Backstreet Boys tái xuất, nhưng giọng hát của chàng trai này lại khiến fan lo lắng
Nam ca sĩ của nhóm Backstreet Boys tiết lộ cuộc chiến dai dẳng suốt hơn một thập kỷ với căn bệnh hiếm gặp ảnh hưởng đến giọng nói, giữa lúc nhóm tái xuất với chuỗi show hoành tráng tại Las Vegas.
Khi giọng hát bị chính cơ thể “siết chặt”
Người hâm mộ của Backstreet Boys, nhóm nhạc huyền thoại từng làm mưa làm gió những năm 1990, không khỏi xúc động khi chứng kiến màn tái xuất của nhóm trong chuỗi 21 đêm diễn “Into The Millennium” tại sân khấu Sphere ở Las Vegas. Thế nhưng, một điều khiến khán giả không thể không chú ý: giọng hát của thành viên Brian Littrell nghe có phần khác lạ.
Giờ đây, khi đã 50 tuổi, Brian lần đầu cởi mở chia sẻ về căn bệnh khiến giọng hát của anh không còn như xưa.
“Tôi đang theo trị liệu giọng nói ở California. Mọi thứ đang dần tiến triển, nhưng đó là cả một hành trình dài. Và nó sẽ luôn là một quá trình cần kiên trì,” Brian tâm sự với tạp chí Parade.

Brian lần đầu cởi mở chia sẻ về căn bệnh khiến giọng hát của anh không còn như xưa. (Ảnh: Getty)
Theo chia sẻ của nam ca sĩ, anh bắt đầu có những triệu chứng bất thường từ năm 2012, trong chuyến lưu diễn chung giữa Backstreet Boys và New Kids On The Block. Đó là thời điểm Brian phát hiện mình mắc chứng rối loạn giọng nói mang tên muscle tension dysphonia (tạm dịch: loạn năng dây thanh do căng cơ).
“Các cơ quanh dây thanh như thể đang bóp nghẹt tôi vậy. Chúng làm tắc luồng không khí, khiến giọng hát không thể hoạt động như bình thường,” Brian từng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.
Không chỉ vậy, anh còn mắc thêm chứng dystonia, một rối loạn thần kinh khiến tín hiệu từ não bộ gửi đến cơ quan phát âm bị sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều khiển giọng nói.
Muscle tension dysphonia là gì?
Muscle tension dysphonia (MTD) là một rối loạn giọng nói xảy ra khi các cơ quanh thanh quản (hộp âm) hoạt động bất thường, tạo ra sự căng thẳng quá mức.
Khác với các vấn đề như hạt xơ hay polyp dây thanh vốn là do tổn thương mô, MTD không bắt nguồn từ cấu trúc vật lý mà do rối loạn cơ học, làm ảnh hưởng đến độ rung của dây thanh khi phát âm. Kết quả là giọng nói trở nên căng, mệt mỏi, hoặc không kiểm soát được.

Muscle tension dysphonia (MTD) là một rối loạn giọng nói xảy ra khi các cơ quanh thanh quản (hộp âm) hoạt động bất thường, tạo ra sự căng thẳng quá mức. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)
Có hai dạng MTD:
Loạn năng nguyên phát: xuất hiện mà không có tổn thương trước đó ở dây thanh
Loạn năng thứ phát: phát sinh sau khi dây thanh bị tổn thương hoặc viêm nhiễm
Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác giọng nói “không bình thường”, kèm theo:
Giọng khàn, khô, hoặc yếu
Mệt mỏi sau khi nói lâu
Khó điều khiển âm lượng hoặc cao độ
Cảm giác căng thẳng, bóp nghẹt ở cổ
Giọng ngắt quãng, hụt hơi khi nói
Người mắc MTD thường là những người sử dụng giọng nói nhiều, như ca sĩ, giáo viên, diễn giả. Các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ gồm:
Dùng giọng quá mức hoặc sai cách
Căng thẳng, lo âu kéo dài
Viêm đường hô hấp trên
Tư thế cổ vai kém
Ước tính có tới 40% bệnh nhân đến khám tại các phòng khám giọng nói được chẩn đoán mắc MTD, trong đó phụ nữ độ tuổi 40–50 chiếm tỷ lệ cao.
Để chẩn đoán MTD, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ tiến hành kiểm tra dây thanh qua nội soi, kết hợp đánh giá giọng nói và tiền sử bệnh lý.
Phương pháp điều trị chủ yếu là trị liệu giọng nói với các chuyên gia ngôn ngữ – âm học. Mục tiêu là giúp bệnh nhân thư giãn các nhóm cơ quanh thanh quản, cải thiện cách phát âm, giảm áp lực lên dây thanh.
Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể tiêm Botox trực tiếp vào cơ thanh quản để làm dịu tình trạng co thắt.

Backstreet Boys tái xuất trong chuỗi 21 đêm diễn “Into The Millennium” tại sân khấu Sphere ở Las Vegas. (Ảnh: WireImage)
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu kiên trì trị liệu, người bệnh có thể phục hồi phần lớn chức năng giọng nói. Tuy nhiên, với những người có nghề nghiệp đòi hỏi giọng hát như Brian, việc duy trì giọng nói sẽ là một hành trình dài cần chăm sóc liên tục.
“Tôi sẽ không bao giờ hát được như hồi trẻ nữa, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến, bởi khán giả xứng đáng được nghe những gì chân thật nhất,” Brian nói.