Bác sỹ xóa tan mặc cảm cho người bệnh bằng từng cử chi tinh tế

Để người bệnh thoát khỏi mặc cảm 'dính' đến 'tệ nạn xã hội' khi đi điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, bác sỹ Hồng đã chủ động xóa đi khoảng cách bằng những cử chỉ vô cùng tinh tế trong khi khám bệnh như: Chạm trực tiếp vào tay bệnh nhân để kiểm tra nóng/lạnh; hỏi han về hoàn cảnh như thể rất tình cờ…

Chúng tôi đến Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone quận Đống Đa và chứng kiến bác sỹ Bùi Nguyên Hồng khám cho người bệnh với cách trò chuyện rất thân tình, gần gũi. Ông có cách khai thác hoàn cảnh, con đường dẫn đến ma túy của bệnh nhân bằng những câu hỏi kiểu “vu vơ”. Người bệnh cứ thế mà bộc bạch, mà tâm sự.

“Với tôi, họ là người bệnh-mà đã là người bệnh thì phải được điều trị tốt, được đối xử công bằng. Mình phải thực sự đồng cảm, thấu hiểu, thông cảm với người bệnh thì mới có những ứng xử đúng mực. Không phải tất cả những người nghiện đều là những người có tệ nạn xã hội”, bác sỹ Hồng trải lòng.

Gắn bó với công tác điều trị Methadone cho bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện ngay từ những ngày đầu thành lập Cơ sở (năm 2012), đến nay, gần 600 bệnh nhân điều trị tại cơ sở đều được bác sỹ Hồng “nhớ mặt, đặt tên”. Từ sự quan tâm của bác sỹ, mỗi bệnh nhân khi đến cơ sở cũng cảm thấy thân quen, những mặc cảm ban đầu đều được xóa đi. Thay vào đó, họ cảm thấy có thể chia sẻ được những nỗi niềm thầm kín mà bình thường khó chia sẻ với người thân.

Bệnh nhân P.H.Th, 48 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội tham gia điều trị methadone tại cơ sở điều trị Đống Đa đến nay đã hơn 7 năm cho biết: Thời gian đầu mới tham gia điều trị Methadone tôi còn e dè, ngại trao đổi thông tin với các bác sỹ. Nhưng qua tiếp xúc tôi thấy các bác sỹ rất thân thiện, chân thành nên dần thoải mái hơn.

Chia sẻ về kỹ năng tiếp xúc, khám cho đối tượng bệnh nhân đặc biệt này, bác sỹ Bùi Nguyên Hồng cho biết: Bệnh nhân vốn mang mặc cảm về “tệ nạn xã hội” nên khi đến cơ sở y tế cũng e ngại, lúc này, hành vi cư xử của cán bộ y tế sẽ làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ của bệnh nhân. “Khi khám bao giờ tôi tạo nên những tiếp xúc nho nhỏ như chạm vào tay bệnh nhân để kiểm tra cảm giác nóng, lạnh. Việc mình sờ bằng cảm giác của mình, tiếp xúc với người bệnh khiến bệnh nhân thấy không còn khoảng cách, không bị xa lánh, và họ thay đổi cảm giác.

Hoặc khi bệnh nhân gọi điện bảo hôm đó không đến uống thuốc được vì ốm thì chúng tôi hỏi thăm, động viên, trao đổi với gia đình và cầm thuốc từ cơ sở ra cho người nhà… Đó là những hành vi làm thay đổi khoảng cách giữa cán bộ y tế với bệnh nhân, từ đó thay đổi suy nghĩ của người bệnh, giúp họ vượt qua mặc cảm để tự tin điều trị”.

Bác sỹ Bùi Nguyên Hồng cho rằng, sự đồng cảm của bác sỹ là yếu tố quan trọng để người bệnh kiên trì điều trị (ảnh: V.H)

Bác sỹ Bùi Nguyên Hồng cho rằng, sự đồng cảm của bác sỹ là yếu tố quan trọng để người bệnh kiên trì điều trị (ảnh: V.H)

Bác sỹ Hồng cho rằng, điều quan trọng để “giữ chân” người bệnh, truyền cho họ quyết tâm chữa bệnh chính là ở sự đồng cảm của bác sỹ. “Mình phải chia sẻ, phải thực sự tâm huyết với công việc thì mới tạo được sự gần gũi, niềm tin của bệnh nhân. Ngoài việc điều trị bằng thuốc Methadone thì điều quan trọng là phải tâm sự thì họ mới tin tưởng, từ đó mới có suy nghĩ tích cực trong điều trị; họ tin tưởng, chia sẻ để thì mới tìm giải pháp cho họ để họ quyết tâm theo đuổi việc điều trị, không có sự buông thả”.

Với sự tâm huyết ấy, bác sỹ Hồng đã đồng hành cùng người bệnh trong hành trình điều trị, tìm lại được những giá trị của bản thân đã từng đánh mất; giúp họ quay trở lại với gia đình, được gia đình công nhận; giúp họ quay trở lại với cuộc sống, công việc và làm lại cuộc đời.

Sau 7 năm điều trị Methadone, đến nay điều anh P.H.Th cảm thấy rõ nhất là sức khỏe tốt, tinh thần tốt và quan trọng nhất là anh đã lấy lại được những thứ trước kia mình vuột mất. Anh Th. chia sẻ: Trước đây qua nhiều lần cai nghiện, tái nghiện không thành, tôi đã khiến mọi người trong gia đình mất niềm tin. Vợ tôi cũng không còn tin tưởng, không thể tha thứ nên cô ấy đã chia tay tôi và mang theo con nhỏ.

Với quyết tâm của bản thân cũng như sự hỗ trợ, động viên của các bác sỹ, tôi đã kiên trì điều trị Methadone và duy trì được công việc của mình. Thấy tôi tiến bộ, mọi người trong gia đình dần dần tin tưởng trở lại và ủng hộ, tạo điều kiện để tôi mua được một căn nhà riêng, rồi tôi gặp được người con gái yêu thương mình. Tất cả những điều có được tôi thực sự rất vui”, anh Th, bày tỏ.

Nhớ lại giai đoạn đầu khi mới triển khai phương pháp điều trị Methadone, bác sỹ Hồng kể: Mặc dù nghiện các chất dạng thuốc phiện được coi là bệnh mãn tính nhưng trong cộng đồng vẫn còn sự kỳ thị rất lớn với người nghiện ma túy vì thời gian dài chúng ta tuyên truyền đó là “tệ nạn xã hội”. Ngay cả ở những vùng trung tâm của Hà Nội vẫn có nhiều bệnh nhân bị chính người ruột thịt trong gia đình tạo khoảng cách, xa lánh. Chúng tôi lại phải tuyên truyền để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử vì việc điều trị hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa bác sỹ với gia đình, cộng đồng.

Anh P.H.Th. đã tìm lại được hạnh phúc sau một thời gian kiên trì điều trị Methadone (ảnh: V.H)

Anh P.H.Th. đã tìm lại được hạnh phúc sau một thời gian kiên trì điều trị Methadone (ảnh: V.H)

Chỉ khi chứng kiến người thân thay đổi, gia đình của người nghiện mới tin vào phương pháp điều trị này. Vì thế, chúng tôi chỉ có cách chứng minh hiệu quả của điều trị Methadone bằng “người thật, việc thật”. “Nhiều gia đình đã không còn niềm tin với con/em mình nên giai đoạn đầu không tin tưởng ở phương pháp điều trị này. Sau một thời gian, chúng tôi động viên người bệnh để họ điều trị tích cực, đạt kết quả tốt, gia đình thấy có sự chuyển biến khác: Trước đây những người này không quan đến việc gia đình, không biết con học lớp mấy… Sau nửa năm bỗng nhiên giành phần đưa con đi học, biết hỏi han mọi người trong nhà. Nhìn thấy sự đổi thay rõ rệt đó, gia đình người bệnh rất mừng và dần tin tưởng người thân trở lại cũng như tin tưởng phương pháp điều trị này.

Nhớ mãi một trường hợp nữ bệnh nhân nghiện kèm theo nhiễm HIV khi đến điều trị tại cơ sở đã bị người nhà bỏ giữa chừng, bác sỹ Hồng xúc động: Theo quy định giai đoạn đầu người bệnh đến điều trị phải có người nhà đi cùng, nhưng bệnh nhân này người nhà đã bỏ lửng. Thấy cô ấy đến một mình, chúng tôi hỏi han thì bệnh nhân vừa nói vừa rơi nước mắt kể khi ăn cơm mọi người trong gia đình bắt ngồi riêng một góc. Miếng cơm trong miệng đắng ngắt, cô vừa ăn vừa nghĩ đến những nỗi khổ mình gây ra cho cả gia đình. Bị ghẻ lạnh trong chính ngôi nhà của mình và bởi những người ruột thịt, nhưng cô gái không thể oán trách ai ngoài việc tự trách mình…

"Nắm được hoàn cảnh đó, chúng tôi đã động viên, an ủi bệnh nhân kiên trì điều trị. Sau khi điều trị ổn định, chúng tôi lại tư vấn cho người nhà về việc lây truyền. Mặc khác, bệnh nhân tiến bộ, từ bỏ được ma túy nên đã lấy lại được tình cảm của mọi người trong gia đình, mối quan hệ được cải thiện, người nhà chăm sóc hơn. Niềm vui đó của người bệnh, của gia đình họ cũng chính là niềm vui của chúng tôi trong khi làm nghề", bác sỹ Hồng nói.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bac-sy-xoa-tan-mac-cam-cho-nguoi-benh-bang-tung-cu-chi-tinh-te-177304.html