Bác sĩ khuyến cáo không nên thụ tinh trong ống nghiệm để đẻ sinh đôi, vì sao?

Nhiều cặp vợ chồng hiện nay tìm đến bác sĩ với nhu cầu làm thụ tinh trong ống nghiệm để đẻ sinh đôi. Chuyên gia hỗ trợ sinh sản- ThS BS Hồ Mạnh Tường - cho rằng, điều này rất không tốt cho sức khỏe của người mẹ và em bé.

Hiện nay, có thực trạng là không ít cặp vợ chồng tìm cách thụ tinh trong ống nghiệm và đẻ sinh đôi. Khi biết mình có song thai, nhiều cặp vợ chồng rất vui mừng, vì chỉ sinh một lần được luôn hai đứa trẻ!

ThS BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hy Vọng (HOPE Research Center), Bệnh viện Mỹ Đức, TP HCM, kể: “Chúng tôi từng gặp không ít trường hợp các cặp vợ chồng “đòi” bác sĩ giúp cho sinh đôi. Họ nói tại thấy người quen sinh đôi 2 đứa con thấy ham quá, nên cũng muốn có như người ta. Đẻ một lần, chăm sóc cho “tiện”!”

Nhưng các bác sĩ có hiểu biết thì lại rất lo cho an toàn và sự phát triển lâu dài của trẻ. “Tôi thường mất rất nhiều thời gian để tư vấn, thuyết phục các anh chị “xì-tin” kiểu này. Sau đó, nhiều người họ…đi tìm một bác sĩ khác! Ngoài kia luôn có các bác sĩ sẵn sàng đáp ứng ý muốn của họ. Bác sĩ đó có thêm bệnh nhân, cặp vợ chồng thỏa mãn. Chỉ có những đứa trẻ là không may”.

Tử cung người phụ nữ được cấu tạo để phù hợp và nuôi dưỡng tốt nhất cho một thai nhi. Trong điều kiện đó, thai phát triển bình thường và đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh. Khi phụ nữ mang nhiều hơn một thai, là tình trạng bất thường. Cơ thể người mẹ sẽ phải cố chịu đựng với trạng thái quá mức bình thường trong 9 tháng. Các thai nhi cũng chịu một áp lực tương tự. “Khi người mẹ mang hai thai thì khả năng sẩy thai, sinh non cao hơn gấp 6 lần 1 thai. Nhiều thai hơn thì nguy cơ càng cao hơn. Nguy cơ dị tật thai cũng tăng…” - BS Hồ Mạnh Tường cho biết.

Ông dẫn số liệu từ báo cáo của Cơ quan quản lý IVF và phôi người của Anh Quốc (HFEA) chỉ ra rằng tỉ lệ sinh non của song thai sau TTTON là 61%. Trong khi đó, tỉ lệ này đối với các trường hợp đơn thai chỉ là 9%.

Ảnh: Khóa tập huấn Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, tổ chức tại TP.HCM mới đây

Ảnh: Khóa tập huấn Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, tổ chức tại TP.HCM mới đây

Sinh non làm tăng tỉ lệ bệnh, tỉ lệ tử vong sơ sinh, ngoài ra có thể có di chứng trên sự phát triển của trẻ sau này. Có thể nhiều người, ngay cả nhân viên y tế, cũng chưa nhận thức đúng về song thai và nguy cơ sinh non tháng. ThS BS Hồ Mạnh Tường nhấn mạnh: “Nói chung làm TTTON thì phải tránh tối đa các trường hợp đa thai, vì sự sống và tương lai của con trẻ”.

Các biến chứng của đa thai

Theo thông tin từ trang của tổ chức sức khỏe phi lợi nhuận Beaumont của Mỹ (https://www.beaumont.org), tỉ lệ sinh non tháng với song thai là trên 60%. Càng nhiều thai, tỉ lệ sinh non tháng càng cao. Khi trẻ sinh non tháng, cơ thể chưa phát triển toàn diện, sẽ gặp những khó khăn khi thở, bú, đề kháng nhiễm trùng, chống lạnh. Với người mẹ, khi mang đa thai, nguy cơ tiền sản giật tăng từ 2-5 lần. Tiền sản giật khi đa thai nặng hơn ở những người một thai. Tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của mẹ và thai. Khi đa thai, nguy cơ thiếu máu tăng. Đa thai làm tăng nguy cơ di tật thai (như dị tật ống thần kinh, dị tật đường tiêu hóa, dị tật tim…). Tỉ lệ sẩy thai tăng khi mang đa thai. Ngoài ra, đa thai còn có thể tăng nguy cơ nhiều biến chứng khác.

Do vậy, theo ThS BS Hồ Mạnh Tường, bác sĩ điều trị hiếm muộn nên tư vấn và có biện pháp giảm thiểu tỉ lệ đa thai. Khi đã mang đa thai, các thai phụ cần được theo dõi tại các cơ sở y tế có kinh nghiệm. Và dù là thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản hay thai tự nhiên, nên giảm thai khi có nhiều hơn 2 thai. Trong trường hợp thai phụ đã có tiền căn sinh non, chỉ nên chuyển 1 phôi vào buồng tử cung để giảm nguy cơ sinh non do đa thai.

Y học ngày càng phát hiện ra nhiều chứng cứ cho thấy sức khỏe, sự phát triển về thể chất, trí lực của trẻ sau này phụ thuộc rất nhiều vào 9 tháng được nuôi dưỡng trong tử cung người mẹ.

BS Tường kêu gọi: Các bác sĩ cần tư vấn cho các cặp vợ chồng và cộng đồng hiểu, đừng tiếp tay cho những cặp vợ chồng thiếu kiến thức!

Tương lai sức khỏe một người nhiều khi đã được định đoạt khi còn ở trong bụng mẹ và ngay khi mới sinh ra.

Trẻ sinh nhẹ cân, đa thai, sinh non hay thừa cân…đều tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe khi lớn. Hãy chuẩn bị cho trẻ một khởi đầu tốt nhất, đó là nhiệm vụ của cha mẹ và bác sĩ.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/bac-si-khuyen-cao-khong-nen-thu-tinh-trong-ong-nghiem-de-de-sinh-doi-vi-sao-post1104536.vov