Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ nấm tự nhiên
Dù được cảnh báo nhiều lần nhưng thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm tự nhiên khiến nhiều trường hợp nhập viện. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân chỉ nên ăn nấm được nuôi trồng, biết rõ chủng loại, nguồn gốc nấm; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại.
Nhiều vụ ngộ độc nấm rừng
Mới đây, Trạm xá Quân dân y hữu nghị Việt Nam-Lào tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã kịp thời hỗ trợ, sơ cứu ban đầu, cứu sống thành công 4 cháu bé người Lào bị ngộ độc nấm rừng.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 17/9, Trạm xá Quân dân y hữu nghị Việt Nam-Lào có tiếp nhận ca cấp cứu gồm 4 cháu bé do ông S.A.C., là ông ngoại của các cháu, trú tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu, tỉnh Sơn La đưa đến…
4 cháu bé từ 2 tuổi đến 10 tuổi, cùng trú tại bản Muống, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Theo lời ông C. kể, do bố mẹ đi làm không ở nhà nên các cháu đã lấy nấm trên nương về nướng ăn. Sau ăn, các cháu xuất hiện triệu chứng nôn, tiêu chảy cấp nên gia đình đã đưa các cháu xuống trạm xá dân y để cấp cứu.
Tại đây, các cháu có biểu hiện da tái nhợt, mắt lờ đờ, môi khô, thở gấp, nôn nhiều. Các bác sĩ trạm xá quân y và tổ quân y cơ động đang phục vụ Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt nam – Lào chẩn đoán ban đầu các bé bị ngộ độc nấm rừng.
Các bác sĩ đã sơ cứu ban đầu và đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cấp cứu. Tại bệnh viện, các cháu đã được cấp cứu, thông rửa dạ dày và truyền dịch, bù nước điện giải. Hiện nay, các cháu đã qua cơn nguy kịch.
Thời gian qua, một số địa phương cũng đã ghi nhận hàng loạt vụ ngộ độc nấm liên tiếp xảy ra. Điển hình, tại Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho 4 người dân trú tại thôn 10, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị ngộ độc nghi do ăn nấm không rõ nguồn gốc.
Theo anh Đ.Q.H. (thôn 10, xã Hà Linh, Hương Khê), tối 12/9, gia đình anh mời 3 người cùng thôn đến nhà ăn cơm. Trong bữa ăn có món nấm xào, vợ chồng anh lấy trong quá trình đi rừng.
Sau ăn khoảng 30 phút, cả 5 người đều bị nôn, đau bụng và đi ngoài liên tục. Nghi bị ngộ độc nấm, vợ chồng anh H. cùng 2 người đã được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu, điều trị; 1 người điều trị tại nhà.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nghi do nấm rừng. Đến nay, cả 4 bệnh nhân đã ổn định.
Hay trước đó, tại xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ ngộ độc sau ăn nấm khiến 3 người trong một gia đình phải nhập viện.
Ngoài ra, tại huyện Bảo Yên và huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhận 2 vụ ngộ độc nấm làm 7 người mắc phải nhập viện, có trường hợp khá nặng. Qua điều tra dịch tễ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai nhận định, đây là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (nấm rừng).
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Dương - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng điển hình của đường tiêu hóa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã liên hệ tham khảo ý kiến của các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Khó nhận dạng bằng mắt, dễ nhầm lẫn
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí tử vong do ngộ độc nấm tự nhiên.
Các loại nấm tự nhiên đều không thể nhận dạng bằng mắt thường là có độc hay không có độc, trừ mộc nhĩ. Người dân không thể tự nhận biết được loại nấm nào là nấm có độc, thậm chí đến chuyên gia cũng có thể nhầm. Có hàng nghìn loại nấm, số nấm độc không quá nhiều nhưng rất dễ nhầm lẫn.
Đơn cử, một số nấm trong rất đẹp mắt nhưng lại chứa chất độc như amatoxin khiến rất nhiều bệnh nhân tử vong khi ăn phải những loại nấm này.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc nấm là do người dân ăn phải nấm có chất độc, ngoài ra một số ít là do người dân chế biến chưa đảm bảo vệ sinh. Triệu chứng của những trường hợp ngộ độc nấm xảy ra khác nhau, phổ biến như đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy.
TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, mỗi một loại nấm độc khi ăn phải có những dấu hiệu riêng. Thông thường có 2 nhóm biểu hiện nhiễm độc khi ăn nấm. Đó là nhóm biểu hiện sớm trong vòng 6 tiếng sau ăn và nhóm biểu hiện muộn 6 tiếng sau ăn, thậm chí sau 12 tiếng và lâu hơn, khi đó độc tố đã ngấm vào cơ thể, lúc này những biện pháp sơ cứu sẽ không còn tác dụng.
“Nhóm biểu hiện muộn rất nguy hiểm, lúc này trong gan đã bị tổn thương, rối loạn cơ quan bên trong… Khi phát hiện, bệnh nhân đã trong tình trạng suy gan, hôn mê, suy thận thậm chí tử vong” - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Để phòng tránh ngộ độc nấm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không tự ý ăn những loại nấm mọc dại nếu chưa có sự kiểm nghiệm. Các gia đình chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại.
Ngoài ra, với các loại nấm ăn được, các gia đình cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi nghi bị ngộ độc nấm, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-bao-nguy-co-ngo-doc-tu-nam-tu-nhien.html