Bắc Sơn (Lạng Sơn) nỗ lực chuyển mình để trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực chuyển mình để trở thành 'Xứ sở vàng - Ngàn trải nghiệm' hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời từng bước đưa du lịch thành ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định Việt Nam có 7 vùng du lịch. Chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang là một trong 7 vùng du lịch quốc gia.

Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, Chiến khu Việt Bắc lưu giữ hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó có những di tích cách mạng, các địa danh gắn liền với lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt.

Huyện Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, tức thuộc vùng du lịch Chiến khu Việt Bắc. Ở phương diện lịch sử, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 chống Nhật, Pháp là một trong những sự kiện cách mạng tiêu biểu của nhân dân ta. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng vào quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sau này. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 29 khu, điểm di tích, trong đó có 1 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt (gồm 12 điểm di tích), 3 điểm di tích quốc gia.

 Làng du lịch Quỳnh Sơn. Địa điểm du lịch Bắc Sơn này nằm cách trung tâm thành phố 80km. Địa hình đặc sắc với các hang động, núi đá vôi, thung lũng bằng phẳng cho vẻ đẹp hoang sơ, bạt ngàn. Các ngôi nhà sàn theo lối nhà sàn truyền thống hài hòa với không gian núi rừng.

Làng du lịch Quỳnh Sơn. Địa điểm du lịch Bắc Sơn này nằm cách trung tâm thành phố 80km. Địa hình đặc sắc với các hang động, núi đá vôi, thung lũng bằng phẳng cho vẻ đẹp hoang sơ, bạt ngàn. Các ngôi nhà sàn theo lối nhà sàn truyền thống hài hòa với không gian núi rừng.

 Bình minh Quỳnh Sơn, Bắc Sơn

Bình minh Quỳnh Sơn, Bắc Sơn

 Vườn quýt Hang Hú nổi bật với khung cảnh những cây quýt cổ hơn 40 năm tuổi. Để tới thăm địa điểm du lịch Bắc Sơn nức tiếng này, du khách phải men theo những phiến đá chênh vênh núi cao 5-7m. Len lỏi qua các vách đá là thảm thài lài tía, dây leo và cây rừng.

Vườn quýt Hang Hú nổi bật với khung cảnh những cây quýt cổ hơn 40 năm tuổi. Để tới thăm địa điểm du lịch Bắc Sơn nức tiếng này, du khách phải men theo những phiến đá chênh vênh núi cao 5-7m. Len lỏi qua các vách đá là thảm thài lài tía, dây leo và cây rừng.

 Dưới ánh nắng mặt trời, từng quả quýt nặng trĩu khiến người tham quan không khỏi xuýt xoa. Các lán trại gần lối vào đáp ứng nhu cầu nghỉ chân và thưởng thức đặc sản địa phương. Ngoài việc thưởng cảnh đẹp, chụp ảnh, du khách còn có cơ hội nếm thử quýt miễn phí.

Dưới ánh nắng mặt trời, từng quả quýt nặng trĩu khiến người tham quan không khỏi xuýt xoa. Các lán trại gần lối vào đáp ứng nhu cầu nghỉ chân và thưởng thức đặc sản địa phương. Ngoài việc thưởng cảnh đẹp, chụp ảnh, du khách còn có cơ hội nếm thử quýt miễn phí.

Bắc Sơn là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Năm 1924 - 1925, các nhà khảo cổ H. Mansuy và M.CoLani đã phát hiện ra di chỉ đầu tiên minh chứng cho sự hiện diện của một nền văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại đá mới, nảy sinh từ trong lòng văn hóa Hòa Bình, có niên đại cách đây khoảng 1 vạn năm. “Văn hóa Bắc Sơn” được gọi tên từ đó và mang nhiều đặc điểm và giá trị phổ quát.

Bắc Sơn còn là vùng đất đa sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông... cùng nhau sinh sống. Dân tộc Tày chiếm 80% dân số của Bắc Sơn nên có thể coi họ là chủ thể của Văn hóa Bắc Sơn.

Trải qua nhiều thế hệ, người Tày ở Bắc Sơn đã tạo nên hệ thống văn hóa vật thể phong phú gồm nhà sàn truyền thống, đình, đến, miếu… và các giá trị văn hóa phi vật thể như: Hát Then, hát Lượn, hát Shi, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Ná Nhèm, tập tục ăn, ở, mặc, kinh nghiệm sản xuất, ứng xử, tín ngưỡng dân gian…

Ná Nhèm là lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất của người Tày ở Bắc Sơn, được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm. Với nghi thức bôi nhọ mặt và hóa trang, đây là nghi lễ thờ cúng thần Cao Sơn, Quý Minh, Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết gắn với sự tích đánh giặc giữ làng, giữ nước. Lễ hội cũng thu hút được sự chú ý của người dân với nghi thức thờ cúng và rước sinh thực khí - một biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực rất phổ biến trong cộng đồng cư dân nông nghiệp.

Đến Bắc Sơn, du khách có thể tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu âm nhạc dân gian, những tiết mục dân vũ đặc trưng của các bản làng người dân tộc thiểu số... kết hợp thăm quan các thắng cảnh, đồng thời hòa mình trải nghiệm cuộc sống hàng ngày với đồng bào, vui chơi tại các phiên chợ vùng cao, mua sắm các sản vật địa phương.

Được biết, thời gian qua, huyện đã ban hành và tổ chức thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Sau 5 năm thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có 9 điểm du lịch gồm 3 điểm du lịch cộng đồng; 2 điểm du lịch sinh thái; 4 điểm du lịch lịch sử, văn hóa, 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch gồm: 1 khách sạn, 10 nhà nghỉ, 18 hộ kinh doanh dịch vụ homestay.

Hiện nay, huyện Bắc Sơn đang tập trung xây dựng 2 vùng du lịch trọng điểm là xã Bắc Quỳnh - nơi lưu giữ nhiều giá trị bản sắc văn hóa của người Tày và xã Chiến Thắng - nơi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Các sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên khai thác tối ưu những giá trị về di sản văn hóa, kiến trúc và tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng, gắn với bảo tồn để thu hút khách; khuyến khích người dân tham gia, xây dựng và hưởng lợi ích từ các hoạt động du lịch. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển du lịch, ngoài quyết tâm của địa phương thì sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Lạng Sơn thông qua các cơ chế, chính sách là rất quan trọng.

Bà Đỗ Thanh Loan - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bắc Sơn phấn khởi cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, huyện đã đăng ký và được chấp thuận dự án bảo tồn làng nghề truyền thống, với số vốn đầu tư 6 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên có một nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa nhận được sự đầu tư lớn, có trọng tâm, trọng điểm từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phòng Văn hóa - Thông tin rất hy vọng dự án được triển khai thành công sẽ là tiền đề để bản sắc văn hóa dân tộc có điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển - bà Loan chia sẻ.

Về phía tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động, kinh doanh trong các điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận; trong các khu vực được HĐND tỉnh, UBND tỉnh có chủ trương, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng theo quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh được phê duyệt; Đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; Có văn bản cam kết thực hiện kinh doanh du lịch cộng đồng ít nhất 5 năm, kể từ thời điểm nhận được hỗ trợ đầu tư, có xác nhận của chính quyền địa phương sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch cộng đồng.

Với nhiều giải pháp đúng đắn, Bắc Sơn đang nỗ lực chuyển mình để trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-son-lang-son-no-luc-chuyen-minh-de-tro-thanh-diem-du-lich-hap-dan-post237262.html