Bạch Thông quan tâm đào tạo nghề cho lao động nữ

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bạch Thông đã nâng cao tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề, giúp nhiều hội viên phụ nữ có việc làm ổn định thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 Hội LHPN xã Cẩm Giàng phối hợp tổ chức đào tạo nghề về nuôi gà cho hội viên phụ nữ.

Hội LHPN xã Cẩm Giàng phối hợp tổ chức đào tạo nghề về nuôi gà cho hội viên phụ nữ.

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, trong năm 2024 Hội LHPN huyện Bạch Thông đã tích cực chỉ đạo các cơ sở Hội LHPN trên địa bàn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, mở các lớp dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Kết quả, trong năm, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện đã phối hợp tổ chức được gần 20 lớp đào tạo nghề về trồng rừng, trồng rau, nấu ăn, nuôi cá, thủy cầm, gà, trâu, dê… cho gần 500 phụ nữ là lao động nông thôn tham gia; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 12 hội viên. Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cho 70 thành viên HTX, chủ hộ kinh doanh…; xây dựng các mô hình liên kết, tổ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, kinh doanh dịch vụ…

Hoạt động dạy nghề luôn hướng về cơ sở, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau, như: Phụ nữ nông thôn, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật, đơn thân… Qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề, nhiều chị em đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, giúp phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, Hội quan tâm xây dựng mô hình về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình; chủ động kết nối thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản an toàn.

Cùng với công tác đào tạo nghề, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập, Hội LHPN các cấp trong huyện Bạch Thông đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ các kênh ngân hàng với tổng dư nợ trên 162 tỷ đồng, giúp hơn 2.467 hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất, các cấp Hội Phụ nữ còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm. Trong năm, 100% cơ sở Hội đã duy trì triển khai và thực hiện hiệu quả hoạt động tiết kiệm thu hút gần 1.000 thành viên tham gia, gửi tiết kiệm đạt gần 1 tỷ đồng, từ đó cho trên 250 lượt phụ nữ vay vốn, để đầu tư phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập…

Nhờ những chính sách ưu đãi, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp Hội, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm dần qua các năm. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội xây dựng kế hoạch giúp 236 hộ với các hình thức thiết thực hiệu quả, kết quả có 88 hộ được giúp thoát nghèo, cận nghèo.

Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ đã góp phần quan trọng giúp phụ nữ Bạch Thông thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội./.

Bích Ngọc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bach-thong-quan-tam-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nu-post68206.html