Bác sĩ ở TP.HCM gọi điện báo tin vui bất ngờ cho bệnh nhân
Thay vì đến cơ sở chật chội tại quận 5 (TP.HCM) của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn đến địa chỉ mới để tái khám. Cơ sở 2 được người bệnh đánh giá thoáng mát, thủ tục nhanh gọn hơn.
Sáng 20/11, bà Trần Thị Diễn (57 tuổi, Bến Tre) là một trong những bệnh nhân đầu tiên “xông đất” cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM - bệnh viện có số phận long đong và nổi tiếng vì xuống cấp, quá tải.
Theo bà Diễn, đầu tháng 11, bà gặp một tai nạn sinh hoạt và phải phẫu thuật khớp gối. Sau khi xuất viện, bác sĩ Lê Trọng Hải (phẫu thuật viên chính) vẫn thường gọi điện trao đổi, hỏi thăm tình hình người bệnh.
“Hôm cuối tuần, bác sĩ Hải điện thoại cho tôi nhắc lịch tái khám và báo tin vui là sang cơ sở 2 khám bệnh. Bác nhắn địa chỉ chi tiết ở 201 Phạm Viết Chánh, quận 1 để mình khỏi nhầm với cơ sở quận 5. Lên đến đây tôi thấy mừng vì không gian thoáng mát, thoải mái hơn bệnh viện cũ”, bà Diễn tâm sự.
Ghi nhận trong sáng nay, bệnh nhân đến khám ở cơ sở 2 còn vắng vẻ, nhân viên phòng Công tác xã hội có mặt để hỗ trợ người bệnh. Một số bệnh nhân đề nghị bệnh viện bổ sung phương án thanh toán viện phí trực tuyến bằng thẻ ngân hàng, ứng dụng trên điện thoại. Hiện, cơ sở 2 chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt.
Bác sĩ Lê Trọng Hải, Khoa Khớp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết anh đã công tác tại viện trong 5 năm. Không gian chật chội của cơ sở 1 đã quen thuộc với nhiều thế hệ y bác sĩ, người bệnh cũng gặp bất tiện khi di chuyển vì các chấn thương vùng chân, khớp, cột sống…
“Chúng tôi rất mừng vì có thêm địa chỉ để giải áp cho bệnh viện. Trước mắt, cơ sở 2 có thêm phòng khám, giường nằm, dự kiến sẽ còn có thêm phòng mổ. Không gian thoáng hơn tuy nhiên vẫn cần phải tu sửa nhiều. Khoảng cách giữa cơ sở 1 và 2 cũng gần nhau, không quá bất tiện cho người bệnh”, bác sĩ Hải nói.
Theo bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, sau 3 tuần tích cực sửa chữa, làm việc cả ngày lẫn đêm, cơ sở 2 của bệnh viện đã chính thức đi vào hoạt động vào sáng nay, 20/11. Các phòng khám, X-quang, siêu âm, bó bột, xét nghiệm… bước đầu sẽ phục vụ cho đối tượng bệnh nhân tái khám.
Bệnh viện đã xin được một số trang thiết bị, giường bệnh, tủ, bàn của Bệnh viện Dã chiến số 13 (bệnh viện Covid-19 cuối cùng của TP.HCM) để sử dụng. Việc này giúp giảm được rất nhiều chi phí mua sắm mới.
Thực tế, cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vốn là cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, đã bỏ không trong 2 năm qua. Quá trình tu sửa tốn rất nhiều công sức để đảm bảo cho thời gian và sự an toàn khi vận hành. Có thời điểm, khoảng 100 nhân công làm việc ngày đêm để đưa cơ sở này vào hoạt động.
Theo ông Đính, cơ sở 2 là tin vui cho người bệnh và y bác sĩ nhưng là giải pháp trước mắt. Bệnh viện vẫn trông chờ vào phương án xây mới tại chỗ ở cơ sở chính trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, sau khi giải quyết được ký túc xá cao đẳng Cao Thắng. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM từng gọi ký túc xá trên là “quả bom nổ chậm” sát bên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng đầu năm 2024, cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình sẽ đón được bệnh nhân nội trú. Việc này có thể giải áp được 80-100 giường bệnh và giảm 1/4 số bệnh nhân đến khám ở cở sở 1. Đây là giải pháp tạm thời nhưng rất quan trọng thời gian chờ đợi thành phố sớm có kế hoạch xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.
Như VietNamNet nhiều lần đưa tin, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM là cơ sở y tế công lập có số phận long đong khi tình trạng xuống cấp, quá tải kéo dài rất nhiều năm. Dự án xây mới bệnh viện này cũng tồn tại trên giấy 13 năm, qua 3 đời giám đốc vẫn chưa thành hiện thực.
Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng 1, tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình ở phía Nam. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 1.500-2.000 lượt khám và khoảng 700 ca nội trú. Tuy nhiên, cơ sở hơn 50 năm tuổi này luôn phải tải gần 5.000 người/ngày, bao gồm người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế, sinh viên và bác sĩ sang học tập.