Bác sĩ quân y sáng tạo bệnh án điện tử cho Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19
Để giảm bớt khối lượng công việc, thuận tiện hơn khi điều trị bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã thiết kế và đưa vào sử dụng phần mềm này.
Chia sẻ với VietNamNet, Thượng tá, PGS.TS Lương Công Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Giám đốc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 của quân đội tại Bắc Giang cho biết, phần mềm đi vào hoạt động từ ngày 24/5, chỉ 3 ngày sau khi Bệnh viện dã chiến đón bệnh nhân đầu tiên.
Thời gian đầu, số ca Covid-19 chuyển từ các nơi về Bệnh viện rất lớn, có ngày lên tới 130 trường hợp nhập viện. Khối lượng công việc của các y bác sĩ vì thế cũng nhân lên. Mặc đồ bảo hộ cấp 4 nhiều giờ liên tục trong buồng bệnh, ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến không ít người kiệt sức.
“Lúc ấy, chúng tôi xác định phải tìm được cách tối ưu hóa quản lý công việc, giảm bớt sức cho nhân viên y tế và thuận tiện cho điều trị”, PGS. Thức nói.
Ngay lập tức, ông trao đổi cùng một số bác sĩ am hiểu về công nghệ thông tin tại Bệnh viện, lên kế hoạch viết phần mềm dựa trên cơ sở mã nguồn mở, cấu trúc giống như bệnh án điện tử. Sau một đêm trắng, các bác sĩ đã hoàn thiện bản chạy thử. Đến hôm sau, phần mềm chính thức được đưa vào sử dụng.
Theo PGS. Lương Công Thức, điều trị bệnh nhân Covid-19 đòi hỏi thực hiện trong khu cách ly rất nghiêm ngặt. Tại Bệnh viện dã chiến, bác sĩ, điều dưỡng vào buồng bệnh chỉ liên lạc với phía ngoài bằng bộ đàm một chiều.
Thông thường, khi khám xong, bác sĩ ghi chép vào bệnh án, sau đó cập nhật thêm các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu (từ các Khoa cận lâm sàng gửi vào). Bệnh án trong khu điều trị không mang ra ngoài để tránh nguy cơ lây nhiễm. Nếu muốn xem lại, nhân viên y tế phải viết một bản mới khi đã hết ca, khử khuẩn sạch sẽ hoặc phải chụp lại bệnh án để mang ra ngoài.
Với phần mềm quản lý công việc này, bác sĩ trực tiếp nhập toàn bộ dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người bệnh qua điện thoại. Tất cả triệu chứng thường gặp liên quan Covid-19 đã viết sẵn, người nhập chỉ cần tích vào các ô trên ứng dụng. Chỉ số mạch, nhiệt độ sau cập nhật tự động chuyển thành bảng biểu để dễ dàng theo dõi.
Các Khoa cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm,…) cũng sẽ đẩy trực tiếp kết quả lên, tạo thành cơ sở dữ liệu chung.
Khi mở phần mềm, tất cả bác sĩ đều nắm được hết thông tin, diễn tiến của bệnh nhân. Thậm chí về phòng nghỉ ngơi, bác sĩ vẫn có thể bổ sung, chỉnh sửa dữ liệu thay vì phải hoàn thiện trên bệnh án giấy như trước đây.
PGS. Thức nhấn mạnh, sáng kiến này giúp giảm thời gian ghi chép, khối lượng công việc chung cho nhân viên y tế trong điều kiện có rất đông bệnh nhân. Từ đó, thời gian làm ca kíp của các y bác sĩ cũng giảm dần.
Tất cả dữ liệu liên quan quá trình điều trị đều được số hóa, thuận lợi để theo dõi và đặc biệt có ích trong hội chẩn.
“Ở các bệnh viện bình thường, Ban Giám đốc, Trưởng khoa sẽ đến tận nơi thăm khám, cùng đánh giá, đưa ra hướng xử lý. Tuy nhiên, để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, nơi đây chỉ có một vài bác sĩ vào trong buồng bệnh.
Với ứng dụng công nghệ thông tin này, Hội đồng chuyên môn vòng ngoài, thậm chí các chuyên gia tại Hà Nội đều có thể truy cập cơ sở dữ liệu chung để hội chẩn, cho ý kiến dựa trên các dữ liệu cập nhật”, PGS. Thức nói
Do chạy trên mã nguồn mở, phần mềm hiện tiếp tục được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 bổ sung, hoàn thiện.
Được biết, mỗi bác sĩ vào kíp trực sẽ nhận một điện thoại thông minh riêng, đặt sẵn trong phòng trực để thao tác. Những chiếc điện thoại này chỉ để ở khu điều trị, không đưa ra bên ngoài nhằm phòng tránh lây nhiễm. Kết thúc ca trực, nhân viên y tế có thể sử dụng điện thoại hoặc máy tính cá nhân truy cập vào cơ sở dữ liệu.
Do mặc đồ bảo hộ thời gian dài, hơi nước thường làm phần kính bảo hộ mờ đi, gây khó nhìn khi thao tác. PGS. Thức cho biết nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa các trường trên phần mềm rộng hơn để khắc phục tình trạng này.
Bệnh viện Dã chiến Truyền nhiễm số 2 Bắc Giang được Bệnh viện Quân y 103 tổ chức, triển khai từ ngày 19/5, bắt đầu đón bệnh nhân từ 21/5. Tới nay, Bệnh viện đã thu dung 324 bệnh nhân Covid-19, trong đó ngoài các trường hợp khỏi bệnh hoặc chuyển viện, còn 304 bệnh nhân đang điều trị.
Trường hợp nhỏ tuổi nhất chỉ 6 tháng tuổi, ca bệnh lớn tuổi nhất là 87 tuổi. Nhiều người khác có tình trạng viêm phổi, mắc bệnh lý nền như suy thận, tăng huyết áp, đái tháo đường,…
Có hơn 70 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 ở vòng trong, khoảng 70 người thuộc các lực lượng khác phục vụ vòng ngoài.
PGS. Thức cho hay, khó khăn lớn nhất với Bệnh viện hiện đến từ yếu tố ngoại cảnh, do điều kiện thời tiết nóng nực khiến nhân viên y tế dễ mất nước, mệt mỏi. Tuy nhiên, Ban Giám đốc đã có những giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho y bác sĩ:
“Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp bù nước, điện giải, chống say nóng cho anh em. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý công việc ra đời đã giúp các ca trực ngắn đi, nhân viên y tế đỡ mất sức hơn khi làm việc”, PGS. Thức nói.
Nguyễn Liên