm để cùng họ vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật...
Bác sĩ Ngô Duy Dương, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm có 4 phòng, khoa với tổng số 27 cán bộ, nhân viên, ngoài việc quản lý, điều trị duy trì hằng ngày cho đối tượng bệnh nhân tâm thần, Trung tâm còn điều trị ổn định cho nhiều trường hợp mắc các bệnh thông thường khác (tăng huyết áp, viêm phế quản, viêm họng, bệnh ngoài da...); duy trì các đối tượng tham gia công tác phục hồi chức năng lao động như tham gia lao động sản xuất, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe cũng như tâm lý.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bac-si-cua-nhung-benh-nhan-dac-biet-30767.htm