Bác sĩ vùng cao- Bài 1: Vượt núi, băng rừng đến với bệnh nhân nghèo
Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, nhiều thầy thuốc đã không quản ngại khó khăn để hướng về đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ NHỮNG BÁC SĨ CHỌN NƠI KHÓ KHĂN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
LTS: Được đào tạo bài bản, ra trường với cơ hội rộng mở, nhưng nhiều bác sĩ trẻ đã bỏ lại sau lưng các cám dỗ, xung phong về vùng khó khăn ở tuyến xã miền núi để khám, chữa bệnh cho bà con dân bản.
Bác sĩ tình nguyện về vùng cao, đến với những bệnh nhân nghèo
Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, nhiều bác sĩ đã không quản ngại khó khăn để hướng về đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Vượt khó, hết mình nơi tâm dịch vùng biên
Hết 14 ngày thực hiện việc cách ly, theo dõi sức khỏe của những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong do bạch hầu, khi không ghi nhận ca bệnh mới thì bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Trạm y tế xã Phà Đánh, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, mới dám thở phào nhẹ nhõm như trút đi gánh nặng lâu nay.
"Hơn chục ngày nay, tôi gần như ở luôn trạm y tế chứ không về nhà nữa. Bởi ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã lập tức tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ngay trong buổi tối. Sau đó thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe hằng ngày và cho uống thuốc dự phòng tất cả các trường hợp tiếp xúc với người bệnh", chị Huệ nói.
Ban đêm đến từng nhà lập danh sách, ban ngày các nhân viên Trạm y tế xã Phà Đánh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm, phun hóa chất khử trùng, cách ly những người liên quan.
Điều đáng nói, từ trước đến nay, mặc dù Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm, nhưng trên địa bàn chưa từng ghi nhận trường hợp tử vong do bạch hầu. Vì vậy, bệnh nhân P.T.C (18 tuổi, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) tử vong vào ngày 4/7 vừa qua là trường hợp đầu tiên.
Khối lượng công việc nhiều, nhưng với mong muốn ngăn ngừa dịch, nên chị Huệ và tất cả mọi người đều nỗ lực hết mình. Một phần may mắn, tại xã Phà Đánh, còn có bác sĩ Cự Bá Chống (SN 1995) sau khi tốt nghiệp y đa khoa, trường Đại học Y khoa Vinh, cũng đã về công tác trên địa bàn cách đây 2 năm. Với sức trẻ, lại được đào tạo chính quy, bác sĩ Chống là người năng nổ nhất đi từng bản, gõ cửa từng nhà để phòng chống dịch.
"Trải qua dịch Covid-19, các y bác sĩ ở trạm đã có kinh nghiệm phản ứng nhanh. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường vận động bằng tiếng Việt, tiếng địa phương cho người dân đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh", Trưởng Trạm y tế xã Phà Đánh cho biết thêm.
Phà Đánh là một xã miền núi có 4 dân tộc cùng sinh sống đó là dân tộc Thái, Khơ mú, Kinh và Tày. Mặc dù ngành y tế đã tổ chức tiêm chủng lưu động tại các bản làng và hộ gia đình hằng tháng, nhưng do nhận thức của một bộ phận người dân không muốn và không đưa trẻ đi tiêm phòng. Vì vậy, tỉ lệ tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu rất thấp.
"Làm y tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Phà Đánh thì chúng tôi luôn phải đi vào các bản làng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tiêm chủng. Dù đã được trạm y tế và y tế thôn bản thông báo lịch tiêm chủng, nhưng phải đến tận nhà thì họ mới chịu đi. Nhiều sự vất vả không thể kể hết bằng lời, tuy nhiên chúng tôi chỉ hi vọng nâng cao được sức khỏe cho người dân nơi đây", chị Huệ nói.
Bác sĩ từ bỏ thành thị, tình nguyện về vùng khó
Bác sĩ Sầm Thành Tài (SN 1993), Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp là một trong những bác sĩ trẻ nhất giữ chức vụ trạm trưởng tại cơ sở xã. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp ngành Y đa khoa tại trường Đại học Y khoa Vinh, Tài đã lập tức trở về quê nộp đơn xin việc dù có nhiều cơ hội ở thành phố.
"Tôi sinh ra ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến nhiều người dân phải vất vả đi hàng chục cây số ra bệnh viện để chữa bệnh, do các trạm y tế xã không có thuốc, cũng không có bác sĩ. Vì vậy, sau khi học xong thì tôi đã về quê với hi vọng đóng góp một phần nhỏ bé cải thiện sức khỏe cho người dân", bác sĩ Tài nói.
Ban đầu, bác sĩ Tài được phân công về xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp công tác. Được đào tạo bài bản, lại là người dân tộc Thái, bác sĩ Tài có nhiều thuận lợi để thực hiện công tác y tế tại xã khó khăn này. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã được người dân tin tưởng, số lượng bệnh nhân đến trạm y tế xã đã tăng đột biến so với trước đây.
Một trong những kỷ niệm khó quên nhất của bác sĩ Tài là thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Tại tuyến y tế cơ sở kiêm nhiệm nhiều công việc, nên anh luôn phải túc trực tại trạm, làm việc cả ngày lẫn đêm, không có ngày nghỉ. Khi nhận thông tin có công dân từ vùng dịch trở về, anh và đồng nghiệp lập tức đi xuống tận thôn bản, bất kể thời tiết, ngày hay đêm.
"Tuy khó khăn về nhân lực, quá tải trong công việc, thường xuyên phải trực 24/24 giờ mỗi ngày, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo tốt công việc, góp sức vào việc điều trị thành công cho các F0 điều trị tại nhà với tỷ lệ khỏi bệnh cao", bác sĩ Tài kể.
Tháng 4/2022, bác sĩ Tài tiếp tục được phân công về xã Nghĩa Xuân giữ chức trạm trưởng cho đến nay. Cũng từ đó, anh bước tiếp một hành trình mới, ngoài thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; thì còn quản lý sức khỏe cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Theo bác sĩ Tài, khó khăn tại các trạm y tế xã là cơ sở vật chất còn thiếu, mặc dù đây là tuyến thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Vì vậy, nếu có các trang thiết bị hiện đại thì trạm y tế xã sẽ phát huy hiệu quả hơn trong tuyến đầu phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
"Trạm y tế xã vốn có chức năng trực tiếp sàng lọc bệnh tật, khám chữa bệnh và đảm bảo y tế dự phòng trên địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi không có những máy móc để thực hiện việc đấy. Đơn cử nếu như trạm y tế xã có 1 máy soi tai mũi họng thì chẩn đoán các bệnh lý cho người dân nhanh hơn", bác sĩ Tài cho hay.
Ngành Y tế Nghệ An đang thiếu khoảng hơn 5.000 nhân lực ở các tuyến, đặc biệt nhân lực có trình độ cao. Trong đó, đối với các đơn vị bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực. Còn đối với các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 (chủ yếu các trung tâm y tế, trạm y tế và một số bệnh viện đặc thù) thiếu 1.448 nhân lực.
Bài 2: "Tấm lá chắn" bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng khó khăn