Bác sỹ cảnh báo những biến chứng từ bệnh cúm mùa
Cúm là bệnh hô hấp đặc trưng của mùa Đông Xuân do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C gây nên. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng với trẻ em, người lớn tuổi-đặc biệt là người có bệnh mãn tính thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và tử vong.
Gia tăng trẻ em mắc cúm A
Thời gian gần đây, số trẻ được đưa đến các cơ sở điều trị do bệnh cúm A được ghi nhận có sự gia tăng. Thậm chí một số trẻ có biểu hiện sốt cao, co giật, biến chứng lên não.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương, trong vòng hơn 2 tháng qua có 820 trẻ nhập viện. Riêng tháng 11, gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện, tăng 10%-20% so với trước. Các bác sỹ cho biết, miền Bắc trở lạnh, bệnh nhi mắc cúm, đặc biệt là cúm A tăng mạnh. Nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm não. Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em đã phải dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác đề phòng lây chéo trong BV.
TS. Ðỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, BV Nhi Trung ương cho biết, khoa mới tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhi 9 tuổi ở Thái Bình do có biểu hiện sốt cao li bì kèm co giật. Kết quả xét nghiệm của trẻ nhiễm virus cúm A. Trẻ bị cúm A gây biến chứng lên não, khi mới nhập viện trẻ không ngồi dậy được, nhận thức cũng kém. Sau 6 ngày điều trị bệnh nhi mới đi lại được.
Còn tại BV Đa khoa Xanh-Pôn, TS-Bác sỹ Ngô Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Nhi tổng hợp cho biết, thời tiết giao mùa nên tỷ lệ bệnh nhi đến khám do sốt và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp tăng lên rất rõ rệt. Từ Trung tâm công nghệ cao đến phòng khám của BV số lượng bệnh nhi đến khám tăng lên gấp 2-3 so với ngày thường. Trong đó bệnh hay gặp nhất là cúm mùa: cúm A, cúm B đặc biệt cúm A tỷ lệ tăng lên rất rõ rệt.
Hiện trong khoa đang có 20 bệnh nhân viêm phổi, viêm phế quản phổi do cúm A. Ngoài ra, bên cạnh đó có một số bệnh nhân có một số biến chứng khác có biểu hiện như viêm cơ.
Bé V. 5 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội đã bị ho hung hắng, chảy nước mũi kéo dài khoảng 3 ngày nhưng do nghĩ con mắc bệnh xổ mũi thông thường nên gia đình vẫn cho trẻ đi học. Đến khi cô giáo gọi điện thông báo gia đình đến đón vì con bị sốt, mẹ bé vội đến nơi thì thấy con đang sốt cao kèm co giật. Vào BV Đa khoa Xanh-Pôn trẻ được xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A kèm biểu hiện viêm cơ không thể tự đi lại được.
TS-bác sỹ Thu Hương cho biết, khi trẻ bị cúm A biểu hiện ban đầu vẫn là sốt cao kèm ho khò khè, có thể chảy nước mắt, mũi viêm kết mạc mắt. Trẻ nhỏ mắc cúm A có nguy cơ sốt cao kèm co giật cũng như sốt cao, rét run nhưng rất khó hạ sốt... Bên cạnh đó một số bệnh nhi mắc cúm A còn kèm theo ho và biểu hiện viêm đường hô hấp trên rõ rệt.
Với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi trong trường hợp sốt cao quá thường kèm co giật. Với những trẻ có bệnh nền, cơ địa có sức đề kháng kém thì rất dễ biến chứng viêm phế quản, phổi.
Biến chứng viêm phổi, não, cơ tim
TS. Đỗ Thiện Hải thông tin, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho… Bệnh cúm thường gặp ở Việt Nam và các nước trong khu vực do virus cúm A và B, có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng.
Bệnh cúm gây viêm đường hô hấp hay gặp nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, nhưng đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.
Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi, đủ tuổi tiêm vắc-xin ngừa cúm nhưng hầu hết số trẻ này chưa được gia đình cho đi tiêm. Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10. Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dương tính.
Để tránh các biến chứng có thể xảy ra, TS-BS Thu Hương khuyến cáo, các gia đình cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ của con, sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như dùng các dòng thuốc hạ sốt như paracetamol. Bên cạnh đó các bố mẹ nên thực hiện việc chườm cho trẻ nếu bị sốt tránh tình trạng để trẻ sốt cao gây hiện tượng rét run hoặc co giật.
TS. Đỗ Thiện Hải cho rằng, cúm là bệnh đặc trưng mùa Đông-Xuân, số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Để phòng bệnh ngoài ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, trẻ tốt nhất nên được tiêm vắc-xin cúm và đeo khẩu trang, cách ly.
Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống cúm mùa người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc-xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bac-sy-canh-bao-nhung-bien-chung-tu-benh-cum-mua-220922.html