Bài 1: Chưa theo kịp yêu cầu

Trong những năm gần đây, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu hồi tài sản vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó có những bất cập về thể chế đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.

Bài 2: Điệp khúc án tồn đọng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp
Bài 3: Hoàn thiện cơ chế kê biên, phong tỏa tài sản
Bài cuối: Từ quyết tâm chính trị của Đảng

Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Nguồn ITN

Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Nguồn ITN

Chủ yếu tập trung vào công tác điều tra, truy tố, xét xử, chưa chú trọng đúng mức đến việc thu hồi tài sản tham nhũng là “lỗ hổng” lớn nhất xung quanh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Còn chồng chéo, khó tổ chức thi hành

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Quốc hội đã ban hành 74 luật, pháp lệnh, 67 nghị quyết, trong đó có nhiều luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng như: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020; Luật Tương trợ tư pháp; Luật Kiểm toán; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Các tổ chức tín dụng…

Để tổ chức triển khai các văn bản trên, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền 1.124 nghị định, 995 nghị quyết, 465 quyết định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng như: Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29.11.2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30.10.2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Nguồn ITN

Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Nguồn ITN

Tuy vậy, thực tiễn thực hiện các văn bản này cho thấy, không ít quy định không phù hợp, chồng chéo, khó tổ chức thi hành. Đơn cử, Bộ luật Hình sự chỉ quy định tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm. Trong bối cảnh thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, tài sản tham nhũng thường được tẩu tán ra nước ngoài, chuyển đổi hình thức sở hữu để “tẩy rửa” nguồn gốc bất hợp pháp nên quy định này không còn phù hợp. Hơn nữa, đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, hiểu biết pháp luật và có nhiều quan hệ xã hội nên việc chứng minh hành vi phạm tội, đặc biệt là yếu tố “vụ lợi” không dễ dàng. Trong khi đó, thời hạn điều tra tội phạm tham nhũng giống như thời hạn điều tra các tội phạm khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện và phong tỏa, thu hồi tài sản.

Hay, Điều 128, Điều 129, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Nhưng, khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra làm căn cứ quyết định phần tài sản phải kê biên. Mặt khác, thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo - tức là sau khi đã có các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Như vậy, ở giai đoạn thụ lý tin tố giác tội phạm thì các cơ quan điều tra không có quyền kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản, làm tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của người phạm tội và những người thân thích. Trong khi đó, hành vi tham nhũng có thể được phát hiện từ hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan; giám sát, thanh tra, kiểm toán và phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức.

Ở giai đoạn thụ lý tin tố giác tội phạm thì các cơ quan điều tra không có quyền kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản. Nguồn ITN

Ở giai đoạn thụ lý tin tố giác tội phạm thì các cơ quan điều tra không có quyền kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản. Nguồn ITN

Đáng nói hơn, việc bảo quản, quản lý tài sản phạm tội, hiện chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản thu giữ được mà tài sản kê biên là bất động sản thường được giao cho chủ tài sản hoặc người thân bảo quản. Vì vậy, cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tác nghiệp xác minh, kê biên để thi hành án do có sự không hợp tác của người trông coi tài sản.

Nhiều lỗ hổng trong kê biên, phong tỏa tài sản

Kết quả rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp gần đây cho thấy, còn không ít lỗ hổng, tạo điều kiện cho người vi phạm tẩu tán tài sản tham nhũng. Đơn cử, pháp luật về giá, bán đấu giá chưa quy định cơ chế kiểm soát, xử lý các công ty thẩm định giá thiếu minh bạch. Việc sử dụng hợp đồng chuyển nhượng làm cơ sở để thẩm định giá chưa phản ánh được thực tế giá chuyển nhượng. Mặt khác, cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thẩm định giá đối với tài sản kê biên nên trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc. Mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự (chấp hành viên) với các tổ chức đấu giá là mối quan hệ dân sự nên nhiều nguy cơ dẫn đến thiếu khách quan, giá trị tài sản đấu giá thấp, thậm chí tài sản của Nhà nước có thể bị thất thoát trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Nhiều lỗ hổng trong kê biên, phong tỏa tài sản tham nhũng. Nguồn ITN

Nhiều lỗ hổng trong kê biên, phong tỏa tài sản tham nhũng. Nguồn ITN

Giai đoạn 2008 - 2017, số vụ án kinh tế, tham nhũng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do việc xác định tội danh chưa đảm bảo căn cứ vững chắc là 453 vụ/801 bị can, trong đó Viện kiểm sát trả 258 vụ/496 bị can; Tòa án trả 195 vụ/305 bị can, không ít vụ án phải sử dụng hết số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung theo luật định. (Nguồn VKSNDTC)

Đáng lưu ý hơn, pháp luật về đất đai hiện quy định khung giá đất tối thiểu, tối đa rất xa nhau, ảnh hưởng đến việc xác định giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng trên thị trường, tiềm ẩn nguy cơ sai phạm khi tài sản kê biên là đất đai. Một số trường hợp tài sản thu hồi là các dự án bất động sản nhưng đang trong quá trình lập hồ sơ, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Bởi, nếu mục đích sử dụng vẫn là đất nông nghiệp hoặc đất ở khu đô thị thì giá thẩm định và giá bán rất khác nhau. Nhiều trường hợp người phạm tội thế chấp tài sản bảo đảm khoản vay là đất nông nghiệp hoặc đất trồng cây lâu năm có thời hạn nên cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn khi tại thời điểm tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá các tài sản này đã hết hạn sử dụng…

Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh viện dẫn, việc triển khai quy định kê biên vốn góp của người phải thi hành án tại Điều 92, Luật Thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Vì khi doanh nghiệp hoạt động thì giá trị của công ty sẽ thay đổi so với vốn điều lệ nên cần phải tiến hành việc định giá công ty với sự trợ giúp của cơ quan, tổ chức chuyên môn. Sau khi đã xác định được phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp thì vấn đề khó khăn tiếp theo là việc kê biên xử lý phần vốn góp đó như thế nào vì đây là một loại tài sản có tính chất pháp lý đặc biệt.

Đáng lưu ý, trong trường hợp qua hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập mà phát hiện tài sản, thu nhập đó có dấu hiệu từ hành vi tham nhũng Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cơ quan có thẩm quyền sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng hoặc yêu cầu cơ quan chức năng, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản. Luật Phòng, chống tham nhũng chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng qua việc kiểm soát tiền, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức. Như vậy, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch hoặc hủy hoại tài sản.

Hoàng Tuấn – Đình Khoa – Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-sat-quoc-hoi-va-cu-chi/bai-1-chua-theo-kip-yeu-cau-i312095/