Bác sĩ giải thích: Nên uống nước lạnh hay nước ấm?

Cơ thể cần nước để hoạt động. Nước giúp tất cả các hệ thống trong cơ thể hoạt động bình thường.

Uống nước lạnh hay ấm đều tốt, mỗi loại sẽ hỗ trợ cơ thể theo những cách khác nhau trong những tình huống khác nhau. Ảnh Pexels

Uống nước lạnh hay ấm đều tốt, mỗi loại sẽ hỗ trợ cơ thể theo những cách khác nhau trong những tình huống khác nhau. Ảnh Pexels

Uống đủ nước giúp cho cơ thể tiêu hóa đúng cách, đảm bảo hệ thống các cơ quan hoạt động bình thường, loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể, đệm các khớp, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, điều hòa nhiệt độ cơ thể, duy trì nhịp tim ổn định và kiểm soát huyết áp.

Nhưng vấn đề đặt ra là nên uống nước ấm (nước ở nhiệt độ phòng) hay nước lạnh sẽ tốt hơn.

Sau đây, bác sĩ sẽ làm rõ vấn đề này:

Thạc sĩ Poonam Sachdev, bác sĩ chuyên khoa nhi, đang làm việc tại Ấn Độ, đồng ý rằng uống nước lạnh hay ấm đều tốt, mỗi loại sẽ hỗ trợ cơ thể theo những cách khác nhau trong những tình huống khác nhau, theo chuyên trang y tế Medicine Net.

Điều này có nghĩa là có những lúc nên uống nước ấm nhưng đôi khi uống nước lạnh sẽ tốt hơn.

KHI NÀO NÊN UỐNG NƯỚC LẠNH?

Nước lạnh ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách riêng biệt. Do đó, trong một số trường hợp, nó có thể mang lại nhiều lợi ích hơn.

Khi tập luyện. Lúc này, nhiệt độ cơ thể tăng lên, khiến bạn mất năng lượng nhanh hơn và trở nên mệt mỏi. Nghiên cứu cho thấy uống nước lạnh trong khi tập thể dục có thể giúp cơ thể không bị quá nóng và giúp buổi tập luyện thành công hơn. Có lẽ là do uống nước lạnh giúp cơ thể duy trì nhiệt độ cơ thể thấp hơn. Kết quả là bạn sẽ ít mệt mỏi hơn, có thể tập luyện lâu hơn.

Khi đổ mồ hôi trong thời tiết nóng. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Cơ thể mất rất nhiều nước trong quá trình này và cần uống nước để bù lại. Nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng có thể khiến bạn ít cảm nhận được cơn khát, dễ dẫn đến uống không đủ lượng nước cần thiết. Uống nước lạnh có thể khuyến khích bạn uống nhiều hơn và tránh mất nước.

Khi cần tỉnh táo. Hãy thử 1 ly nước lạnh khi bạn cần giữ cho mình tỉnh táo. Nước lạnh giúp cơ thể sản xuất adrenaline - hoóc môn giúp tỉnh táo, theo Medicine Net.

KHI NÀO NÊN UỐNG NƯỚC ẤM?

Nước ở nhiệt độ phòng ảnh hưởng đến cơ thể khác với nước lạnh. Do đó, có một số tình huống mà uống nước ấm có thể có lợi hơn nước lạnh. Uống nước ấm có thể hỗ trợ tiêu hóa và lưu thông máu tốt hơn, đồng thời giúp cơ thể đào thải độc tố nhanh hơn.

Khi bị nghẹt mũi do viêm xoang. Uống nước ấm là cách hay để điều trị các vấn đề về xoang và mũi. Nếu bị cảm cúm hoặc viêm xoang dị ứng khiến mũi bị tắc nghẽn, uống nước ấm có thể giúp làm dịu các triệu chứng và giúp thở dễ hơn. Nước làm loãng chất nhầy và loại bỏ chúng khỏi đường hô hấp. Điều này giúp dễ thở hơn và làm dịu cổ họng. Ngược lại, uống nước lạnh có thể khiến tình trạng tệ hơn do làm đặc chất nhầy mũi.

Người mắc chứng đau nửa đầu. Có một số tình trạng sức khỏe mà việc uống nước lạnh có thể làm trầm trọng thêm. Nghiên cứu đã cho thấy uống nước lạnh kích hoạt chứng đau nửa đầu ở những người đã bị đau nửa đầu.

Khi cần thúc đẩy tiêu hóa. Uống nước ở nhiệt độ phòng vào buổi sáng giúp kích thích hệ tiêu hóa. Nó thúc đẩy nhu động ruột và làm rỗng ruột. Không uống đủ nước thường dẫn đến táo bón. Uống 1 ly nước ấm vào buổi sáng ngay khi thức dậy có thể làm giảm tình trạng này bằng cách cải thiện nhu động ruột, theo Medicine Net.

NGUYỄN LAN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202408/bac-si-giai-thich-nen-uong-nuoc-lanh-hay-nuoc-am-a3d064d/