Bài 1: Cuộc khủng hoảng quốc gia và lỗ hổng chính sách

Nói đến nước Anh, người ta thường nghĩ đến một quốc gia giàu có và quý tộc, nhưng giờ đây xứ sở sương mù còn được biết đến là nơi có tỷ lệ người vô gia cư cao nhất toàn cầu.

150.000 trẻ em vô gia cư - con số báo động

Số liệu thống kê chính thức do Bộ Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương (MHCLG) công bố hôm 8.8.2024 cho thấy, tính đến tháng 3.2024, nước Anh có 151.630 trẻ em đang sống trong những nơi ở tạm. Đây là con số kỷ lục, cao hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Scotland số trẻ em vô gia cư là 16.263 trẻ em, tăng 10%, tương đương mỗi ngày có 45 trẻ em lâm vào cảnh vô gia cư.

“Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng nhất trong lịch sử và tỷ lệ người vô gia cư ở mức kỷ lục. Đây không khác gì một cuộc khủng hoảng quốc gia”, Bộ trưởng Angela Rayner cho biết trong một tuyên bố.

Theo tiêu chí của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tình trạng vô gia cư không chỉ là những người sống lang thang ngoài đường phố, mà bao gồm cả những người không có nơi ở cố định vì không đủ khả năng mua nhà ở. Do đó danh hiệu “quốc gia có tỷ lệ người vô gia cư cao nhất” thuộc về nước Anh.

Nước Anh giữ kỷ lục về số lượng người vô gia cư. Nguồn: The Independent

Nước Anh giữ kỷ lục về số lượng người vô gia cư. Nguồn: The Independent

Báo cáo chính thức cho thấy số hộ gia đình vô gia cư ở Anh đã tăng hơn 100% trong khoảng từ năm 2010 - 2023, từ 48.000 lên 112.000 hộ, con số cao nhất kể từ khi số liệu này được theo dõi. Phần lớn những hộ vô gia cư này phải sống tạm bợ trong các căn nhà ẩm mốc. Việc phải di chuyển liên tục giữa các nơi ở tạm bợ khiến trẻ em phải nghỉ học còn người lớn thì nghỉ làm.

Bà Polly Neate, thuộc tổ chức từ thiện Shelter cho biết: "Giá thuê nhà đang tăng cao, hỗ trợ của Chính phủ không theo kịp được với giá thuê nhà. Nếu ai không trả được tiền thuê thì sẽ bị đuổi khỏi nhà và trở thành vô gia cư, không có cơ hội nào cả, vì hàng thập kỷ nay nhà xã hội không đáp ứng đủ".

Cung không đủ cầu

Một trong những yếu tố chính góp phần vào cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh là nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi nhu cầu ngày càng lớn hơn do dân số ở Anh tăng đều đặn qua các năm (gần 20% trong 50 năm qua và gần 6% trong thập kỷ qua). Chính phủ đã cam kết xây dựng 180.000 ngôi nhà mới, giá cả phải chăng vào năm 2026, nhưng theo Liên đoàn Nhà ở Quốc gia, có khoảng 8,5 triệu người có nhu cầu nhà ở vẫn chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, quá trình xây mới cũng gặp khó khăn do thủ tục cấp phép quy hoạch rườm rà, hệ thống quy hoạch chặt chẽ, tốc độ xây dựng chậm, tình trạng cắt giảm biên chế và ngân sách cho các dự án nhà ở xã hội và tình trạng khan hiếm đất đai để phát triển.

Ngoài ra, nguồn cung nhà cho thuê cũng ngày càng suy giảm trầm trọng do những khó khăn chủ nhà phải đối mặt như lãi suất tăng và chi phí vay thế chấp cao, khiến các khoản đầu tư mua nhà để cho thuê ngày càng kém hấp dẫn. Một báo cáo của công ty tư vấn bất động sản Savills hồi đầu năm cho thấy lợi nhuận ròng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực cho thuê tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, do lãi suất tăng và những thay đổi quy định về thuế. Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư ồ ạt rời thị trường cho thuê nhà, số người bán đang nhiều hơn số người mua và ngày càng nhiều người nói rằng họ sẽ bán thay vì đầu tư do lãi suất vay thế chấp tăng quá cao trong khi chủ nhà không thể tăng giá thuê tương đương mức tăng chi phí vay thế chấp.

Giá nhà và chi phí thuê tăng cao

Tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu đã dẫn đến giá nhà cao hơn và chi phí thuê nhà tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân không thể có khả năng mua/thuê nhà, dẫn đến tỷ lệ người vô gia cư ngày càng đông. Giá thuê trung bình cho một căn nhà ba phòng ngủ trong thành phố năm 2023 tăng 13% so với năm 2022.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người dân khó có thể tiết kiệm tiền trả trước hoặc trả tiền thuê nhà hàng tháng mà không phải đối mặt với áp lực tài chính.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc đóng băng khoản trợ cấp nhà ở địa phương (LHA) năm 2016 - khoản phúc lợi nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ gia đình nghèo đi thuê nhà, khiến tình hình trầm trọng hơn. Một phân tích của Viện Nghiên cứu tài chính cho thấy trên chỉ 5% trong tổng số tiền thuê nhà tư nhân năm 2023 được thanh toán bằng LHA.

Bên cạnh đó, rất nhiều quy định hiện hành gây bất lợi cho người thuê nhà dài hạn, chẳng hạn như quy định yêu cầu người thuê nhà ngoài trả tiền thuê căn hộ còn phải trả phí mặt bằng. Nhiều chủ đầu tư tại Anh lợi dụng việc tăng giá thuê mặt bằng để biến căn hộ thành tài sản tạo ra thu nhập. Trong một số trường hợp, những ngôi nhà này sẽ được bán với giá cao gấp đôi sau mỗi thập kỷ và khiến người mua hoàn toàn mất khả năng chi trả. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh sau đó đã phải tái điều tra các khoản hợp đồng không hợp lý để trả lại công bằng cho người dân.

Khả năng cung cấp nhà ở xã hội hạn chế

Tồi tệ hơn, nhà ở xã hội, nơi cung cấp chỗ ở giá cả phải chăng cho những người có nhu cầu, đã suy giảm 25% kể từ thập niên 1970, khiến nhiều hộ gia đình không có nhiều lựa chọn nếu không đủ tiền thuê nhà. Năm 1980, 94.140 ngôi nhà xã hội được xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 1983, nguồn cung đã giảm một nửa xuống chỉ còn 44.240 ngôi nhà mới. Trong giai đoạn 2021 - 2022, chỉ có 7.528 ngôi nhà xã hội mới được giao - gần như không đủ cho 1,6 triệu người trong danh sách chờ. Nhu cầu về nhà ở xã hội vượt quá nguồn cung hiện có, khiến danh sách chờ được mua nhà ngày càng dài thêm.

Tình trạng này một phần xuất phát từ đầu tư công giảm, ít hỗ trợ hơn thông qua hệ thống quy hoạch, chi phí phát triển và đất đai tăng cao. Điều này có nghĩa là khoản đầu tư ít ỏi đó sẽ không đi xa được.

Tác động của thị trường mua để cho thuê

Thị trường mua để cho thuê đề cập đến hoạt động mua bất động sản với mục đích cho thuê. Mặc dù thị trường này có những lợi ích riêng, nhưng cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở. Các nhà đầu tư, bị thu hút bởi tiềm năng thu nhập từ việc cho thuê, đã đầu cơ bất động sản, làm giảm số lượng nhà sẵn có trên thị trường, khiến người dân khó tiếp cận nhà ở với giá hợp lý.

Giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh đòi hỏi một chiến lược tổng thể, kết hợp nhiều biện pháp từ tăng nguồn cung bằng cách tăng nguồn nhà xây mới, cải thiện điều kiện cho thuê, ưu tiên nhà ở giá rẻ, giải quyết chênh lệch nhu cầu giữa các địa phương, ngăn chặn đầu cơ bất động sản và cung cấp hỗ trợ tài chính.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/bai-1-cuoc-khung-hoang-quoc-gia-va-lo-hong-chinh-sach-i385654/