Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Cần hoàn thiện các phương án xử trí khi phát sinh F0 tại trường học
'Việc F0 xuất hiện liên tục tại trường học trong thời gian tới là điều có thể nhìn thấy trước. Quan trọng là hướng xử lý, vừa đảm bảo không quá xáo trộn đến hoạt động dạy và học, vừa hạn chế được các ca bệnh chuyển nặng'.
Đó là quan điểm của Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện học sinh quay trở lại trường học.
"Đi học liệu có an toàn không? Nếu trong lớp có F0 thì ai chịu trách nhiệm? Người lớn đi làm vì đã tiêm vaccine, còn trẻ em đã được tiêm đâu mà bình thường mới" là băn khoăn của không ít phụ huynh. Quan điểm của ông về việc học sinh cả nước quay trở lại trường thời điểm này?
Theo tôi, đây là nhu cầu thực tế, thiết yếu với cả 3 phía: bản thân các em học sinh, gia đình và nhà trường.
Các hạn chế về đi lại, sinh hoạt và làm việc đều đã được gỡ bỏ, trường học cũng cần như vậy, mở cửa đón học sinh. Thậm chí, việc cho học sinh trở lại trường còn phải được xúc tiến sớm hơn, tuy nhiên thời điểm hiện tại cũng là hợp lý.
Ông có thể đưa ra các đề xuất để việc mở cửa trường học trở lại an toàn?
Cần thực hiện nghiêm theo bộ hướng dẫn của ngành Y tế và Giáo dục khi học sinh trở lại trường. Hoàn thiện các phương án xử trí chi tiết khi phát sinh F0 tại trường học như cách ly ra sao, điều trị F0, F1 thế nào...
"Hiện tại, các học sinh đều đã có mã số duy nhất để Sở GD&ĐT quản lý, nên việc quản lý trẻ F0, F1 cũng sẽ thuận lợi hơn".
Đồng thời, có phác đồ điều trị cho các F0 học đường ở mọi mức độ khác nhau; vừa triển khai vừa nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và tính an toàn của vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Ưu tiên tinh thần tự nguyện của cha mẹ khi cho con tiêm ở độ tuổi này. Nếu trẻ không tiêm cũng cần phải tôn trọng quan điểm của gia đình.
Hiện nay, Hà Nội vẫn đang đứng đầu về số ca nhiễm mỗi ngày, vậy thành phố nên làm gì để cha mẹ có thể yên tâm cho con quay trở lại trường học?
Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, không thể để học sinh học trực tuyến ở nhà mãi được, cần sớm cho học sinh tới trường. Trước mắt, học sinh lớp 7 trở lên đã được tiêm vaccine với tỷ lệ nhất định, sau đó tới trẻ mầm non và trẻ lớp 1 đến lớp 6 cũng sẽ tới trường học trực tiếp.
Việc F0 xuất hiện liên tục tại trường học trong thời gian tới là điều có thể nhìn thấy trước. Quan trọng là hướng xử lý, vừa đảm bảo không quá xáo trộn đến hoạt động dạy và học, vừa hạn chế được các ca bệnh chuyển nặng.
"Ngoài việc đảm bảo tăng cường miễn dịch bằng vaccine cho trẻ, cần có hướng dẫn về cách sinh hoạt, ăn uống và tính toán thời gian học tập sao cho hợp lý, để học sinh không bị căng thẳng quá sức".
Như vậy, ngành Y tế thành phố Hà Nội cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về cách xử trí đối với trẻ mầm non và học sinh khi trở thành F0. Cụ thể, khi có học sinh bị nhiễm thì cách ly hay điều trị tại nhà ra sao, uống thuốc thế nào, khi nào thì phải nhập viện?
Hiện tại, các học sinh đều đã có mã số duy nhất để Sở GD&ĐT quản lý, nên việc quản lý các bạn F0, F1 cũng sẽ thuận lợi hơn.
Đồng thời, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi cũng cần được quan tâm sâu sát. Các bạn nhỏ có bệnh nền, quá cân hay béo phì cần có sự quan tâm đặc biệt. Triển khai tiêm vaccine cho lứa tuổi này cần đảm bảo được truyền thông tốt, tôn trọng quan điểm tiêm hay không tiêm của gia đình.
Ngoài việc đảm bảo tăng cường miễn dịch bằng vaccine cho trẻ, cần có hướng dẫn về cách sinh hoạt, ăn uống và tính toán thời gian học tập sao cho hợp lý, để các bạn học sinh không bị căng thẳng quá sức.
"Ngành Y tế thành phố Hà Nội cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về cách xử trí đối với trẻ mầm non và học sinh khi trở thành F0. Khi có học sinh bị nhiễm thì cách ly hay điều trị tại nhà ra sao, uống thuốc thế nào, khi nào thì phải nhập viện?".
Đồng thời, bản thân người lớn, những bạn học sinh lớn trên 12 tuổi, dù tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng vẫn hết sức thận trọng, thực hiện tốt 5K để làm giảm tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng, để bảo vệ những học sinh chưa được tiêm đủ vaccine.
Thường trẻ khi mắc Covid-19 thì triệu chứng có vẻ nhẹ nhàng, nhưng sau đó có thể dẫn tới hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em.
Do đó, ngành Y tế thành phố cần có chiến lược cụ thể để điều trị và ngăn ngừa tình trạng trẻ bị MIS-C sau khi mắc Covid-19.
Vậy cần tăng cường các biện pháp dự phòng thế nào?
Ngành Y tế thành phố tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các biện pháp để phòng chống dịch Covid-19 tại trường học. Nâng cao tỷ lệ trẻ 5-11 tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19 trên tinh thần tôn trọng quan điểm tiêm hay không tiêm của gia đình.
Tiếp tục đẩy mạnh việc phòng chống lây nhiễm và điều trị tốt Covid-19 trong cộng đồng bằng việc thực hiện nghiêm túc 5K, súc họng các dung dịch sát khuẩn, chú trọng tiêm vaccine cho những người nguy cơ cao, chủ động được nguồn thuốc kháng virus kết hợp truyền thông tốt để giảm lây nhiễm và ngăn chuyển nặng đối với bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng.
Cần có chính sách hợp lý đối với đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở để có thể chăm sóc tốt các bạn nhỏ, vừa là thầy thuốc lại vừa là người hỗ trợ về tâm lý cho các bạn học sinh chẳng may bị nhiễm Covid-19.
Thực tế, đến một lúc nào đó, việc tiếp xúc với F0 hoặc bị lây nhiễm sẽ là điều không thể tránh khỏi với tất cả các bạn học sinh, cho dù ở trường hay ở nhà. Quan trọng là chúng ta cần đảm bảo làm sao nếu có bị nhiễm cũng không quá ảnh hưởng đến hệ thống y tế, đồng thời giảm thiểu được các hậu quả sau Covid-19 trên các bạn nhỏ, đặc biệt là tình trạng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Anh