Cháu đời thứ tư của nghệ nhân cung đình Lữ Hữu Thi giờ ra sao?
Khi nhắc đến âm nhạc cung đình Huế, người ta thường nhớ về một không gian trang nghiêm, thâm trầm với tiếng đàn, tiếng trống như vọng từ quá khứ. Ít ai biết rằng giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, vẫn còn những con người lặng lẽ gìn giữ hồn cốt ấy.
Một trong số đó là ca sĩ trẻ Lữ Diệu Phương, cháu đời thứ tư của cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi, người nhạc công cuối cùng từng trình diễn trong ban Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn.

Sinh năm 1995 tại Thừa Thiên Huế, Lữ Diệu Phương mang trong mình vẻ đẹp dịu dàng, đậm chất Huế từ giọng nói, phong thái cho đến giọng hát. Cô không thuộc về ánh đèn sân khấu hào nhoáng của showbiz, mà chọn cho mình một con đường rất riêng: biểu diễn nhạc dân ca, đặc biệt là nhạc Huế và bolero, những thể loại âm nhạc chậm rãi, sâu sắc và giàu tính tự sự.
Bắt đầu đi hát từ năm 18 tuổi, cô tự học, tự rèn luyện qua biểu diễn ở các chương trình nghệ thuật địa phương, các sự kiện văn hóa, du lịch tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị... Sự kiên trì và đam mê đã đưa cô trở thành một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng yêu nhạc dân tộc khu vực miền Trung.

Ảnh chụp tại đêm Âm sắc Hương Bình 16.4.2014 (Ảnh: Võ Quê)
Ông cố của Diệu Phương nghệ nhân Lữ Hữu Thi (1910–1996) là một trong những bậc thầy cuối cùng của Nhã nhạc cung đình Huế. Sinh ra tại làng Thế Lại Thượng (nay thuộc TP. Huế), cụ Lữ Hữu Thi lớn lên trong cái nôi âm nhạc truyền thống. Ngay từ tuổi thiếu niên, cụ đã tỏ ra xuất sắc trong việc sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc như tỳ bà, nguyệt, nhị, trống chiến, kèn bầu...
Trong suốt thời gian phục vụ tại triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là dưới triều vua Khải Định và Bảo Đại, cụ là thành viên trụ cột trong dàn nhạc cung đình chuyên biểu diễn trong các nghi lễ tế tự, thiết triều, tiếp sứ và lễ hội hoàng gia. Sau khi chế độ phong kiến kết thúc, cụ Lữ Hữu Thi không rời bỏ âm nhạc. Ngược lại, cụ tích cực truyền dạy lại cho thế hệ sau, tham gia giảng dạy tại Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế và cùng nhiều nghệ nhân khác đóng vai trò then chốt trong việc phục dựng Nhã nhạc – đặc biệt vào giai đoạn Nhã nhạc được lập hồ sơ để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003).
Dù mất năm 1996, cụ Lữ Hữu Thi đã để lại dấu ấn không phai trong dòng chảy âm nhạc truyền thống xứ Huế. Những bản nhạc, cách chơi, kỹ thuật gảy đàn, tiết tấu cung đình... được cụ truyền lại qua học trò và hậu duệ – trong đó có Lữ Diệu Phương.
“Tôi hát vì ông

Phương chia sẻ: “Phương không bao giờ coi hát dân ca là ‘công việc’. Nó là một phần con người mình. Có thể Phương không chơi được nhạc cụ giỏi như cụ Thi, nhưng Phương hiểu giai điệu ấy, cảm xúc ấy. Phương hát vì muốn giữ lại phần hồn Huế ấy dù chỉ là một mảnh nhỏ”.
Không theo đuổi con đường nghệ thuật chính quy, Phương tốt nghiệp đại học Du lịch Huế, nhưng âm nhạc lại là nơi cô tìm thấy bản thân. Cô hát ở các lễ hội, đêm nhạc dân ca, sự kiện du lịch những nơi người ta không quá kỳ vọng vào sự cầu kỳ sân khấu, mà cần sự chân thành trong giọng hát.
Giọng ca của Phương được nhiều người nhận xét là ngọt ngào, trầm nhưng không buồn, và đặc biệt là rất “Huế”. Cô thể hiện mượt mà các làn điệu Nam ai, Nam bình, Hò mái nhì, Lý hoài nam..., xen kẽ với bolero trữ tình mang âm hưởng miền Trung như “Ai ra xứ Huế”, “Tình thắm duyên quê”, “Thương về xứ Huế”...
Giữ nghề – giữ giọng – giữ hồn Huế
Lữ Diệu Phương không chọn chạy theo thị trường. Cô từng thử sức với nhạc nước ngoài, pop ballad, nhưng sau cùng lại trở về với chất liệu quê hương. Theo cô, “thứ âm nhạc chạm được vào trái tim không cần ồn ào. Nó chỉ cần chân thật.”
Không có phòng thu riêng, không hợp đồng biểu diễn dày đặc. Cô mang đến tiếng hát qua không giang mạng len lỏi vào trái tim của các khán giả bất kể với người Việt Nam hay bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, cô luôn ý thức rõ vai trò của mình như một người kế thừa. “Phương không thể sống đời của cụ Thi, nhưng Phương có thể góp một giọng ca để nối dài con đường ông cố Phương đã đi.”
Hiện tại và kế hoạch tương lai

Trong thời đại số, Lữ Diệu Phương không đứng ngoài cuộc. Dù không chạy theo xu hướng mạng xã hội, cô vẫn chủ động xây dựng kênh TikTok cá nhân để chia sẻ các video hát dân ca, Nhã nhạc, bolero những bản thu mộc mạc, không kỹ xảo, đôi khi chỉ quay tại một góc nhà tĩnh lặng hay bên dòng sông buổi chiều tà.
Không ít video của cô nhận được hàng chục nghìn lượt xem, đặc biệt là các ca khúc như “Thương em”, “Phận em”, hay các điệu hò Huế cổ. Khán giả yêu thích sự chân thật, không màu mè trong cách thể hiện của cô một nét đẹp rất Huế giữa không gian số hiện đại.
Lữ Diệu Phương cho biết, mạng xã hội là cánh cửa mở ra cơ hội tiếp cận thế hệ trẻ, những người có thể chưa từng nghe nhạc Huế theo cách truyền thống. Cô chủ động dùng các nền tảng mạng xã hội đăng tải những video ngắn giới thiệu từng điệu hò, từng loại nhạc cụ, hay kể lại những giai thoại về ông cố của cô - nghệ nhân Lữ Hữu Thi qua lời kể giản dị.