Bắc Sơn: Cần nâng cao hiệu quả công tác biên soạn lịch sử đảng cấp xãTin khácỨng dụng công nghệ trong quản lý cán bôỰ́ng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm phục vụ hành chính công: Lợi cho người dân, tiện cho đơn vị

Hiện nay, trong khi các huyện, thành phố cơ bản đã hoàn thành những cuốn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn thì công tác này ở huyện Bắc Sơn đang chậm so với kế hoạch đề ra.

Thực hiện Kết luận số 112-KL/TU ngày 5/1/2017 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy “về tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống”, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Sơn đã tham mưu cho BTV Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 112-KL/TU; ban hành Kế hoạch số 41-KH/HU ngày 24/1/2017 về tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Đồng Ý (bên trái) trao đổi với Bí thư Chi bộ thôn Hợp Nhất về việc sưu tầm tài liệu phục vụ công tác biên soạn lịch sử đảng bộ xã

Lãnh đạo Đảng ủy xã Đồng Ý (bên trái) trao đổi với Bí thư Chi bộ thôn Hợp Nhất về việc sưu tầm tài liệu phục vụ công tác biên soạn lịch sử đảng bộ xã

Cùng đó, BTV Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ xã theo kế hoạch. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, đến nay, công tác này chậm so với các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, toàn huyện mới có 9/18 xã, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ truyền thống, còn lại các xã như: Tân Thành, Nhất Tiến, Nhất Hòa, Đồng Ý, Tân Hương, Chiêu Vũ, Tân Tri, Vạn Thủy… vẫn đang trong quá trình thực hiện các bước để nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách.

Đơn cử như tại xã Vũ Lễ, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng được triển khai từ năm 2015 nhưng đến năm 2019 mới có thể xuất bản sách. Ông Dương Đình Bích, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Quá trình thực hiện công tác biên soạn lịch sử đảng bộ của xã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc phối hợp giữa Đảng ủy xã với đơn vị chủ trì biên soạn và xuất bản chưa được nhuần nhuyễn, đồng bộ; các bản thảo còn nhiều sai sót, chất lượng thấp… nên ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản theo đúng kế hoạch.

Hay như tại xã Chiêu Vũ, từ năm 2019, xã bắt đầu thu thập tư liệu để phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử đảng bộ xã. Tuy nhiên, các tư liệu từ giai đoạn trước xã không lưu trữ được nhiều, buộc phải tìm lại ở các kho lưu trữ của huyện, tỉnh… dẫn đến việc mất nhiều thời gian. Hơn nữa, các lão thành cách mạng, nhân chứng sống ở xã hiện nay không còn nhiều nên quá trình khai thác thông tin gặp khó khăn.

Ông Dương Hữu Đảng, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Vũ cho biết: Một nguyên nhân khác là hiện nay xã chưa chủ động được kinh phí nên cũng ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thực hiện. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với đơn vị chủ trì biên soạn tiến hành chuẩn bị các nội dung để tổ chức hội thảo cuốn sách lần thứ nhất.

Những khó khăn ở hai xã kể trên cũng là những khó khăn chung trong thực hiện công tác biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Ngoài những nguyên nhân trên, còn những lý do khác như: một số đảng ủy xã chưa chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, chuẩn bị đầy đủ tư liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn theo lộ trình kế hoạch đề ra. Ngoài ra, công tác lưu trữ tài liệu ở cơ sở chưa được khoa học, nhiều nguồn tài liệu bị thất lạc, bị mất, thiếu chính xác; nhân chứng, tài liệu không nhiều, không được khai thác đầy đủ…

Bà Mai Thị Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cho biết: Nhìn nhận những khó khăn, hạn chế đó, ban tham mưu cho BTV Huyện ủy đã đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác biên soạn lịch sử đảng, nhất là đối với cấp xã. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phân công 1 đồng chí Phó trưởng ban và 1 chuyên viên phụ trách công tác lịch sử đảng để hướng dẫn đảng ủy các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể triển khai công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu biên soạn lịch sử.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2022, BTV Huyện ủy thành lập Hội đồng thẩm định các công trình lịch sử Đảng bộ xã và thị trấn, lịch sử truyền thống các ngành… gồm 5 đồng chí trực tiếp thẩm định bản thảo trước khi xuất bản. Công tác này góp phần nâng cao chất lượng bản thảo, tránh sai sót, đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Song song với đó, BTV Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các đơn vị liên quan cân đối nguồn ngân sách cấp kinh phí cho các xã để triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ xã theo kế hoạch. Cùng đó là chỉ đạo các xã đưa việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ vào nghị quyết của cấp ủy để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nội dung này.

THANH MAI

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/498326-bac-son-can-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bien-soan-lich-su-dang-cap-xa.html