Bài 1: Biển vắng dần ngư dân

Hiện nay, các tỉnh Bắc miền Trung đang xảy ra tình trạng khan hiếm người đi biển. Không đủ ngư dân dẫn đến nhiều chủ tàu, thuyền khai thác kém hiệu quả và phải bán tàu, bỏ biển, chuyển đổi nghề. Thực trạng này đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản và khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

“Tìm bạn đi biển khó lắm!”

Vùng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa được đánh giá có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển do có bờ biển dài, là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của đa số các loài thủy sản có tại vịnh Bắc Bộ. Nghề đi biển đã tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động các địa phương ven biển, đó là chưa kể số người làm dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ chế biến, kinh doanh hải sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân tác động, các tàu đánh bắt hải sản xa bờ của Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, người lao động không còn mặn mà, thiết tha với nghề biển.

Đang là "mùa vàng" nhưng hàng trăm tàu cá "nằm đắp chiếu" tại cảng Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Đang là "mùa vàng" nhưng hàng trăm tàu cá "nằm đắp chiếu" tại cảng Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Tại cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giờ đây không còn cảnh tấp nập tàu cá ra khơi vào lạch, kẻ bán người mua, hàng trăm tàu lớn nhỏ neo đậu tĩnh lặng gần kín khu vực cảng cá, mặc dù những tháng đầu năm như hiện nay được xác định là "mùa vàng" của ngư dân đánh bắt trên biển. Anh Phạm Gia Sơn, chủ tàu TH 91199 TS buồn rầu chia sẻ: “Gia đình tôi nhiều đời gắn bó với con tàu này. Nếu như trước đây, mỗi tháng tàu ra khơi vào lộng 3 đến 4 lần, trên tàu lúc nào cũng duy trì từ 12 đến 14 lao động, nhưng hai năm trở lại đây, việc ra khơi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng khan hiếm lao động theo tàu. Những người có kinh nghiệm, gắn bó lâu nay với tàu đều dần theo nghề khác. Thành thử có những chuyến đã chuẩn bị đầy đủ để ra khơi mà vẫn phải nằm bến đợi do chưa đủ người; có chuyến thuê đủ cũng chỉ được chủ tàu và máy trưởng là lao động nghề biển, còn lại là lao động phổ thông, không tìm được người địa phương giàu kinh nghiệm đi biển như trước nữa”.

Không như những ngành nghề khác, lao động nghề biển lâu nay chủ yếu là nam giới, đã thành truyền thống, cha truyền con nối. Nhưng nay, những lớp người dày dạn kinh nghiệm đi biển ngày càng thưa dần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay không tuyển đủ được lao động trên tàu, một tàu với công suất 350CV cần từ 12 đến 14 lao động, thì nay chủ tàu chỉ tuyển được 8 đến 10 lao động, trong số đó, chỉ khoảng 2 đến 3 người có kinh nghiệm đi biển, còn lại là lao động phổ thông được chủ tàu tuyển chọn từ địa phương khác đến.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn chia sẻ: “Công ty hiện có 6 tàu lớn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá, thời gian mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi từ 6 đến 10 ngày, mỗi tàu cần từ 12 đến 15 người. Hai năm gần đây, việc thuê lao động theo tàu gặp nhiều khó khăn, chưa có chuyến nào đủ được 15 người, chỉ khoảng từ 8 đến 10 người. Nếu lao động làm đủ 10 ngày, chúng tôi trả lương 4 triệu đồng/chuyến, làm 7 ngày chúng tôi trả 3,5 triệu đồng/chuyến. Do khan hiếm lao động, hiện nay, chúng tôi phần lớn phải thuê lao động địa phương khác, thậm chí không phải dân vùng biển; phải lên các huyện miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát để thuê người, thành thử nhiều chuyến trên tàu chỉ có lái tàu và máy trưởng là người của công ty".

Đang neo đậu ở cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn, anh Trần Cao Phùng, một chủ tàu đến từ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Tàu của tôi cần 16-18 người, nhưng hiện chỉ tuyển được 12 người đi. Ngư dân cứ đi một chuyến rồi lại nghỉ. Lâu lắm rồi không còn duy trì được lao động mà chuyến nào đi thì tìm người chuyến đó. Thậm chí đang ở ngoài khơi với mình mà họ cũng bỏ về giữa chừng. Nhiều khi đã lên lịch ra khơi rồi mà tìm không ra người lại phải lùi ngày lại. Bây giờ tìm bạn đi biển khó lắm!".

Ngư dân thiếu và “già hóa”

Tại Nghệ An, lực lượng lao động khai thác thủy sản có khoảng hơn 16.000 người trực tiếp đánh bắt thủy sản trên biển. Lao động đa phần nằm trong độ tuổi từ 18 đến 60, có sức khỏe tốt, có nhiều kinh nghiệm trong khai thác hải sản. Tuy nhiên, chất lượng người lao động chưa cao, chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp, mặt bằng trình độ dân trí của ngư dân thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Trong vài năm trở lại đây, lực lượng lao động làm nghề khai thác thủy sản có chiều hướng giảm và đang bị “già hóa”. Lực lượng lao động biển độ tuổi từ 18 đến 35 rất hiếm, thậm chí có 30% lao động biển trên 60 tuổi. Có những thời điểm thiếu nhân lực lao động gây khó khăn cho tàu cá đi khai thác. Lao động nghề cá ngày càng bộc lộ rõ những hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu mới.

Với sức chứa hơn 250 tàu nhưng cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) chỉ có duy nhất một tàu cá cập cảng xuất hàng.

Với sức chứa hơn 250 tàu nhưng cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) chỉ có duy nhất một tàu cá cập cảng xuất hàng.

Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trước đây nổi tiếng với nghề đi biển. Hơn 90% người dân trong xã đánh bắt hải sản. Chỉ mới trong năm 2018, toàn xã có 90 tàu khai thác xa bờ thì đến thời điểm hiện tại (tháng 4-2021) chỉ còn lại hơn 55 chiếc. Do tình hình khai thác hải sản ngày càng không đáp ứng được thu nhập nên nhiều chủ tàu đã bán tàu và chuyển đổi nghề.

Anh Nguyễn Văn Ước ở thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chung cổ phần với 7 hộ dân trong xã đóng một con tàu đánh bắt xa bờ có công suất 717CV. Vào cuối năm 2020, do tình hình khai thác hải sản khó khăn, đặc biệt là việc khan hiếm lao động, không bảo đảm được cho thu nhập và đời sống nên anh Ước và các hộ dân đóng góp cổ phần đành phải bán tàu. Khi đóng mới tàu, anh và các hộ đóng góp cổ phần phải bỏ ra 6-7 tỷ đồng nhưng khi bán chỉ được 1,7 tỷ đồng. Đặc thù giá tàu biển giảm mạnh so với lúc đóng mới do khấu hao nhiều, dù bán thua lỗ nặng nhưng anh Ước và các hộ dân góp cổ phần vẫn phải “đứt ruột” bán tàu. Việc bán tàu đồng nghĩa với việc anh và hàng chục lao động khác phải bỏ biển và chuyển đổi nghề. Anh Ước chia sẻ: “Khoảng 3-4 năm trước, nghề biển cho thu nhập cao nên việc tìm kiếm lao động dễ dàng. Một chuyến ra khơi cần phải có ít nhất 17-18 lao động nhưng vài năm trở lại đây, không lúc nào tìm được đủ người. Có khi tìm được 13-14 người cũng phải đi “ép”, nhưng khi ra khơi thiếu người, anh em phải làm thêm việc, vất vả lắm”.

Đặc thù nghề đi biển vùng khơi phải cần nhiều lao động, khi thiếu đi một người nghĩa là mất đi một công đoạn, quy trình khai thác vì thế bị gián đoạn và tăng thêm thời gian khiến cho sản lượng và chất lượng hải sản bị giảm sút.

Tỉnh Hà Tĩnh có gần 4.000 phương tiện nghề cá, trong đó 374 tàu đánh bắt xa bờ. Theo khảo sát của chúng tôi, các địa phương ven biển như Thạch Kim (Lộc Hà), Xuân Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đều chung thực trạng thiếu lao động biển. Lao động phổ thông đã thiếu, nhưng các lao động như lái tàu, máy trưởng càng thiếu trầm trọng. Cùng với chính sách hỗ trợ cải hoán tàu, thuyền, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo cho ngư dân để nâng cao năng lực, trình độ khai thác, đánh bắt nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đánh bắt hiện đại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ngư dân đã không có nhu cầu học và các buổi học hay tập huấn đều rất ít người tham gia. Hiện nay, lực lượng lao động trẻ không mặn mà với việc ở lại quê hương bám biển và nối nghiệp gia đình mà đi tìm những công việc phù hợp.

Nghề đi biển là một nghề đặc thù, đòi hỏi lao động phải là nam giới, có sức khỏe tốt nhưng hiện nay, thực trạng lao động biển ngày càng sụt giảm và bị “già hóa” đã gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản, phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.
(còn nữa)

Bài và ảnh: HỒ BẤT KHUẤT - HOA LÊ - KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-bien-vang-dan-ngu-dan-656443