Bác xích lô ở ga Bình Triệu

Nhiều khi nhìn thấy chiếc xích lô đạp chậm rãi chở hàng, tôi lại chợt nhớ đến bác xích lô ở ga Bình Triệu ngày đó, nhớ đến những người đã cho tôi biết được sự tử tế của người TP HCM và vùng đất phương Nam

Năm 1983, vợ chồng tôi đang dạy học tại Huế và quyết định xin chuyển vào miền Nam công tác. Nơi đến là An Lộc, một thị trấn ở miền Đông Nam Bộ. Có nhiều lý do để chúng tôi quyết định vào Nam, trong đó có lý do trường của chúng tôi giảng dạy là một ngôi trường tranh tre tại một huyện phía Bắc cách thành phố Huế 25km. Chúng tôi phải ở lại khu tập thể của trường, một tuần chỉ đạp xe về Huế thăm nhà một lần, sáng sớm thứ Hai đầu tuần phải đạp xe về trường để dạy. Mùa nắng ráo thì còn đỡ, đến mùa mưa bão thì rất cực khổ, hơn nữa vợ tôi lại bị bệnh thấp khớp, khi mùa mưa lạnh là bệnh lại phát ra .

Sau khi nhận quyết định từ Phòng Giáo dục, chúng tôi chuẩn bị hành lý để "hành phương Nam". Hành lý chẳng có gì ngoài một ít áo quần, sách vở, chúng tôi mua thêm một ít quà xứ Huế để biếu người thân. Bấy giờ tàu hỏa là phương tiện gần như duy nhất để mọi người đi lại. Đó là những chuyến tàu chật chội, rất đông hành khách, chủ yếu là những người buôn bán. Tàu phải chạy gần 2 ngày 2 đêm mới vào đến TP HCM.

Chuyến tàu Thống Nhất đưa chúng tôi đến ga Bình Triệu lúc 5 giờ sáng. Tay xách nách mang, vợ chồng tôi mỗi người 2-3 cái túi chen chân ra khỏi nhà ga. Vì mệt mỏi do phải ngồi trên tàu trong thời gian dài, vì thế ra đến cổng ga, chúng tôi tiến đến một bác xích lô lớn tuổi đang ngồi trên xe, khác với những người đạp xe khác đang mời chào, chèo kéo khách. Sau khi hỏi giá cả về nhà người chị họ ở gần chợ Bà Chiểu, bác vui vẻ nói: "Về đến đó gần thôi, chú em cho một tô hủ tiếu".

Tôi không còn nhớ giá của một tô hủ tiếu thời đó là bao nhiêu nhưng cả hai nhanh chóng chất hành lý lên xe. Xe nhỏ, hành lý lỉnh kỉnh, bác giúp chúng tôi ổn định chỗ ngồi và dặn dò cẩn thận giữ hành lý, kẻo kẻ gian chạy ngang cướp giựt.

Dẫu biết là nghề cực nhọc, không ít người vẫn chọn chạy xích lô làm kế sinh nhai Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA

Dẫu biết là nghề cực nhọc, không ít người vẫn chọn chạy xích lô làm kế sinh nhai Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA

Chạy khoảng hơn 15 phút, bác đưa chúng tôi đến nhà. Chị em mừng rỡ vì lâu ngày gặp nhau. Chúng tôi vào nhà nghỉ ngơi và sau một hồi hỏi thăm nhau, tôi tá hỏa phát hiện là cái ví ở túi quần sau đã không còn!

Cả nhà thật sự hốt hoảng! Trong ví tiền bạc không nhiều nhưng có các giấy tờ rất quan trọng cho chuyến định cư đất phương Nam. Nhớ lại, tôi nghĩ chắc là bị kẻ gian móc túi khi lách mình ra khỏi nhà ga lúc trời chưa sáng hẳn.

Không biết làm gì hơn, tôi viết đơn trình báo và quyết định sau khi cả nhà cùng đi ăn sáng tại chợ Bà Chiểu về sẽ đến đồn công an Bình Triệu để trình báo. Niềm vui đặt chân đến vùng đất mới chưa được bao lâu thì nỗi lo buồn đã ập đến. Vợ chồng tôi tự trách mình sao mất cảnh giác đến như vậy.

Khi cả nhà ăn sáng xong trở về, chúng tôi rất ngạc nhiên thấy có chiếc xích lô đậu ngay trước nhà cửa nhà, người đạp xe chính là bác đã đưa chúng tôi về từ ga Bình Triệu hơn 2 tiếng đồng hồ trước. Bất ngờ quá, bác tiến đến chúng tôi, trên tay bác cầm một cái ví. Bác nói:

- Chú em để rơi cái ví trên xe. Trên đường về lại ga, tui được hai mẹ con ngoắc vô nhờ chở tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Khi lên xe, sắp nhỏ la lên: "Cái ví của ai để quên trên xe bác nè". Tui biết chắc là của chú em rồi. Tui phải chở hai má con vô bệnh viện xong rồi mới quay lại gởi lại cho chú em được.

Thì ra khi ngồi trên xích lô, do chỗ ngồi không được rộng rãi, cái ví của tôi rơi ra mà tôi không biết!

Thật không thể diễn tả được niềm vui của chúng tôi lúc đó. Vợ chồng tôi vội mời bác vào nhà và có nhã ý biếu bác một ít tiền nhưng bác dứt khoát từ chối. Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi mở túi xách lấy biếu bác một gói mè xửng Huế và một gói trà thơm. Bác vui vẻ:

- Cái này được, để mang về cho sắp nhỏ.

Gần 40 năm trôi qua, hiện nay vợ chồng tôi đã về TP HCM sinh sống. Đường phố ngày càng đông đúc, thành phố có nhiều đổi thay. Ga Bình Triệu đã không còn đón khách, những chiếc xích lô đạp chở khách đã dần vắng bóng. Thế nhưng nhiều khi nhìn thấy đâu đó hình ảnh của chiếc xích lô đạp chậm rãi chở hàng trên những con đường ven thành phố, tôi lại chợt nhớ đến bác xích lô ở ga Bình Triệu ngày đó; nhớ đến em nhỏ đã phát hiện chiếc ví của tôi trên xe của bác; những người đã cho tôi biết được sự tử tế của người TP HCM và của cả vùng đất phương Nam.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tôn Thất Thọ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/san-long-giup-nguoi-ngheo-kho-20210428182643452.htm