Bác sĩ giải mã thông tin 'uống trà sữa, thức khuya' gây bệnh thận ở người trẻ

Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về tình trạng người trẻ suy thận do uống trà sữa, nước ngọt, thức khuya, Bác sĩ Chuyên khoa I Đào Thị Thùy Nguyên, hiện đang công tác tại Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã có những chia sẻ thẳng thắn để làm rõ những lầm tưởng, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân thực sự và cách phòng ngừa hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này.

Độ tuổi suy thận ở Việt Nam có xu hướng trẻ hơn thế giới

Tình trạng bệnh thận, đặc biệt là suy thận ở người trẻ, đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm và lo lắng. Liệu những thói quen sinh hoạt hiện đại có phải là "thủ phạm" chính? Phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa I Đào Thị Thùy Nguyên, hiện đang công tác tại Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, để có cái nhìn chính xác và khoa học về vấn đề này.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, bác sĩ Nguyên cho biết xu hướng bệnh thận mạn tính tại Việt Nam hiện nay đang "già hóa" chứ không phải trẻ hóa. Nguyên nhân chính là do biến chứng từ các bệnh lý của người lớn tuổi như tiểu đường và tăng huyết áp.

"Nguyên nhân suy thận thường gặp ở người trẻ là do các bệnh lý cầu thận như viêm cầu thận cấp,viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư. Hiện nay, các ca bệnh thận ở người trẻ thường là do họ đã mắc các bệnh lý này từ nhỏ nhưng không được phát hiện sớm qua khám sức khỏe định kỳ", bác sĩ Nguyên giải thích.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý rằng so với thế giới, độ tuổi suy thận ở Việt Nam có xu hướng trẻ hơn. Điều này phần lớn đến từ các yếu tố đặc thù: "Người Việt có thói quen ăn mặn từ nhỏ, thậm chí từ lúc ăn dặm. Đây là một khác biệt lớn so với người nước ngoài. Cùng với đó là các bệnh lý tự miễn và vấn đề nguồn nước chưa đảm bảo," bà nói.

Vậy đâu mới là những nguyên nhân chính dẫn đến suy thận ở nhóm tuổi này? Bác sĩ Nguyên đã chỉ ra các yếu tố y khoa cốt lõi:

Bệnh lý về cầu thận: Viêm cầu thận cấp và mạn tính, hội chứng thận hư.

Bệnh lý tự miễn: Biến chứng từ lupus ban đỏ, xơ cứng bì.

Viêm ống kẽ thận: Cả cấp tính và mạn tính.

Bệnh lý thận đa nang.

Biến chứng từ bệnh nền: Tiểu đường, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt.

Các nguyên nhân tắc nghẽn hệ tiết niệu kéo dài như sỏi niệu quản, sỏi thận.

Nhiễm trùng nhiễm độc kéo dài : Ngộ độc thuốc hoặc thực phẩm kéo dài, có thể không biểu hiện cấp tính nhưng gây tổn thương âm thầm cho thận.

Uống trà sữa, thức khuya gây suy thận?

Trước những thông tin gây hoang mang trên mạng xã hội khi khẳng định "uống trà sữa, thức khuya" gây suy thận, bác sĩ Nguyên khẳng định: "Những thông tin cho rằng uống trà sữa thay nước hay ngủ sau 1 giờ đêm có thể trực tiếp dẫn đến bệnh thận là không chính xác". Bà nhấn mạnh: "Đây chỉ là những thói quen xấu, có thể là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh, chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh thận".

Bác sĩ Nguyên đang khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh thận.

Bác sĩ Nguyên đang khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh thận.

Theo nữ bác sĩ, trong các thói quen sinh hoạt, hai yếu tố đáng lo ngại nhất là: chế độ ăn quá mặn: đây là yếu tố chính thúc đẩy bệnh thận tiến triển nặng hơn và lạm dụng thuốc,chất kích thích như bia rượu,… Việc tự ý sử dụng thuốc tây không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng.

Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc có bất thường về cấu trúc thận (thận đa nang, thận hình móng ngựa, thận đôi, thận đơn) cũng có nguy cơ cao hơn.

Một trong những điều nguy hiểm nhất của bệnh thận mạn là triệu chứng ở giai đoạn đầu rất nghèo nàn và mơ hồ: "Khi bệnh nhân đến khám mà đã có triệu chứng rõ ràng như khó thở, tăng huyết áp, tức ngực thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, từ giai đoạn ba trở đi," bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Vì vậy, người trẻ cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu sớm dù rất nhỏ:

Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân
Tiểu tiện bất thường (tiểu nhiều, tiểu ít, hay tiểu đêm).
Thường xuyên bị chuột rút
Đau mỏi vùng thắt lưng
Phù bất thường hay biểu hiện phù mặt nặng mí mắt
Tăng huyết áp

"Cách duy nhất để chẩn đoán sớm là chủ động đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm thận," bà nhấn mạnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Nguyên khẳng định, khi đã được chẩn đoán suy thận mạn, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị chỉ là bảo tồn chức năng thận còn lại, làm chậm tiến triển của bệnh chuyển sang giai đoạn cuối (giai đoạn V) và trì hoãn việc phải điều trị thay thế thận (lọc màng bụng, lọc máu, ghép thận).

Để chủ động bảo vệ sức khỏe thận, bác sĩ Đào Thị Thùy Nguyên đưa ra lời khuyên thiết thực cho các bạn trẻ :

1. Khám sức khỏe định kỳ:. Nên thực hiện 6 tháng/lần với đủ các xét nghiệm chức năng thận.

2. Ăn nhạt: Giảm lượng muối tiêu thụ hằng ngày xuống dưới 5 gram (tương đương một thìa cà phê).

3. Uống đủ nước: Khoảng 2-3 lít mỗi ngày, tùy thuộc vào thể trạng và mức độ vận động.

4. Hạn chế lạm dụng chất kích thích và thuốc: Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng viêm, giảm đau mà không có chỉ định.

5. Kiểm soát tốt bệnh nền: Nếu có các bệnh như viêm cầu thận, lupus, tiểu đường, tăng huyết áp, cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bac-si-giai-ma-thong-tin-uong-tra-sua-thuc-khuya-gay-benh-than-o-nguoi-tre-post1759376.tpo