Bài 1: Chống dịch như chống giặc

LTS: Đại dịch Covid-19 đang tàn phá trên quy mô toàn cầu khiến loài người chịu những tổn thất nặng nề cả về sinh mạng và kinh tế. Trong lúc nhân loại chưa có vaccine phòng dịch Covid-19, còn lúng túng, thiệt hại vẫn tăng nhanh hằng ngày thì Việt Nam đã tìm ra 'liều vaccine' hiệu quả từ cách thức chống dịch mang bản sắc Việt Nam.

Bản lĩnh, nội lực và giá trị nhân văn Việt Nam một lần nữa được khẳng định. Đây là những giá trị sẽ giúp đất nước ta luôn đứng vững không chỉ trong đại dịch Covid-19 mà với nhiều thử thách cam go khác. Vệt bài này chỉ ra những điểm mấu chốt khiến Việt Nam đang thành công trong chống dịch Covid-19.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan ra khỏi biên giới Trung Quốc, Đảng, Nhà nước ta đã lập tức xác định dịch này là một thứ “giặc”, nhanh chóng ra văn bản chỉ đạo, kích hoạt sự vào cuộc của hệ thống chính trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Mệnh lệnh coi dịch bệnh là giặc có lẽ chỉ duy nhất ở Việt Nam. Các quyết sách sáng suốt, kịp thời, quyết liệt đã dẫn tới thành công trong công tác phòng, chống Covid-19 ở nước ta thời gian qua, được nhân dân trong nước tin tưởng, bạn bè quốc tế cảm phục.

Nhận định đúng sự tàn bạo của “giặc Covid-19”

Ngày 31-12-2019, chính quyền TP Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) phát thông báo đầu tiên về 27 trường hợp mắc bệnh “viêm phổi lạ” tại địa phương này. Dịch bệnh có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tạm đặt tên là 2019-nCoV (chủng mới của virus Corona-2019), sau đó chính thức đặt tên bệnh là Covid-19. Ngày 9-1-2020, Vũ Hán mới có bệnh nhân đầu tiên được công nhận tử vong vì Covid-19. Thế mà tới ngày 24-5, tức là chỉ hơn 5 tháng sau, dịch đã lan ra 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 5,42 triệu người nhiễm và có tới hơn 344.000 người tử vong. Dịch có mức độ tàn phá gấp nhiều lần so với một số cuộc chiến tranh diễn ra gần đây. Ở nhiều nước, trong đó có rất nhiều nước phát triển, dịch Covid-19 tạo ra khủng hoảng nhân đạo, khi số người chết lên tới hàng nghìn người mỗi ngày. Hiện nay vẫn chưa có vaccine, thuốc đặc trị và chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch. Nhiều quốc gia lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, bị dịch tàn phá nặng nề cả về nhân mạng và kinh tế nhưng chưa tìm được phương thức hữu hiệu để vừa ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh, vừa duy trì được nền kinh tế.

Có đường biên giới trải dài với Trung Quốc, với lưu lượng rất lớn người và hàng hóa qua lại giữa hai bên, cùng với đó, có độ mở và mức độ giao lưu quốc tế cao nên ngay từ đầu dịch Việt Nam đã được xếp vào nhóm nước có nguy cơ dịch bùng phát cao hàng đầu thế giới. Việc phòng chống đại dịch này là chưa có tiền lệ, những nước phát triển nhất thế giới, có nền y học, khoa học tiên tiến nhất cũng đều bị dịch bệnh này gây thiệt hại nặng. Do đó, Việt Nam phải tìm ra các biện pháp của riêng mình, các biện pháp "Made in Vietnam" mạnh, đồng bộ, chủ động ứng phó nhanh, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.

 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra nhiều phương sách chống dịch hiệu quả. Ảnh: MINH QUYẾT

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra nhiều phương sách chống dịch hiệu quả. Ảnh: MINH QUYẾT

Thành công của Việt Nam trước hết là do lãnh đạo nước ta rất sáng suốt, sớm đánh giá đúng sự nguy hiểm của dịch này, đề ra biện pháp hợp lý nên đã giảm được tác hại của dịch. Ngày 23-1, khi Chính phủ Trung Quốc quyết định phong tỏa TP Vũ Hán (Trung Quốc), thì cũng là ngày Việt Nam ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Đó là người đàn ông quốc tịch Trung Quốc, 66 tuổi từ TP Vũ Hán sang thăm con trai đang làm việc tại Việt Nam. Người con sau đó cũng bị lây bệnh từ bố, trở thành bệnh nhân thứ hai tại Việt Nam. Nhận thấy diễn biến phức tạp đó, nên ngay từ ngày 23-1-2020 (tức 29 Tết Canh Tý), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện tới các bộ, cơ quan, địa phương yêu cầu chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam. Trong công điện đầu tiên này, Thủ tướng chỉ đạo sát sao việc cách ly người tới từ vùng dịch, khuyến cáo công dân Việt Nam không tới vùng dịch và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch (PCD) bệnh.

Ngày 28-1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg nêu rõ: “Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc PCD như “chống giặc”… Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để PCD nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra”. Việc coi dịch như giặc đã thể hiện cao độ việc đánh giá đúng sự nguy hiểm của dịch bệnh và sự quyết tâm, quyết liệt chống dịch của lãnh đạo nước ta.

Hành động kịp thời và quyết liệt

Cao điểm của công tác chỉ đạo PCD Covid-19 là khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi ấy mang âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946.

Ở Việt Nam-một dân tộc, một đất nước đã nhiều lần anh dũng, kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai thì truyền thống đánh giặc đã thấm sâu vào máu của mỗi con người. Mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” được nêu ra trong một văn bản chính thức kích hoạt tinh thần chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Cả hệ thống chính trị cho tới mỗi con người Việt Nam đều chuyển sang tinh thần của thời chiến, tập trung cao độ, thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngày 30-1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, Trưởng ban là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Thường trực là Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tập đoàn. Ban chỉ đạo giống như một “bộ tư lệnh” đánh “giặc Covid”, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế PCD bệnh. Trong thời gian cao điểm của dịch, Thường trực Chính phủ họp mỗi tuần 2-3 lần để kịp thời chỉ đạo công tác chống dịch.

Ngay từ sớm, Việt Nam đã luôn áp dụng các biện pháp PCD ở mức độ cao hơn so với khuyến cáo của WHO, từ hạn chế tới tạm dừng xuất, nhập cảnh; cách ly triệt để những người từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh; thực hiện cách ly toàn xã hội, khoanh vùng, dập dịch kịp thời khi xuất hiện những ổ dịch có nguy cơ bùng phát lây nhiễm cao trong cộng đồng. Từ sau Tết Canh Tý, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đã được cho nghỉ học và cũng chỉ mới đi học trở lại những ngày gần đây khi hơn 1 tháng nước ta không phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng.

Một cách làm rất hay đã được Việt Nam thực hiện là việc tổ chức tốt các biện pháp cách ly. Chúng ta thực hiện nghiêm túc việc cách ly nhưng vẫn rất uyển chuyển, phù hợp với tình hình, không cực đoan, không gây ra phản ứng tiêu cực trong xã hội và công tác đối ngoại. Giai đoạn đầu khi dịch chủ yếu ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) thì chúng ta thực hiện khai báo y tế với người ở nước ngoài về. Khi dịch lan ra khắp thế giới thì tất cả những người từ nước ngoài đến Việt Nam đều được cách ly tập trung và xét nghiệm.

Chúng ta đã lập các khu cách ly tập trung đối với người trở về từ vùng dịch. Quân đội được giao nhiệm vụ tổ chức các khu cách ly tập trung này với nhiều doanh trại quân đội được huy động làm khu cách ly. Số người được cách ly tập trung lúc nhiều nhất lên tới 76.000 người. Chính vì cách làm chủ động này mà phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện đều đã ở trong khu cách ly, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Bộ đội Biên phòng phối hợp với công an và dân quân tổ chức chốt ở tất cả các cửa khẩu, các đường mòn, lối mở để ngăn chặn việc vượt biên trái phép mang theo mầm bệnh vào nước ta. Cùng với đó, khi phát hiện bất cứ một ca bệnh nào ở trong cộng đồng thì chính quyền và các lực lượng chức năng liên ngành sẽ tổ chức khoanh vùng, dập dịch ngay, cách ly toàn bộ khu vực đó, tiến hành xét nghiệm Covid-19, theo dõi sức khỏe toàn bộ người dân địa phương và phun khử trùng. Nếu có bất cứ sự di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì lực lượng chức năng sẽ truy vết, điều tra lịch sử tiếp xúc, đưa những người tiếp xúc theo dạng F1 đi cách ly tập trung và F2, F3 thì cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe.

Điều đáng sợ nhất trong đại dịch Covid-19 chính là sự "vỡ trận" đối với hệ thống y tế. Ngay cả ở những nước phát triển có hệ thống y tế, cơ sở vật chất rất hùng hậu, nhưng do tốc độ lây lan nhanh, số lượng bệnh nhân Covid-19 quá đông, nên vẫn bị quá tải khiến rất nhiều bệnh nhân tử vong. Còn ở nước ta, do thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa nên đến ngày 24-5, Việt Nam mới có 325 bệnh nhân Covid-19, rất ít so với bình diện chung của thế giới và chủ yếu từ nước ngoài về, trong đó 267 người đã được chữa khỏi, chưa có bệnh nhân tử vong. Số lượng bệnh nhân Covid-19 được khống chế ở mức thấp, hệ thống y tế không bị quá tải, nên có điều kiện chăm sóc cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng. Thành công của mô hình và phương pháp PCD của Việt Nam được các nước trên thế giới khâm phục, đánh giá rất cao. Tinh thần coi dịch như giặc và kết quả PCD của nước ta được WHO, dư luận quốc tế hết lời ca ngợi và coi là một hình mẫu cho việc chống dịch Covid-19 cho toàn thế giới.

Tính mạng, sức khỏe của nhân dân là tối thượng

Xác định dịch bệnh là giặc, nghĩa là nước ta đặt ưu tiên cao nhất cho "cuộc chiến diệt giặc SARS-CoV-2". Trong khi các nước khác chần chừ, còn đong đếm lợi ích kinh tế với PCD bệnh, ngay từ ngày 28-1-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rất dứt khoát: "Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”. Đây là là tuyên bố vô cùng giá trị trong việc PCD Covid-19. Nó ở thời điểm ban đầu khi dịch mới lây lan vào Việt Nam là "thời gian vàng" trong PCD, còn có thể ngăn chặn hiệu quả. Nó giúp cho các bộ ngành, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng biết cần phải làm gì, không lưỡng lự, không vì mục tiêu kinh tế mà buông lỏng việc phòng dịch, để rồi gây nguy hiểm cho cộng đồng. Tuyên bố trên của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ bản chất vì người dân, vì con người của Nhà nước ta, chế độ ta.

Trước nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện biện pháp mạnh, cách ly toàn xã hội từ ngày 1-4 đến 22-4-2020, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. Chính đợt cách ly toàn xã hội dài ngày này đã giúp chúng ta chặn đứng đà lây lan của dịch.

Đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo sáng suốt, chủ động, tích cực thực hiện những biện pháp phòng ngừa hợp lý và sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta khiến Việt Nam trở thành pháo đài vô cùng kiên cố, đẩy lùi 2 đợt tấn công của dịch Covid-19.

GIA MINH - QUANG PHƯƠNG - CHIẾN THẮNG - THU HƯƠNG - VŨ DUNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/bai-1-chong-dich-nhu-chong-giac-618862