Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam: Bị chúa Trịnh bắt giam vì nghi làm phản

Trong lịch sử khoa bảng của Việt Nam, ông là trạng nguyên cuối cùng vì các khoa thi sau không ai đỗ trạng nguyên.

Theo “Trịnh Vương ngọc phả”, trạng nguyên Trịnh Huệ (1704) còn có tên là Trịnh Tuệ, là cháu đời thứ 4 của chúa Trịnh Tùng. Ông quê ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tình Thanh Hóa bây giờ. Sau dời cư về Bất Quần, tức xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương ngày nay.

Tuy thuộc dòng dõi nhà chúa quyền thế, song từ nhỏ Trịnh Huệ đã thể hiện là đứa trẻ thông minh, cần cù chịu khó học hành. Lớn lên ông dốc sức học tập dùi mài kinh sử mong chiếm được bảng vàng. Người xưa từng nói:“Trịnh Huệ liếc mắt qua một lượt thuộc ngay mười hàng chữ, chục năm sau có thể đọc lại vanh vách”.

Năm 1723, dưới thời vua Lê Dụ Tông, Trịnh Huệ thi Hương lần đầu và đỗ Hương Cống, được chúa Trịnh Giang mời vào cung Tân Nhân giao cho chức phó Tri Hình Phiên. Đến năm 1736, Trịnh Huệ đỗ trạng nguyên. Sau khoa thi này, dưới triều Lê Trung Hưng, có gần hai chục lần thi Đình nữa, song không có ai đỗ trạng nguyên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lúc đầu, ông làm quan chức Sơn Nam thừa Chánh sứ rồi đến Thượng thư Bộ Hình. Vài năm sau lại được thăng chức Tham tụng - một chức quan ngang tể tướng trong triều.

Tên và quê quán của Trạng nguyên Trịnh Tuệ được khắc trên bia Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736)

Tên và quê quán của Trạng nguyên Trịnh Tuệ được khắc trên bia Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736)

Đến năm 1740, Trịnh Huệ bị chúa Trịnh Doanh bắt giam vào ngục vì nghi ông về phe với Hoàng Công Phụ để làm phản. Năm 1741, Chúa xét thấy ông bị oan đã tha bổng và phong ông làm Tế Tửu Quốc tử giám. Học vấn và tài năng của ông được người đời trọng dụng, nhưng ông gặp không ít gian truân.

Do đường quan lộ thăng tiến nhanh, lại là con cháu nhà chúa nên Trịnh Huệ bị nhận xét là không có tài, vì dòng dõi nhà Chúa nên mới được lấy đỗ trạng. Giai thoại kể rằng, trước những lời dị nghị, đồn đại ảnh hưởng đến uy tín của mình, Trịnh Huệ đã nói với mọi người rằng:“Tôi đỗ nhất Tam khôi mà lại nói là Vương phủ thiên vị thì còn gì gọi là văn chương nữa. Để khỏi nghi ngờ xin chư vị đem các câu hỏi khó ở bất cứ trong sách nào về kinh, sử, y học bói toán thì đem đến tôi xin trả lời hết”.

Nhiều người đến hỏi đã được ông giải đáp. Riêng có một phụ nữ nêu ý kiến:“Chiếc đũa là vật thiêng không có chân, lúc thì gẫy, lúc thì mất. Vậy nó chạy đi đâu, ở trong kinh điển nào?”

Trịnh Huệ mỉm cười, khoan thai đọc hai câu thơ của Lê Thánh Tông:“Trời còn giành để An Nam mượn/Vạch chước binh Ngô mãi mới vừa”.Rồi ông nói tiếp:“Đó chẳng phải là câu thơ của Lê Thánh Tông bản Triều Vịnh núi Chiếc Đũa, nơi khởi phát đế nghiệp mở ra công cuộc bình Ngô của nước ta hay sao? Núi Chiếc Đũa không có chân mà chạy về góc đó”.

Trước câu trả lời trên, mọi người đều bái phục về sự thông minh và hiều biết rộng của ông. Quả thực ở Thanh Hóa, nơi cửa biển Thần Phú (nay thuộc địa phận làng Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn) có ngọn núi đứng một mình tên chữ là “Chính Trợ Sơn” gọi nôm là núi Chiếc Đũa, đã có tên trong sách vở.

Chắc hẳn, người phụ nữ hỏi về núi Chiếc Đũa nhằm mục đích thử trạng nguyên Trịnh Huệ kiến thức có thật sâu rộng không, cả kiến thức sách vở và kiến thức thực tế về núi Chiếc Đũa ở ngay tại quê hương ông.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-trang-nguyen-cuoi-cung-trong-lich-su-khoa-bang-viet-nam-bi-chua-trinh-bat-giam-vi-nghi-lam-phan/20241104090445076