Bác về, đưa Việt Nam đến toàn thắng

Cách đây tròn 80 mùa xuân - mùng 2 Tết Tân Tỵ (28.1.1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua biên giới Việt - Trung về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày 28.1.1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Ngày 28.1.1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

"Cố gắng đi về An Nam"

Về nước, “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập…” luôn là khát khao cháy bỏng của Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Nhưng để thực hiện khát vọng ấy, Người đã phải trải qua một chặng đường dài đầy gian lao thử thách. Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thể thực hiện. Đó là khi Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc (những năm 1924 - 1927) và sau đó ở Thái Lan (những năm 1928-1929) - thời kỳ mà thực dân Pháp tìm mọi cách để triệt tiêu những người cách mạng ở Đông Dương, đặc biệt là sự lùng sục rất gắt gao nhằm tìm ra tung tích của Nguyễn Ái Quốc… nên mọi “cố gắng đi về An Nam” của Người đều phải “quay trở lại” bởi sự “canh phòng của mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật”.

Đầu năm 1940, khi về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được mối liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta.

Cuối tháng 10.1940, Bác Hồ cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó, vào hạ tuần tháng 12.1940, Người tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm đường về nước.

Mấy ngày sau, Bác Hồ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (sát biên giới Việt - Trung). Tại Nậm Quang, Người mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Vào khoảng giáp Tết âm lịch, lớp huấn luyện kết thúc, Người cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Hoàng Văn Lộc chuẩn bị gấp rút về nước.

Mùng 1 Tết Tân Tỵ 1941, Bác Hồ cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang, Ngàn Tấy. Sớm mùng 2 Tết (28.1.1941), Người rời Nậm Quang lên đường về nước. Buổi trưa, Người về đến biên giới Việt - Trung, đoạn cột mốc 108. Lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần 30 năm xa cách.

Những ngày đầu về nước, Bác Hồ ở lại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) làm nơi đứng chân đầu tiên. Từ ngày 8.2.1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại đây.

Bước ngoặt quyết định

Trước sự biến động sâu sắc của tình thế cách mạng trên thế giới, đặc biệt là phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đang trên đà phát triển, nhận thấy thời cơ thuận lợi đang đến gần, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, tháng 5.1941, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (làm việc từ ngày 10-19.5.1941) - hội nghị đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Ðảng ta. Ðiểm nổi bật của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và vấn đề giai cấp. Hội nghị chủ trương: "Trong lúc này khẩu hiệu của Ðảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Ðông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật...".

Cũng tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở lớp huấn luyện về tổ chức, vận động, chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh. Và chính Người đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như Tuyên ngôn, Chương trình, Ðiều lệ. Trong Văn kiện Đảng toàn tập có viết: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương, đặng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, làm cho nước Việt Nam và cả xứ Đông Dương được hoàn toàn độc lập”.

Cùng với xây dựng Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, súng đạn, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền.

Có thể nói từ mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về nước, Ðảng ta và phong trào cách mạng do Bác trực tiếp lãnh đạo mới thật sự thực hiện được một chiến lược lớn là đặt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đứng về phe Ðồng minh chống phát xít. Cũng từ Cao Bằng, cách mạng Việt Nam đã liên lạc với lực lượng Ðồng minh, được phe Ðồng minh ủng hộ. Ðó là cơ sở thực tế và pháp lý quốc tế quan trọng để đi đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Từ mùa xuân ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Ðể rồi đến mùa xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giờ đây, thế giới đến với Việt Nam không chỉ vì nhân dân Việt Nam đã từng dũng cảm đấu tranh giành độc lập, tự do, mà còn vì một Việt Nam đã và đang quyết tâm đổi mới - đổi mới thành công, có những đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

PHẠM CÔNG KHÁI-BÙI KIM HỒNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/bac-ve-dua-viet-nam-den-toan-thang-158729