Bác sỹ khuyến cáo cấp cứu đúng cách tai biến do lặn biển

Mới đây, Bệnh viện Quân y 87 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận một ca bệnh lớn tuổi bị tai biến do lặn biển.

Một ca điều trị tai biến do lặn phải thở oxy trước khi đưa tiến hành điều trị oxy cao áp tích cực. Ảnh: TTXVN phát

Một ca điều trị tai biến do lặn phải thở oxy trước khi đưa tiến hành điều trị oxy cao áp tích cực. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhân này có thâm niên trên 20 năm lặn biển để khai thác hải sản. Trong quá trình lặn biển ở độ sâu 45m, thiết bị có vấn đề nên dẫn đến tai nạn. Bệnh nhân được thực hiện sơ cấp cứu ban đầu, tuy nhiên vẫn chưa đúng cách và thời gian vào viện muộn (giờ thứ 14 sau khi gặp nạn). Hiện tại, bệnh nhân trong tình trạng liệt 2 chi dưới, bí tiểu và đang được điều trị oxy cao áp tích cực.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Cường, Khoa Y học Hải quân, Bệnh viện Quân y 87, điều trị cao áp là phương pháp đặc hiệu đối với các ca bệnh là ngư dân, thợ lặn bị tai nạn trong quá trình lặn biển. Mức độ phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc vào việc sơ cứu ban đầu, thời gian vào viện và thời gian điều trị oxy cao áp. Ba yếu tố trên nếu kết hợp đúng và nhanh, tỷ lệ phục hồi sẽ đạt tỷ lệ cao, ít di chứng.

Trên thực tế, còn rất nhiều thợ lặn chịu di chứng nặng nề vì tai biến lặn do không được sơ cấp cứu ban đầu, điều trị không kịp thời và không đúng phương pháp. Tỷ lệ tai biến cao hầu hết ở các thợ lặn không tuân thủ quy trình an toàn lặn, một phần do thiếu hiểu biết và một phần do chính sự chủ quan của thợ lặn.

Bác sĩ Trần Văn Cường cũng khuyến cáo, khi ngư dân gặp tai nạn do lặn cần thực hiện sơ, cấp cứu tái tăng áp đúng cách và đúng phác đồ. Không lặn khi sức khỏe không đảm bảo (có dấu hiệu cảm cúm, mệt mỏi…), có chất kích thích trong người, thời tiết quá lạnh, nước biển có dòng hải lưu…

Khi lặn biển, người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc lặn, không nên lặn quá 2 lần/ngày, thời gian ở dưới đáy tốt nhất là 30 phút trở lại, độ sâu lần lặn sau bao giờ cũng phải nông hơn và thời gian ngắn hơn lần lặn trước, độ tuổi thích hợp lặn biển khoảng từ 20 - 40.

Một ca điều trị oxy cao áp tích cực tại Bệnh viện Quân y 87. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Một ca điều trị oxy cao áp tích cực tại Bệnh viện Quân y 87. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Bác sĩ Quách Hoàng Kiên, Phó Chủ nhiệm Khoa Y học Hải quân, Bệnh viện Quân y 87 cho biết, tai biến lặn biển là bệnh lý phổ biến ở ngư dân vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ.

Bệnh nhân bị tai biến lặn ở biểu hiện nhẹ giảm áp chiếm 80-85% số ca nhập viện. Còn lại nằm ở trường hợp nặng rơi vào tình trạng chấn thương do áp suất (vỡ phổi, vỡ tim). Đối với bệnh nhân giảm áp nhẹ sẽ có biểu hiện dị ứng trên da, cơ xương khớp và tự điều trị tại nhà; trường hợp giảm áp ở mức độ nặng hơn, bệnh nhân thường bị tức ngực, gây yếu, liệt hai chi, rối loạn cơ, liệt nửa người, tổn thương đa cơ quan và có thể tử vong.

Do đó, khi bệnh nhân gặp tai biến do lặn cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, trước 6 giờ sau tai nạn thì công tác điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Rất nhiều ca bệnh tai biến do lặn nhờ phương pháp điều trị oxy cao áp, tập phục hồi chức năng tại bệnh viện đã phục hồi hoàn toàn sức khỏe.

Bệnh viện Quân y 87 là bệnh viện có trung tâm điều trị oxy cao áp lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến oxy cao áp tại Viện Y học biển Việt Nam. Năm 2024, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị khoảng 100 ca bệnh tai biến liên quan đến lặn biển.

Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/bac-sy-khuyen-cao-cap-cuu-dung-cach-tai-bien-do-lan-bien-20250220162221520.htm