Từ bữa cơm độn đến giấc mơ blouse trắng của nữ sinh người Mông Sùng Thị Cu
'Bố nói rằng, cơm nhà mình còn bữa độn, bữa không. Áo mẹ mặc đã giãn ra hết rồi. Trâu bán cũng không đủ trả tiền học đại học cho con đâu…', đó không chỉ là lời từ chối, mà là tiếng nấc nghẹn của một người cha thương con bất lực. Và cũng từ chính khoảnh khắc đó, Sùng Thị Cu - cô gái người Mông đến từ vùng đất nghèo Pam Hặm (Điện Biên) đã quyết định: Nếu không thể đi bằng tiền, thì sẽ đi bằng tất cả niềm tin và ý chí.
Sùng Thị Cu sinh ra trong một gia đình , 3 thế hệ cùng chung sống ở xã Pam Hặm (trước là xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà), tỉnh Điện Biên. Nhà có 4 chị em, cha mẹ làm nương quanh năm mà cái nghèo vẫn quẩn quanh. Cuộc sống của cô bạn, từ khi còn nhỏ, đã gắn liền với những bữa cơm chỉ có mèn mén, canh rau rừng bỏ thêm chút muối, đủ để lót dạ qua ngày.
Ký ức của cô gái sinh năm 2005 về tuổi thơ không phải là sách bút, váy áo đẹp, mà là những đêm rét phải dậy hơ lửa vì chăn mỏng quá ngủ không được, là chiếc áo đồng phục giặt mỗi tuần một lần vì sợ rách, là mái nhà dột nát sau những trận mưa đá, là những ngày lo bữa cơm hôm nay có đủ gạo không chứ chưa từng dám mơ đến một giảng đường đại học.

Cô gái Mông và giấc mơ blouse trắng, mang y học hiện đại về với bản làng quê hương.
Vậy nhưng, trong mảnh đất còn khổ, vẫn có những hạt giống ý chí. Cô bé Sùng Thị Cu năm ấy vẫn cắp sách đến trường, nhờ vào sự hỗ trợ của chính sách và sự thức tỉnh của cộng đồng rằng “học mới là con đường thoát nghèo bền vững nhất”.
Cô luôn nhớ lời bố: “Đi học cho dù không thành tài cũng phải biết cái chữ, để sau này không ai được cười nhạo hay bắt nạt mình". Chính những câu nói bình dị ấy là ngọn lửa âm ỉ, nuôi lớn ước mơ trong lòng cô học trò nghèo.
Khi nhận tin đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, Cu như nhìn thấy “một thế giới khác” mở ra: thành phố, đèn sáng, cơ hội, sách vở… nhưng cũng là thách thức mới mang tên học phí và con đường đến đại học. Ở lớp, cô bạn cố gắng từng ngày. Về nhà, cô lại phụ ông bà chăn trâu, lấy củi, chăm em nhỏ. Những ngày ôn thi đại học, em vẫn vừa học, vừa bươn chải, không điện thoại, không Internet, không ai định hướng. Cu lặng lẽ tự học, một mình chiến đấu với giấc mơ. Trong thời gian chuẩn bị cho kì thi Đại học, Sùng Thị Cu đã nhận được sự đồng hành của .

Cô gái người Mông Sùng Thị Cu và anh Sùng A Cải - người kết nối em với Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin.
Khi nhận được giấy báo trúng tuyển ngành Y Đa khoa - , cô gái nhỏ ấy như vỡ òa. Nhưng niềm vui chưa trọn thì thực tế lại ập đến. Bố cô lặng người nói: “Không phải không muốn cho con đi học. Nhưng thật sự là không thể.” Câu nói ấy khiến cô suy sụp, và từng có lúc, Cu gọi cho Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin xin rút lui, nhường cơ hội cho người khác.
Nhưng rồi chính những người xa lạ lại giữ Cu ở lại cuộc đua: “Nếu hôm nay em thấy mình thiếu thốn, cực khổ thì càng phải cố gắng. Vì đích đến của em hôm nay chính là vạch xuất phát của con em sau này”; “Bố em không tin em thì có quỹ, có anh chị tin em. Cuộc đời của em, em không cố thì ai cố giúp em?” - những câu nói từ các chị trong Ban điều hành Quỹ khiến em khóc, rồi đứng dậy, đi tiếp. Câu nói ấy là bước ngoặt và Sùng Thị Cu quyết định: mình phải đi tiếp, không phải chỉ vì bản thân, mà vì tương lai của cả một thế hệ sau này.
Ban đầu, Cu chọn ngành Y vì không muốn nhìn thấy mẹ xanh xao mà chần chừ đi khám, không muốn thấy bố tự ý mua thuốc về truyền, cũng không muốn người thân bị đau mà chỉ biết bất lực nhìn. Nhưng càng học, em càng nhận ra: ngành Y không chỉ là cứu người, mà còn là hành trình tìm lại ý nghĩa cuộc sống cho người bệnh và cho chính mình.

Sùng Thị Cu (ngoài cùng bên trái, hàng trước) khi đi thực tập ở bệnh viện.
“Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống thôi mà. Sống khỏe mạnh, hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất”, Cu nói, ánh mắt lấp lánh như thể chạm tới giấc mơ. Cô bạn tin rằng, cuộc sống không dễ dàng, nhưng chỉ cần kiên định và không từ bỏ, thì mỗi người đều có thể viết lại số phận của mình.
Câu chuyện của Sùng Thị Cu như một biểu tượng của tinh thần vượt khó, của lòng tin vào giáo dục và của nghị lực sống đáng ngưỡng mộ. Cô bạn là minh chứng rõ ràng rằng: một cô gái dân tộc Mông, sinh ra giữa bạt ngàn núi đá và bữa cơm độn khoai, vẫn có thể vươn tới giảng đường đại học, khoác áo blouse trắng, và mang y học hiện đại về với bản làng quê hương.