Bài 1: Chỉ đạo sát sao, chuẩn bị chu đáo
Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Lời tòa soạn: Kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tháng 6.2013 đến nay, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (lần thứ hai tháng 11.2014 và lần thứ ba tháng 10.2018). Và tại Kỳ họp thứ Sáu khai mạc sáng nay, 23.10, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (lần thứ tư). Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về hoạt động quan trọng này.
Hai ngày 10 và 11.6.2013, lần đầu tiên Quốc hội khóa XIII lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nhưng công tác chuẩn bị thì đã được tiến hành trước đó 9 năm.
Đúng Hiến pháp, pháp luật, phù hợp quy định của Đảng về lãnh đạo công tác cán bộ
Đầu tháng 7.2004, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương chuyển cho Đảng đoàn Quốc hội (khóa XI) văn bản Dự thảo về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đảng đoàn Quốc hội đã họp và từng đồng chí đóng góp ý kiến cụ thể vào dự thảo.
Ngày 29.10.2004, Bộ Chính trị đã có kết luận chính thức tại văn bản số 33-KL/TW, trong đó chỉ rõ: Thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn phải quán triệt các quan điểm sau:
“1- Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, đồng thời, phát huy đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, HĐND, UBND, Mặt trận và đoàn thể nhân dân các cấp đối với nhân sự do mình giới thiệu, bầu hoặc bổ nhiệm.
2- Việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng như việc bầu hoặc phê chuẩn nhân sự mới phải theo đúng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và phù hợp các quy định của Đảng về lãnh đạo công tác cán bộ.
3-Việc bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn phải bảo đảm hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp để hoàn thành nhiệm vụ được giao; khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, không tự giác chịu trách nhiệm về kết quả và sai phạm trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình; đề phòng, ngăn ngừa động cơ cá nhân, cục bộ, lợi dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm để làm mất uy tín của cán bộ và cơ quan nhà nước.
4- Căn cứ để xem xét, đánh giá bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ là tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý do Đảng và Nhà nước quy định; trước hết là căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong đạo đức, lối sống và thái độ chống tham nhũng, lãng phí, uy tín trong đơn vị và trong nhân dân.
5- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc này phải thường xuyên, chủ động phát hiện các cán bộ có sai phạm, yếu kém để xử lý kịp thời theo đúng Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước, không chờ Quốc hội, HĐND phát hiện hoặc đến kỳ họp Quốc hội, HĐND mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm”.
Tuy nhiên, để có thể thực thi đồng bộ việc bỏ phiếu tín nhiệm ở cả Quốc hội và HĐND thì phảithống nhất thời gian nhiệm kỳ của các cơ quan này (Quốc hội khóa XI, nhiệm kỳ 2002 - 2007, nhưng HĐND các cấp nhiệm kỳ lại là 2004-2009). Thực tế đã xử lý bằng cách kéo dài nhiệm kỳ HĐND thêm 2 năm (2004 - 2011) và rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII xuống 4 năm (2007 - 2011). Tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cùng một ngày (22.5.2011). Từ đây, nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp là cùng một khung thời gian 5 năm, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2011-2016. Đối với Quốc hội đó là nhiệm kỳ khóa XIII...
Sau một thời gian nghiên cứu, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 35/2012/QH13, ngày 21.11.2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được thông qua. Theo Nghị quyết này, trước hết là lấy phiếu tín nhiệm, sau đó mới bỏ phiếu tín nhiệm.
Điều 1 của Nghị quyết quy định: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.
Do có 2 cấp độ (lấy phiếu, bỏ phiếu) nên phải phân biệt rạch ròi. Theo Điều 2 của Nghị quyết này thì: Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.
Theo Điều 3 của Nghị quyết này thì việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm 3 mục đích: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan
Nguyên tắc quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là: Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Có 2 căn cứ tổng quát để đánh giá mức độ tín nhiệm, đó là: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Trên cơ sở 2 căn cứ đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND yêu cầu. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (nếu có) gửi đến Quốc hội, HĐND tại kỳ họp.
Thời điểm và thời hạn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại Điều 7 của Nghị quyết: Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Về hệ quả đối với người được Quốc hội, HĐND đánh giá tín nhiệm thấp: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.
Đó là những căn cứ để Quốc hội, HĐND các cấp tiến hành giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong các nhiệm kỳ 2011- 2016 và 2016 - 2021.