Bác sĩ 'hồi sinh' nhiều ca bệnh nhi nguy kịch
Hồi sức tích cực - chống độc (HSTC-CĐ) là khoa nhiều áp lực nhất trong hệ thống các khoa lâm sàng của một bệnh viện. Nơi đây chuyên điều trị những bệnh nhân ở tình trạng tổn thương nặng, biến chứng khó lường.
Hơn 25 năm khoác áo blouse trắng thì ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã có 20 năm gắn bó với Khoa HSTC-CĐ. Với tình yêu nghề, thương trẻ, BS Nghĩa đã nhiều lần “chiến đấu” để giành lại sự sống cho những bệnh nhi ở tình trạng thập tử nhất sinh.
Cứu sống nhiều ca nguy kịch
Những tháng cuối năm 2023, thời tiết thay đổi nên số ca bệnh nhi, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải nhập Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị khá đông. Dù là Phó giám đốc của bệnh viện nhưng BS Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn thường có mặt ở Khoa HSTC-CĐ để hỗ trợ, đồng hành cùng các bác sĩ tại khoa để cấp cứu, điều trị cho các ca bệnh khó, nguy kịch,
Vào những ngày giữa tháng 12-2023, Khoa HSTC-CĐ có nhiều ca bệnh nặng do tai nạn thương tích, sốt xuất huyết biến chứng, sinh non đa dị tật…, trong đó có nhiều ca bệnh hôn mê, xung quanh là những máy móc, dây nhợ. BS Nghĩa đang cùng các bác sĩ của Khoa HSTC-CĐ tìm biện pháp chữa trị cho ca bệnh nhiễm độc hoại tử thượng bì rất nặng ở một bệnh nhi bị ngộ độc thuốc phải lọc máu liên tục. BS Nghĩa cho biết, đây là ca nhiễm độc hoại tử thượng bì nặng nhất được điều trị tại bệnh viện trong 15 năm qua.
Quan sát hoạt động của các bác sĩ, nhân viên y tế trong Khoa HSTC-CĐ mới hiểu vì sao mọi người gọi khoa này là nơi ánh đèn không bao giờ tắt. Bởi nơi đây lúc nào cũng sáng đèn để cứu người, nơi chỉ có tiếng tít tít của máy thở và sự sống của các bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào phác đồ điều trị cũng như sự theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn, dấu hiệu nguy kịch của các y, bác sĩ để có phương pháp cứu chữa kịp thời.
Trong suốt 20 làm công tác hồi sức chống độc, BS Nghĩa và cộng sự đã xử trí và cứu sống rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị đa chấn thương, bệnh chuyển nặng; ngộ độc cấp do uống nhầm hóa chất, rắn độc cắn; biến chứng sốt xuất huyết, viêm não; ngưng tim ngưng thở do hóc dị vật... Nhiều ca phải lọc máu, thở máy, truyền huyết thanh…
Sau khi hội chẩn xong, BS Nghĩa nhìn quanh phòng bệnh của khoa và chia sẻ, ông chỉ mong thấy các bệnh nhi đang nằm đây qua cơn nguy kịch, mau bình phục, được trả về trong vòng tay của gia đình. Do đó, mỗi khi có những ca bệnh nặng, nếu bất cứ khi nào các bác sĩ trong khoa cần sự hỗ trợ là ông sẵn sàng có mặt để xử lý.
BS Nghĩa tâm sự: “Để hạn chế thấp nhất các ca tử vong hoặc không bị biến chứng, thương tật suốt đời, tôi cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên của Khoa HSTC-CĐ luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, rút kinh nghiệm về chuyên môn; theo dõi sâu sát diễn tiến bệnh của bệnh nhân để can thiệp, xử lý kịp thời. Thực ra, niềm vui cứu sống những ca bệnh nặng “lướt” qua rất nhanh. Còn những ca không qua khỏi khiến tôi luôn trăn trở, đau đáu tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất trong điều trị các ca bệnh khó tương tự về sau”.
Nhiều năm công tác cùng BS Nghĩa, điều dưỡng trưởng Khoa HSTC-CĐ Trần Tôn Nữ Anh Ty cho hay: “BS Nghĩa là người có đủ cả tài đức của một BS và cái tầm của một lãnh đạo bệnh viện. Dù đã là Phó giám đốc bệnh viện nhưng BS Nghĩa vẫn dành thời gian tiếp tục hỗ trợ khoa. Dù vất vả nhưng BS Nghĩa luôn tràn đầy năng lượng và truyền cảm hứng làm việc, đam mê với nghề cho mọi người. Khoa HSTC-CĐ là “trái tim” của bệnh viện, còn với chúng tôi, BS Nghĩa là “trái tim” của khoa HSTC-CĐ”.
Cả nhà theo ngành Y
Dành tình yêu lớn cho ngành Y nên BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA và vợ là BS CKII NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN, Trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) đã định hướng 2 con theo ngành Y. Trong đó, con gái đầu học năm thứ 3 của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM); con trai út vừa vào năm nhất Trường đại học Y dược TP.HCM.
Dành tình yêu lớn cho nghề y
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 1998 , BS Nghĩa về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Trong 25 năm mang trên vai “sứ mệnh” cứu chữa các bệnh nhi nguy kịch, BS Nghĩa luôn tâm niệm và thực hành lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Dành tình yêu lớn cho bệnh nhân, dành cả đam mê và khát vọng tuổi trẻ cho y nghiệp, BS Nghĩa luôn đòi hỏi ở bản thân tinh thần trách nghiệm, thái độ làm việc nghiêm túc và mang trong mình một trái tim nóng ấm. Cho nên, dù công việc ở Khoa HSTC-CĐ áp lực cao, thu nhập lại thấp nhưng BS Nghĩa vẫn gắn bó với công việc suốt 20 năm.
Từ khi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc bệnh viện (năm 2021), BS Nghĩa có điều kiện nhìn tổng thể hơn về vai trò của chuyên môn cũng như yếu tố con người từ đó có nhiều đề xuất hợp lý. Hiện Khoa HSTC-CĐ là một trong những khoa được trang bị đầy đủ các loại máy móc, trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, kể cả máy thở, hệ thống lọc máu liên tục, máy chạy ecmo (trao đổi oxy ngoài cơ thể), máy hạ thân nhiệt chỉ huy… Đây là những thiết bị đáng mơ ước của nhiều bệnh viện nhi ở những địa phương khác.
Với tình yêu nghề, mong muốn không để xảy ra các ca bệnh nặng, từ đầu năm 2023 đến nay, BS Nghĩa đã tổ chức được nhiều hoạt động chuyên môn ngoài bệnh viện rất ý nghĩa. Trong đó có chương trình tập huấn cấp cứu ngoại viện trong cộng đồng. Ý tưởng này xuất phát từ nhiều năm làm công tác cấp cứu, hồi sức chống độc, chứng kiến nhiều ca bệnh tổn thương nặng, biến chứng nhanh, thậm chí không qua khỏi ở trẻ là do việc cấp cứu trẻ bị tai nạn thương tích trong cộng đồng chưa được quan tâm.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, BS Nghĩa đã cùng nhóm cộng sự đến các trường học, khu dân cư để truyền thông, tập huấn, cầm tay chỉ việc cho giáo viên, phụ huynh cách cấp cứu đúng, kịp thời, biết tận dụng “5 phút vàng” để cứu trẻ, nhằm giảm thiểu tổn thương ở trẻ khi bị tai nạn thương tích. Hoạt động này đã mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn.
Mặc dù bận rộn với công tác lãnh đạo, công tác chuyên môn, nhưng BS Nghĩa vẫn luôn dành thời gian để nghiên cứu khoa học. Hiện ông được giới chuyên môn về bệnh nhi đánh giá cao thông qua nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong điều trị. Trong hàng chục đề tài của ông, có 13 đề tài nghiên cứu khoa học được nhiều đồng nghiệp quan tâm như: Điều trị viêm não Nhật Bản, Lọc máu liên tục, Đặt cathete tĩnh mạch ở trẻ em, Ngộ độc Cyanide ở trẻ, Sốc sốt xuất huyết, Sốt xuất huyết suy đa tạng…
Ở bệnh viện, nơi mà mỗi một nhịp đập trái tim cũng có thể làm hạnh phúc vỡ òa; nơi mà nước mắt, nỗi đau luôn rình rập; nơi đòi hỏi đội ngũ y tế không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà phải có sức khỏe, lòng nhiệt tình, đức hy sinh và những nỗ lực không ngừng nghỉ để giành giật sự sống cho bệnh nhân thì tấm lòng của một thầy thuốc tận tân như BS Nghĩa thật đáng trân trọng.