Bắc Yên chuyển đổi sản xuất gắn với giảm nghèo bền vững
Phát huy tiềm năng, lợi thế và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Bắc Yên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân đưa các giống cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao vào thâm canh, phù hợp với điều kiện của từng vùng, giúp nhân dân nâng cao thu nhập.
Tạo động lực phát triển bền vững, huyện Bắc Yên chú trọng phát triển kinh tế theo từng vùng để tập trung nguồn lực đầu tư. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, tăng cường hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đối với các xã vùng cao, huyện chỉ đạo xã tuyên truyền nhân dân tập trung phát triển cây sơn tra, cây ăn quả ôn đới; phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và dược liệu dưới tán rừng. Đối với các xã vùng thấp, vùng lòng hồ sông Đà, tập trung phát triển đa dạng các loại cây ăn quả nhiệt đới và chăn nuôi. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Trước đây, người dân xã Háng Đồng chủ yếu trồng ngô, sắn, tìm hướng thoát nghèo bền vững, 4 năm trở lại đây, xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát, đánh giá mức độ phù hợp của đất với từng loại cây trồng. Từ đó, định hướng cụ thể, lựa chọn từng giống cây trồng cho từng bản. Đồng thời, tranh thủ nguồn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã đưa một số loại cây dược liệu và thảo quả trồng dưới tán rừng; đưa cây chè tuyết, măng bát độ, quế, lê vào trồng tại các bản Háng Đồng, Háng Đồng C, Làng Sáng, Chống Tra...
Ông Hờ A Mang, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng, thông tin: Đến nay, toàn xã có 270 ha sơn tra, 205 ha thảo quả, 180 ha chè, 35 ha quế, 21 ha măng bát độ và một số loại cây trồng khác. Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân mở rộng diện tích ruộng bậc thang lên 228 ha. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình 5%/năm; riêng năm 2023, giảm 7,79%.
Tại xã Hồng Ngài, thực hiện Đề án phát triển kinh tế theo vùng, xã đã rà soát diện tích đất sản xuất, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi, lựa chọn những giống cây trồng mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2024, xã chuyển đổi 90 ha đất dốc sang trồng cây ăn quả, cây tre bát độ.
Là một trong những hộ dân được hỗ trợ cây giống măng tre bát độ, sau 3 năm trồng, vườn măng tre bát độ của gia đình anh Thào A Su, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài bắt đầu cho thu hoạch. Anh Su chia sẻ: 400 gốc tre phát triển tốt, ngoài thu hoạch măng để bán, gia đình tiếp tục chiết mắt gây giống, mở rộng diện tích và bán giống cho các hộ có nhu cầu với giá 13.000 đồng/cành.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, từ các chương trình, dự án, huyện triển khai hỗ trợ trên 36 tỷ đồng mua cây con, giống cho bà con. Các dự án hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, được triển khai ở hầu hết tại các xã, thị trấn, giúp nhân dân tận dụng đất hoang hóa, chuyển đổi cơ cấu trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, huyện mở các lớp tập huấn đào tạo nghề cho trên 2.500 lao động, từng bước giúp bà con nắm vững kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.
Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của huyện, xã và sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của người dân, đến nay, huyện Bắc Yên có 24.530 ha các loại cây trồng, tăng 2.701 ha so với năm 2020, gồm: 427 ha chè, 1.087 ha cây dược liệu, trên 6.700 ha cây ăn quả các loại... Có 234 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới tiết kiệm nước; 3.463 ha cây ăn quả áp dụng giống, công nghệ mới, chiếm 51,6% tổng diện tích cây ăn quả... Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trung bình 4,47%/năm, hiện còn 28,8%. Nhiều sản phẩm của Bắc Yên được phát triển thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu, như: Trà xanh mây Tà Xùa, trà xanh Thiện, rượu Hang Chú, măng trúc muối ớt Háng Đồng, táo Sơn tra khô.
Việc định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất cụ thể, phù hợp với từng vùng, từng địa phương của huyện Bắc Yên đã giúp nhân dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào mục tiêu thoát nghèo bền vững.