Bác sĩ cũng biết 'đau'

Việc bệnh nhân gán cho bác sĩ tội danh hành nghề tắc trách một cách bất công chẳng khác nào họ cầm dao đâm thẳng vào tim vậy.

Cuối cùng rồi cũng tới thời điểm bạn phải quyết định mình sẽ trở thành thể loại bác sĩ nào.

Tôi không nói về khía cạnh chuyên môn, ví như bạn tập trung trở thành bác sĩ tiết niệu hay bác sĩ thần kinh, mà là vấn đề quan trọng hơn: Thái độ của bạn đối với bệnh nhân.

Bạn được dạy về kĩ năng giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân trong trường y, nhưng thường là sau một vài năm hành nghề thực tế ở bệnh viện, bạn mới định hình được phong cách ứng xử của riêng mình và nó sẽ theo bạn suốt sự nghiệp bác sĩ tham vấn sau này. Bạn hài hước, thú vị và tích cực? Hay kiệm lời, trầm tĩnh và lí trí?

Tôi chọn cách "vào thẳng vấn đề" - không vòng vo, không nói nhăng nói cuội, rắc thêm chút "gia vị" châm biếm vào vấn đề và chìa nó ra trước mặt bệnh nhân. Có hai lí do. Đầu tiên là vì tôi thẳng tính, tính cách của tôi vốn đã như vậy rồi nên tôi chẳng cần phải "diễn" trước mặt bệnh nhân.

Hơn nữa, bạn sẽ tiết kiệm được khối thời gian trong ngày khi không phải mào đầu cuộc nói chuyện bằng mấy thứ linh tinh như tình hình thời tiết, công việc hiện tại của bệnh nhân và chặng đường họ đi đến bệnh viện - mỗi lần như vậy làm mất toi của bạn những năm phút đấy.

 Phong cách giao tiếp của các bác sĩ đôi khi ảnh hưởng đến niềm tin của bệnh nhân dành cho bác sĩ. Ảnh: Laura Gallant.

Phong cách giao tiếp của các bác sĩ đôi khi ảnh hưởng đến niềm tin của bệnh nhân dành cho bác sĩ. Ảnh: Laura Gallant.

Phong cách giao tiếp này khiến bạn trở nên hơi xa cách, nhưng tôi cho rằng nó có lợi nhiều hơn; thật tình tôi không hề thích bệnh nhân cứ đòi kết bạn với tôi trên Facebook hoặc hỏi tôi xem nên sơn màu gì cho cái toa-lét ở tầng trệt nhà họ.

Đặc biệt ở khu sản, tôi nhận thấy một khi bác sĩ tạo được sự tin tưởng nơi bệnh nhân thì phác đồ sinh nở do bác sĩ vạch ra sẽ được bệnh nhân tán thành ngay - vì điều bạn cần ở bệnh nhân là họ phải bình tĩnh và tin tưởng bạn tuyệt đối khi giao tính mạng của họ và của đứa con trong bụng cho bạn.

Tương tự, trong phòng khám, tôi đã giúp đỡ vô số bệnh nhân bằng cách không đưa ra cho họ bản "thực đơn" đặc biệt liệt kê hằng hà sa số phương án điều trị; họ không phải tốn thời gian đắn đo lựa chọn, hơn nữa không phải ôm quả bóng trách nhiệm khi lựa chọn của họ chẳng mang lại hiệu quả - vì hầu như chắc chắn phần lớn phương án được nêu ra trong danh sách kia chả mang lại ích lợi gì cho họ cả.

Thay vào đó, tôi đưa ra ý kiến chuyên môn; bệnh nhân chỉ có một lựa chọn duy nhất là đồng ý hay không đồng ý mà thôi. Đổi ngược lại, khi tôi là bệnh nhân đến gặp bác sĩ để khám bệnh, hoặc ngay cả khi tôi mang ô tô đến xưởng để sửa chữa, bản thân tôi cũng muốn mình được đối xử y như vậy.

Nhưng có một thực tế rõ ràng là việc bác sĩ luôn nói thẳng vào vấn đề làm xấu đi hình ảnh "từ mẫu" của họ trong mắt bệnh nhân. Được bệnh nhân tin tưởng quan trọng hơn nhiều so với việc được bệnh nhân yêu thích, nhưng nếu có được cả hai thì càng tốt.

Vì vậy tôi đã quyết định dùng năm thứ ba làm bác sĩ thực tập chuyên khoa - tôi được thuyên chuyển tới một bệnh viện thực hành lớn - để chấn chỉnh lại thái độ giao tiếp. Không phải tôi tự dưng nổi hứng làm vậy đâu, xin thú thật là vì đã có bệnh nhân phàn nàn về tôi.

Thật ra là do sự cố trong quá trình tôi thực hiện lâm sàng chứ nào phải vì thái độ. Tuy nhiên vụ việc này đã "hạ đo ván" tôi, khiến tôi nhận ra mình cần phải làm hết khả năng để không bị phê bình lần nào nữa.

Bệnh viện nơi tôi hành nghề cách đây hai năm bất ngờ gửi một lá thư đến nhà tôi, thông báo một bệnh nhân hồi đó tôi đứng mổ lấy thai đang kiện tôi ra tòa với tội danh sơ suất y tế.

Sự thật mà nói, lúc đó tôi không hề bất cẩn - xác suất xảy ra chấn thương bàng quang trong khi mổ lấy thai là 1/200 ca, tôi đã trình bày cho chị ta biết về nguy cơ này trước ca sinh mổ và chính tay chị ta kí tên vào giấy cam đoan chấp thuận phẫu thuật hẳn hoi.

Theo tôi thấy, xác suất để tôi gây chấn thương bàng quang nhỏ hơn 1/200 nhiều, vì thực tế sau ca sinh mổ đó, tôi đã thực hiện hơn 200 ca sinh mổ khác và tất cả đều không ảnh hưởng gì tới bàng quang cả.

Trong ca mổ lấy thai, tôi phát hiện sự cố ngay khi nó xảy ra - một cảm giác khủng khiếp bao trùm lấy tôi, nhưng tôi liền trấn tĩnh vì biết mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát - tôi lập tức gọi cứu viện, các bác sĩ tiết niệu đã có mặt kịp thời để xử trí và cuối cùng chị ta chỉ phải lưu lại bệnh viện lâu hơn một chút so với dự tính, ắt hẳn chị ta cảm thấy khó chịu vì chuyện này.

Về phần mình, sau ca mổ tôi cũng đã cư xử phải đạo: Tôi đến gặp chị ta để xin lỗi, một cách chân thành và nhún nhường - trong trường hợp này chẳng cần phải "diễn" gì cả. Tôi đã cảnh báo bệnh nhân về những rủi ro có thể xảy ra, nhưng tôi lại để cho một trong những rủi ro đó trở thành sự thật, đây là điều mà tôi hoàn toàn không mong muốn.

"Điều quan trọng nhất: Không làm tổn hại đến bệnh nhân" - nó nằm ngay đầu bản mô tả công việc của một nhân viên y tế. Nhưng cuộc đời vốn dĩ may rủi khó lường.

Theo ý kiến của luật sư, bệnh viện đã chểnh mảng trong việc quản lí bác sĩ, tôi đã thực hiện ca phẫu thuật đó một cách tắc trách dưới quy chuẩn y tế cho phép, tôi đã kéo dài thêm sự đau đớn của nguyên đơn và làm trì hoãn cơ hội để người mẹ tạo sự gắn kết với đứa con mới sinh.

Khốn nỗi, tôi không thể phản kiện. Vì tôi không muốn tiêu tốn hàng giờ đồng hồ vô ích để lục lại hồ sơ bệnh án cũ, họp với bên luật sư và người của Hiệp hội Bảo vệ Y tế. Vì tôi không muốn việc kiện tụng ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân của mình, rút ngắn quỹ thời gian ít ỏi và quý báu mà hai chúng tôi dành cho nhau.

Và vì tôi không muốn những cảm xúc tiêu cực tấn công tinh thần mình: Cảm giác lo âu và tội lỗi đeo bám suốt thời gian làm việc ở bệnh viện vốn đã rất căng thẳng, cảm giác bất công khi bị gán cho tội danh hành nghề tắc trách, cảm giác sợ hãi khi nghĩ rằng có lẽ lâu nay mình là một bác sĩ tồi mà không hay biết. Tôi luôn hết lòng hết sức vì bệnh nhân và việc ai đó nghĩ sai về tôi chẳng khác nào họ cầm dao đâm thẳng vào tim tôi vậy.

 Những khó khăn, vui buồn của ngành y được tiết lộ qua cuốn sách Chạy trời không khỏi đau của Adam Kay. Ảnh: Wings Books.

Những khó khăn, vui buồn của ngành y được tiết lộ qua cuốn sách Chạy trời không khỏi đau của Adam Kay. Ảnh: Wings Books.

Hầu như chắc chắn bệnh nhân kia không nhận thức được quá trình kiện cáo này làm tôi khổ sở và mệt mỏi đến dường nào. Bệnh viện đồng ý "dàn xếp ngoài tòa án" vụ này, như cách họ vẫn thường làm. Có lẽ nguyên nhân sâu xa là quá trình Mỹ-hóa dần dịch vụ y tế theo đường lối nhất thiết phải kiện tụng nhiều hơn.

Bất kể chuyện mờ ám gì đang xảy ra đằng sau cánh gà, nó đã khiến tôi suy sụp hết mức. Tôi tự hỏi ngay từ lúc bắt đầu hành nghề bác sĩ, mình cố gắng làm gì, phấn đấu làm gì, để rồi đến bây giờ - khi đã leo tới vị trí bác sĩ thực tập chuyên khoa - ngay cả bệnh nhân cũng chĩa mũi dùi về phía mình.

Tôi nghiêm túc xem xét việc từ bỏ sự nghiệp khoác áo blouse trắng, một điều mà trước đó tôi chưa hề nghĩ tới. Nhưng rốt cuộc, tôi quyết định tiếp tục lăn xả với nghề cùng bài học "xương máu": Cố hết sức để từ nay về sau không phải nhận bất kì lá thư nào có in logo của văn phòng luật sư ở lề trên cùng nữa.

Adam Kay / Wings Books và NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-cung-biet-dau-post1187322.html