PGS Nguyễn Lân Hiếu vạch trần 'chiêu lừa' lọc máu ngừa đột quỵ
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một phương pháp hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến nay chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng.

Không có nghiên cứu nào cho thấy việc lọc máu có thể phòng ngừa bệnh. Ảnh: OEM.
Trước tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, bên cạnh những thông tin khuyến cáo từ chuyên gia, một số cơ sở lại lợi dụng nỗi lo sợ để quảng cáo dịch vụ "lọc mỡ máu" như một phương pháp phòng ngừa bệnh.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "lọc mỡ máu" trên mạng xã hội, có thể thấy hàng loạt quảng cáo với những lời tung hô tác dụng thần kỳ như: "giúp giảm mỡ máu, cải thiện cholesterol, ngăn ngừa đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ".
Thậm chí, một số cơ sở y tế còn tổ chức dịch vụ đưa khách hàng ra nước ngoài như Đức, Nhật Bản, Singapore để thực hiện "lọc máu". Việc này đặt ra nhiều câu hỏi về tính khoa học, an toàn và hiệu quả thực sự của phương pháp này trong việc phòng ngừa đột quỵ.
Quảng cáo "nổ"
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, cho biết về mặt chuyên môn, không có nghiên cứu nào cho thấy việc lọc máu có thể phòng ngừa bệnh.
Trong y khoa, lọc mỡ máu là phương pháp lọc huyết tương hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng như tăng lipid máu cao có nguy cơ tắc mạch máu bất kỳ lúc nào, bệnh đa u tủy xương… Với các bệnh nhân này, nếu không được lọc máu thì trong máu sẽ nhiều cholesterol và nhiều triglycerid gây đặc quánh máu và hình thành huyết khối.
Bác sĩ Mạnh nhấn mạnh đây không phải phương pháp dùng vào mục đích phòng ngừa bệnh.
"Khi sử dụng lọc máu bên ngoài, họ đưa chất chống đông và nhiều thứ khác trong quá trình lọc có thể dẫn đến nguy cơ sốc, chảy máu… Bên cạnh đó, không phải ai cũng cần phải lọc hết các chất trong cơ thể", bác sĩ Đoàn Dư Mạnh nói.
Mỡ máu gồm hai loại là mỡ tốt và mỡ xấu, nếu lọc hết mỡ máu có thể loại bỏ cả mỡ tốt. Mỡ tốt có tác dụng làm tăng trương lực thành mạch, làm cho thành mạch chun giãn, chắc khỏe hơn. Không chỉ vậy, lọc máu còn chống chỉ định với người tăng huyết áp, máu khó đông.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cũng cho biết tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân được chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/l kèm theo viêm tụy.

Bệnh nhân được chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/l kèm theo viêm tụy. Ảnh: Duy Hiệu.
Do vậy, không phải cứ chỉ số cholesterol cao là lọc máu. Vì vậy, người dân không nên tin vào các quảng cáo, hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.
Chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng
Trước những quảng cáo thổi phồng về khả năng của phương pháp lọc máu, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã lên tiếng phản bác. Trong bài đăng trên trang cá nhân, ông bày tỏ quan điểm:
"Nếu chỉ cần 2-3 giờ với chi phí chưa đến chục triệu đồng mà phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp".
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn điều trị của các hội chuyên ngành. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bất kỳ khuyến cáo nào về việc lọc máu như một phương pháp dự phòng đột quỵ hay thanh lọc cơ thể.
Trên thực tế, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị bệnh lý có chẩn đoán xác định, chẳng hạn như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp. Đây là phương pháp đã được chứng minh cứu sống nhiều bệnh nhân, nhưng hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa nếu áp dụng tùy tiện.
PGS Hiếu cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng: "Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể, hãy tự hỏi liệu nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp này không? Câu trả lời chắc chắn là không".
Điều này cho thấy, ngay cả những quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến cũng không công nhận lọc máu là biện pháp phòng ngừa bệnh. Việc bỏ tiền để thực hiện một thủ thuật xâm lấn mà hiệu quả chưa được chứng minh là vô ích, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.