'Bác sĩ Google' là có thật!

'Bác sĩ Google' đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc mỗi khi chúng ta có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Chỉ cần một vài cú nhấp chuột, hàng loạt kết quả chẩn đoán sẽ hiện ra. Nhưng liệu sự tiện lợi này có thực sự đáng tin cậy và an toàn như chúng ta nghĩ?

Mặc dù ‘bác sĩ Google’ nổi tiếng với những chẩn đoán không đáng tin cậy, nhưng Google đang phát triển một công nghệ mới mang tên "HeAR". Đây là một mô hình AI sử dụng dữ liệu âm thanh để phát hiện sớm các dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau, đơn cử như bệnh lao. Việc chẩn đoán nhanh chóng và phát hiện sớm là yếu tố sống còn, đặc biệt là đối với những bệnh nguy hiểm.

 Bác sĩ Google đã trở thành địa chỉ chẩn đoán bệnh quen thuộc của nhiều người.

Bác sĩ Google đã trở thành địa chỉ chẩn đoán bệnh quen thuộc của nhiều người.

HeAR: Công nghệ chẩn đoán bằng âm thanh

HeAR (Health Acoustic Representations) là công cụ mà Google đã phát triển để hỗ trợ các nhà nghiên cứu xây dựng các mô hình AI có khả năng "lắng nghe âm thanh của con người và nhận diện các dấu hiệu sớm của bệnh tật".

Google đã đào tạo HeAR với 300 triệu dữ liệu âm thanh, trong đó 100 triệu là âm thanh của tiếng ho. Qua đó, HeAR có thể phân tích tiếng ho của bệnh nhân và đưa ra những chẩn đoán tiềm năng.

Với công nghệ hiện đại, tưởng tượng một ngày nào đó bạn có thể chỉ cần ho trước một chiếc điện thoại và nhận được chẩn đoán chính xác từ AI. Mặc dù ý tưởng này nghe có vẻ xa vời, nhưng nó đang dần trở thành hiện thực.

Điều đáng chú ý là công nghệ này không chỉ đơn thuần là một phát minh trong phòng thí nghiệm mà còn có thể được áp dụng trong thực tế. HeAR có thể được tích hợp vào một chiếc điện thoại thông minh, mở ra cơ hội lớn cho các vùng xa xôi, nơi thiếu thốn các thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X-quang, chụp CT hay MRI.

Việc sử dụng HeAR trong những điều kiện này có thể là một bước đột phá, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Google hiện đã hợp tác với Salcit Technologies, một công ty chăm sóc sức khỏe hô hấp ở Ấn Độ. Salcit đã phát triển một mô hình AI sinh học âm thanh riêng gọi là Swaasa, sử dụng âm thanh của tiếng ho để đánh giá tình trạng phổi của bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của HeAR, Salcit đang cải thiện khả năng phát hiện bệnh lao, một trong những bệnh nguy hiểm nhất ở các nước đang phát triển.

 Trong tương lai chúng ta có thể chẩn đoán bệnh ngay trên điện thoại. Ảnh minh họa

Trong tương lai chúng ta có thể chẩn đoán bệnh ngay trên điện thoại. Ảnh minh họa

Thách thức và tương lai của chẩn đoán bằng AI

Tuy nhiên, việc thuyết phục các bác sĩ và bệnh nhân tin tưởng vào công nghệ này sẽ là một thách thức. Nhiều người vẫn còn nghi ngại về độ chính xác của các chẩn đoán dựa trên AI. Nhưng với sự hỗ trợ của các tổ chức có uy tín như United Nations's StopTB, HeAR có cơ hội trở thành một công cụ hữu ích trong tương lai.

Công nghệ HeAR của Google, với khả năng sử dụng âm thanh để chẩn đoán bệnh, là một bước tiến lớn. Nó không chỉ giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn có thể cứu sống hàng triệu người bằng cách phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm. Nhưng để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, bác sĩ và cộng đồng y tế toàn cầu.

Trong tương lai không xa, bạn có thể thực sự được chẩn đoán và điều trị bởi ‘bác sĩ Google’. Công nghệ AI như HeAR đang mở ra những triển vọng mới trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở những nơi thiếu thốn điều kiện y tế.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/bac-si-google-la-co-that-post807877.html