Bác sĩ nhiễm Covid-19 vẫn không rời nhiệm vụ, ngày ngủ 4 tiếng
Hơn 3h sáng 8/8, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh vẫn trằn trọc không thể ngủ, bởi những cuộc gọi, tin nhắn từ đồng nghiệp và bệnh nhân vang lên liên hồi. Ít ai biết rằng, một tuần qua, chị cũng là bệnh nhân F0.
Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh công tác tại Khoa Sơ sinh, là nữ bác sĩ duy nhất trong đoàn của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chi viện cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (phường Tân Thời Nhất, quận 12).
Kết nối những chuyến xe đưa bệnh nhân về nhà
Bác sĩ Linh cùng đồng đội của mình có mặt tại bệnh viện dã chiến vào ngày thứ 5 kể từ khi bệnh viện được thành lập. Cơ sở vật chất đều sơ khai dù khi đó đã có 2.500 bệnh nhân.
Nữ bác sĩ tâm sự, thành công lớn nhất của chị trong chuyến đi này là làm được 2 việc. Và cũng vì thành công ấy, chị được các đồng nghiệp yêu thương, đặt cho “chức danh”: Lớp trưởng chuyên giải bài toán khó.
Chị kể, vốn là bác sĩ Khoa Sơ sinh, đặc biệt yêu quý trẻ em, nên khi nhìn thấy những bệnh nhi F0 vùng vẫy, kêu khóc vì bị lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là khi tận tay chị phải làm những đứa trẻ đau đớn, chị buồn cả một ngày.
Mãi đến tận tối muộn, không chịu đựng nổi sự day dứt, chị gọi điện cho “sư phụ” của mình là bác sĩ Thùy Dương (Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM), để nhờ tư vấn. Bác sĩ Thùy Dương gợi ý chị nên tặng cho các bé món quà nhỏ là hộp kẹo C hình con vịt, và cô cũng giúp đỡ thêm bằng cách liên hệ với nhóm từ thiện của chị Vũ Thị Hải Anh để tiếp tế 1.000 hộp.
“Lần thứ 2 lấy mẫu xét nghiệm, không có một em bé nào phải khóc nữa. Vì vậy, tôi đã lên phương án cho toàn thể tòa nhà. Hễ lấy mẫu cho các bệnh nhi thì sẽ tặng các bé 1-2 hộp kẹo C. Bởi khi các bé không hợp tác trong việc lấy mẫu thì sẽ dẫn đến nguy cơ kết quả thiếu chính xác, hơn nữa có thể dẫn đến sang chấn tâm lý cho các bé về sau”, bác sĩ Linh bày tỏ.
Khó khăn thứ 2 mà chị đã tìm được cách khắc phục là việc xuất viện của bệnh nhân trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Với mỗi đợt xuất viện ít nhất 200 người, có khi lên đến 500 người, làm thế nào để bệnh nhân có phương tiện di chuyển về nhà và đảm bảo bệnh nhân sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch Covid-19 là câu hỏi không đơn giản.
Từng có vài lái xe tình nguyện chở bệnh nhân về, nhưng số lượng quá ít, không thể giải quyết hết cho hàng trăm ca. Lại nhiều đêm khó ngủ, cơ duyên đến khi bác sĩ Linh được giới thiệu cho một nhà xe lớn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch. Chị liền gọi điện lên cấp trên xin thông qua phương án để nhà xe có thể hoạt động.
“Phần lớn bệnh nhân có nhu cầu gọi xe, bởi hiện tại rất khó để người thân có thể đến đón. Với những hoàn cảnh khó khăn quá, nhà xe cũng miễn phí luôn. Vì vậy, từ hôm đến giờ, việc xuất viện tại bệnh viện chúng tôi rất êm xuôi”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Chị cũng tiết lộ thêm, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều “bài toán” mà lực lượng y tế phải tìm lời giải. Thậm chí có người còn phải giải những bài khó hơn gấp bội như cấp cứu người bệnh trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; phải hồi sức như thế nào; oxy cung cấp ra sao...
Đứng về phía người bệnh
Khi mới đến bệnh viện dã chiến, chứng kiến sự phản kháng của nhiều F0, bác sĩ Linh cùng các đồng nghiệp đã phải liên tục ngồi họp cùng nhau đến tận khuya.
Bệnh viện dã chiến số 2 thành lập gấp rút ở một chung cư trống không, chỉ có điện và nước. 2.500 con người xa lạ vào ở chung nên không tránh khỏi sự ồn ã. Thỉnh thoảng, chuông báo cháy lại vang lên.
“Tôi nghĩ họ thiếu niềm tin và không được đáp ứng những nhu cầu của bản thân nên tìm cách gây chú ý”, bác sĩ Linh nói.
Sau khi ngồi họp bàn, mọi người cùng đi đến thống nhất, việc ưu tiên trước hết là đội ngũ hậu cần. Khi ấy, để kịp mang cơm cho bệnh nhân, cả bác sĩ cũng phải đảm trách công việc này. Việc thứ 2 là đi khám bệnh từng phòng, thăm hỏi và giải thích cho bệnh nhân hiểu, vì sao họ phải cách ly tập trung.
Việc thứ 3 là tổ chức quản lý bằng cách chọn ra một bệnh nhân nhanh nhẹn làm trưởng phòng. Những người trưởng phòng sẽ hỗ trợ việc quản lý, được các bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe, phát hiện dấu hiệu nặng để chia sẻ với những người bệnh khác.
Nữ bác sĩ cũng cho hay, nhiều khi bệnh nhân làm căng, chị lại phải mềm mỏng, năn nỉ, bởi bệnh nhân thấy được sự chân thành thì sẽ tự động nghe theo chỉ dẫn.
F0 vẫn chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, vì không hết việc để làm
“Tôi chuyển dương (nhiễm Covid-19) đã 7 ngày rồi”, bác sĩ Linh tâm sự. Trước đó, chị thỉnh thoảng vẫn viết những dòng cảm xúc lên mạng xã hội, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc bị phơi nhiễm. Bởi chị không muốn người thân lo lắng và cũng sợ ảnh hưởng đến không khí chung.
Ở bệnh viện, việc nhân viên y tế bị phơi nhiễm không phải chuyện hiếm gặp. Những đồng đội trước đó của chị khi trở thành F0 đều được chuyển đi cách ly, đến lượt mình, chị nhất quyết từ chối. Bởi ở đây, chị còn có nhiều việc phải làm, để hỗ trợ đồng nghiệp và giúp đỡ bệnh nhân.
Bác sĩ Linh bày tỏ: “Khi một người 'giải giáp' (cách nói vui của đội ngũ y tế khi có người bị nhiễm Covid-19) là công việc nhân lên. Tôi không đi cách ly, dù không tiếp xúc trực tiếp thì tôi vẫn có thể làm được rất nhiều chuyện”.
Mỗi ngày, chị vẫn chỉ ngủ 4 tiếng như thường lệ. Chị lập danh sách bệnh nhân xuất viện, tư vấn cho họ đi về thế nào, ở nhà thì phải làm gì. Đối với những F0 khác, chị hỗ trợ tư vấn bệnh, thủ tục chuyển phòng cho những nhân viên y tế nhiễm bệnh... Thời gian rảnh còn lại, chị đọc tài liệu để chuẩn bị chuyển sang tầng cao hơn, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. “Nếu bảo tôi ngồi yên cũng không được, vì việc cứ tự nhiên đến”, chị Linh kể.
Ngày 8/8, chị cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ rút khỏi Bệnh viện dã chiến số 2. Kết thúc trận chiến đầu tiên trong mùa dịch Covid-19 này. Sau đó, chị có thể sẽ bước vào trận chiến mới, cam go, phức tạp hơn nơi đây.
Khánh Hòa