Backbase giúp các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhờ chuyển đổi số

Trong cuộc trao đổi với KTSG Online, ông Riddhi Dutta, Phó chủ tịch Khu vực châu Á của công ty Backbase cho biết: 'Việt Nam hiện có tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng ngân hàng số lớn thứ hai trên toàn cầu. Với khoảng 30 triệu người dùng ngân hàng số trong nước và 90% giao dịch ngân hàng được quản lý qua các kênh kỹ thuật số. Các ngân hàng không chỉ cần đổi mới ngân hàng số xung quanh khách hàng mà còn phải đổi mới theo tốc độ và quy mô lớn'.

Ông Riddhi Dutta, Phó chủ tịch Khu vực châu Á của Backbase

Ông Riddhi Dutta, Phó chủ tịch Khu vực châu Á của Backbase

Tại Việt Nam, Techcombank đã áp dụng Nền tảng ngân hàng tương tác của Backbase vào năm 2020 và tạo ra lợi thế dẫn đầu trong việc xây dựng các hành trình kỹ thuật số khác biệt cho khách hàng. TPBank đã đạt 6,2 triệu người dùng chỉ sau 3 năm. Ông Riddhi Dutta cho rằng các ngân hàng tại Việt Nam bắt đầu có chiến lược hơn trong cách tiếp cận công nghệ. Năm 2023, hai ngân hàng nữa tại Việt Nam – ABBANK và OCB – công bố đầu tư vào nền tảng ngân hàng tương tác của Backbase để đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng hợp kênh.

Mới đây, Backbase đã công bố báo cáo IDC InfoBrief tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tiêu đề “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi lấy khách hàng làm trung tâm bằng cách cân bằng giữa chiến lược xây dựng và mua mới – Phương pháp hợp tác hướng tới kiến trúc ngân hàng kỹ thuật số bền vững”.

Báo cáo chuyên sâu này thu thập thông tin chi tiết từ 125 ngân hàng và 316 giám đốc công nghệ thông tin ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), đưa ra góc nhìn mang tính khu vực về chuyển đổi kỹ thuật số.

Báo cáo cho biết 55,7% giám đốc công nghệ thông tin tại Việt Nam có xu hướng ủng hộ phương pháp ‘Áp dụng và Xây dựng’ trong quá trình chuyển đổi ngân hàng số để tiết kiệm chi phí đồng thời nâng cao tăng khả năng đưa sản phẩm ra thị trường. Con số này cao hơn tiêu chuẩn trung bình của APAC là 48%.

Kết quả của báo cáo cho thấy, 65% ngân hàng có quy mô vừa và lớn ở APAC lựa chọn phát triển nội bộ để chuyển đổi kỹ thuật số. Tuy nhiên, 70% các dự án này đã thất bại do những nỗ lực nội bộ tốn kém và kéo dài. Và điều đáng ngạc nhiên là 80% nền tảng tương tác kỹ thuật số được xây dựng nội bộ với ngân sách trên 10 triệu đô la Mỹ có hiệu suất kém và không mang lại tỷ suất lợi nhuận trên vốn mong muốn cho các sáng kiến kỹ thuật số.

Trải nghiệm kỹ thuật số tại nhiều ngân hàng ở APAC đang dưới mức mong đợi do hầu hết ngân hàng chưa tận dụng hết lợi ích của việc số hóa và chưa mang lại sự tương tác khách hàng kỹ thuật số thuyết phục. Các tổ chức ở Việt Nam phải đối mặt với ba khó khăn trong quá trình chuyển đổi số bao gồm chi phí (57%), cơ sở hạ tầng quốc gia (39%) và bảo mật dữ liệu (34%)

Báo cáo IDC InfoBrief nhấn mạnh sự mất kết nối quan trọng giữa các ngân hàng và khách hàng, nơi hầu hết các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng được xem là “tương tự nhau” và có nhiều hạn chế. Khách hàng gặp nhiều bất tiện khi truy cập nhiều dịch vụ thông qua các giao diện khác nhau hoặc phải cung cấp lại thông tin với các nhân viên dịch vụ khác nhau. Nhu cầu phê duyệt tức thời và các quy trình kỹ thuật số chưa tinh gọn… Đây là kết quả của việc các ngân hàng tập trung vào việc huy động một lượng lớn nguồn lực để xây dựng nền tảng ngân hàng thay vì ưu tiên tạo ra các hành trình và trải nghiệm khách hàng khác biệt.

Ông Ashish Kakar, Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại IDC cho biết, chiến lược tự xây dựng giải pháp của các ngân hàng không còn mang lại lợi thế cạnh tranh. Những vấn đề phức tạp nảy sinh khi mở rộng các lớp, kênh dữ liệu, các tính năng, việc tích hợp hệ thống tương tác trong ngoài để quản trị và điều phối – chính là nguyên nhân khiên việc triển khai khó thành công.

Ông Ashish Kakar, Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao tại khu vực châu Á, TBD của IDC

Ông Ashish Kakar, Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao tại khu vực châu Á, TBD của IDC

Các phân tích trong báo cáo IDC InfoBrief cho thấy phương pháp “Áp dụng và Xây dựng” là một giải pháp thực tế để các ngân hàng đẩy nhanh nỗ lực tiếp cận thị trường, phân biệt điểm nào là quan trọng thay vì tốn công sức sáng tạo lại những thứ vốn đã tồn tại từ con số 0. Phương pháp này có thể giúp các ngân hàng đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn 40% và tiết kiệm chi phí gấp 2,3 lần so với việc tự nội bộ “xây dựng”.

Ông Riddhi Dutta, Phó chủ tịch Khu vực châu Á của Backbase cho biết thêm: “Hơn 150 ngân hàng hiện đại và có tầm nhìn dài hạn đã áp dụng và xây dựng sản phẩm dựa trên nền tảng ngân hàng tương tác của Backbase để tập trung vào các hành trình tương tác với khách hàng và kiến trúc ngân hàng xung quanh khách hàng của họ”.

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/backbase-giup-cac-ngan-hang-tang-truong-manh-nho-chuyen-doi-so/